Dự án ODA hơn 1.100 tỷ đồng thường xuyên hư hỏng, vì sao?

NDO -

Dự án Nhà máy xử lý nước thải Rạch Bà (TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) có tổng mức đầu tư hơn 1.124 tỷ đồng (tương đương 40 triệu euro), vận hành từ năm 2016 nhưng liên tục gặp sự cố, hư hỏng.

Lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và nhiều khách mời tham quan nhà máy sau lễ khánh thành ngày 2-7 vừa qua.
Lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và nhiều khách mời tham quan nhà máy sau lễ khánh thành ngày 2-7 vừa qua.

Dự án Nhà máy xử lý nước thải Rạch Bà, vốn ODA vay của Chính phủ Pháp là 450 tỷ đồng (tương đương 16 triệu euro); vốn đối ứng (ngân sách tỉnh) là 674 tỷ đồng (tương đương 24 triệu euro). Tuy nhiên, kể từ khi đưa vào vận hành năm 2016, nhất là giai đoạn từ năm 2018 đến nay, nhà máy liên tục gặp sự cố, hư hỏng. Đã có những cảnh báo từ những người có trách nhiệm, nếu không có các giải pháp kịp thời, nhà máy rất có thể trở thành một “đống sắt vụn”.

Nhà máy nghìn tỷ “quên” bảo trì?

Dự án được xây dựng có công suất 22.000m3/ngày đêm, cùng hệ thống thu gom nước thải, gồm bảy trạm bơm, 37 giếng tách