Du lịch thân thiện với voi-những chuyển biến tích cực

Đắk Lắk được ví là xứ sở voi, vì nơi đây có nhiều đàn voi nhà và quần thể voi rừng. Song, do nhiều nguyên nhân, đàn voi nhà ngày càng suy giảm. Trước thực tế này, tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm bảo tồn và phát triển đàn voi nhà.
0:00 / 0:00
0:00
Du lịch thân thiện với voi góp phần bảo tồn đàn voi nhà tại tỉnh Đắk Lắk.
Du lịch thân thiện với voi góp phần bảo tồn đàn voi nhà tại tỉnh Đắk Lắk.

Đàn voi nhà sụt giảm mạnh

Theo Trung tâm Bảo tồn voi, cứu hộ động vật và quản lý, bảo vệ rừng tỉnh Đắk Lắk, thập niên 80 thế kỷ trước, trên địa bàn tỉnh có hơn 500 cá thể voi nhà. Nhưng đến nay chỉ còn 36 cá thể, trong đó có 21 cá thể voi ở huyện Buôn Đôn, 14 cá thể ở huyện Lắk và huyện Krông Ana chỉ còn 1 cá thể.

Có nhiều nguyên nhân khiến đàn voi nhà ở Đắk Lắk sụt giảm, như nạn tấn công voi để trộm ngà và lông đuôi, môi trường sống của voi bị thu hẹp, bán voi đưa đi các tỉnh khác. Điều kỳ lạ là trong hơn 30 năm qua, chưa có cá thể voi cái nào sinh sản thành công, trong khi tuổi của các cá thể voi ngày càng cao.

Thêm vào đó, phần lớn các du khách khi đến Đắk Lắk đều có nhu cầu cưỡi voi. Do nhu cầu kinh tế, hoạt động du lịch cưỡi voi vẫn diễn ra nhiều năm qua mà chưa thể dừng. Điều đó càng làm cho đàn voi nhà bị khai thác quá sức, kiệt quệ.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn Y Si Thắt Ksơr, trước nguy cơ đàn voi nhà ở Đắk Lắk bị tuyệt chủng, những năm qua, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành các chủ trương, chính sách về bảo tồn đàn voi nhà. Gần đây nhất, năm 2021, HĐND tỉnh Đắk Lắk thông qua Nghị quyết sửa đổi chính sách hỗ trợ voi nhà sinh sản và hạn chế xung đột voi với người tại Đắk Lắk, bổ sung chính sách phúc lợi cho voi...

“Tuy nhiên, việc triển khai các chính sách này vẫn còn nhiều bất cập, vướng mắc, các chủ voi chưa nhận được hỗ trợ của Nhà nước cho nên họ vẫn sử dụng voi phục vụ du lịch để có tiền nuôi voi và nuôi sống gia đình, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của voi, khiến đàn voi nhà sụt giảm mạnh”, Phó Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn cho biết.

Để bảo tồn đàn voi nhà, những năm qua, tỉnh Đắk Lắk đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ chủ voi, hỗ trợ voi sinh sản, chuyển đổi các mô hình ảnh hưởng đến sức khỏe của voi sang mô hình thân thiện với voi. Năm 2021, UBND tỉnh Đắk Lắk và Tổ chức động vật châu Á (AAF) ký kết bản ghi nhớ hợp tác xây dựng mô hình thân thiện với voi nhà, mục đích hướng tới việc chấm dứt sử dụng mô hình du lịch cưỡi voi và các hoạt động ảnh hưởng đến phúc lợi của voi nhà trong du lịch và lễ hội, góp phần bảo tồn voi nhà tại Đắk Lắk.

Cụ thể hóa bản ghi nhớ này, UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt dự án hỗ trợ kỹ thuật thực hiện chuyển đổi mô hình du lịch cưỡi voi sang mô hình du lịch thân thiện với voi trên địa bàn tỉnh, nguồn kinh phí do AAF tài trợ hơn 55 tỷ đồng. Mục tiêu, nhằm triển khai mô hình hoạt động du lịch thân thiện với voi, hướng tới chấm dứt các hoạt động du lịch cưỡi voi và nâng cao phúc lợi cho các cá thể voi nhà; duy trì, bảo tồn quần thể voi nhà trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Hướng mới nhân văn

Dự án được thực hiện từ tháng 11/2022 đến tháng 12/2026, hướng đến mô hình du lịch thân thiện với voi được thực hiện trên địa bàn huyện Buôn Đôn và huyện Lắk. Qua đó, thay thế hoàn toàn hình thức du lịch cưỡi voi; đàn voi nhà được bảo tồn, chăm sóc, bảo đảm phúc lợi, kéo dài tuổi thọ; chủ và nài voi được bù đắp nguồn thu nhập bị thiếu hụt do dừng phục vụ cưỡi voi; các trung tâm du lịch được hỗ trợ kỹ thuật để chuyển đổi sang mô hình du lịch thân thiện với voi…

Anh Y Winh Êung, nài voi ở huyện Lắk được hưởng lợi từ dự án chia sẻ: “Trước đây vì mưu sinh, chúng tôi phải dùng voi để làm du lịch, chở du khách. Nay được sự hỗ trợ của Nhà nước, gia đình sẽ chuyển hướng sang phát triển du lịch thân thiện với voi, bằng việc đa dạng hóa các sản phẩm du lịch có trả phí, như du khách cho voi ăn, chụp hình cùng voi, ngắm voi thay vì cưỡi voi”.

Thời gian gần đây, các doanh nghiệp du lịch ở Đắk Lắk cũng đã chung tay bảo tồn đàn voi nhà như chi nhánh du lịch và khách sạn Biệt Điện thuộc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk, đã quyết định dừng hoạt động cưỡi voi tại Trung tâm du lịch cầu treo Buôn Đôn, thay vào đó là tổ chức các loại hình du lịch thân thiện với voi, tạo hiệu ứng tích cực trong dư luận, nhận được sự tán dương của du khách trong nước và ngoài nước.

Tổng Giám đốc công ty Lê Đức Huy cho biết, nhiều năm qua, tại Trung tâm du lịch cầu treo Buôn Đôn sử dụng 6 voi nhà phục vụ du khách. Trong đó, 2 con của đơn vị và 4 con hợp đồng với người dân. Thực hiện chủ trương của tỉnh về lộ trình dừng dịch vụ cưỡi voi trong hoạt động du lịch để bảo tồn đàn voi nhà, công ty đã quyết định dừng hoạt động kinh doanh dịch vụ cưỡi voi từ ngày 10/2.

“Theo tôi, việc chuyển sang mô hình du lịch thân thiện với voi, như chụp ảnh cùng voi, cho voi ăn... góp phần bảo tồn đàn voi nhà và mô hình này hợp với xu thế du lịch nhân văn hiện nay”, ông Huy chia sẻ.

Mới đây, trong chương trình Lễ hội Cà-phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8-năm 2023, lần đầu tiên tỉnh Đắk Lắk không sử dụng voi diễu hành tại lễ hội đường phố và trong Hội voi Buôn Đôn cũng không tổ chức thi đua voi, voi bơi, voi đá bóng, mà chỉ tổ chức Lễ cúng sức khỏe cho voi, thi trang điểm cho voi, tiệc buffet cho voi, thi voi chào khán giả, chụp hình với voi...

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk Thái Hồng Hà thông tin, thời gian qua, cùng với các chủ trương, chính sách của tỉnh và sự hỗ trợ tích cực của AAF, việc chuyển đổi từ mô hình du lịch cưỡi voi sang mô hình du lịch thân thiện với voi có nhiều chuyển biến tích cực.

“Hiện các cấp, các ngành của tỉnh đang phối hợp huyện Buôn Đôn và Lắk tiếp tục tuyên truyền, vận động các chủ voi, doanh nghiệp xây dựng và chuyển đổi từ mô hình du lịch cưỡi voi sang mô hình du lịch thân thiện với voi, tiến tới chấm dứt hoạt động du lịch cưỡi voi, góp phần bảo tồn đàn voi nhà tại Đắk Lắk”, ông Thái Hồng Hà cho biết.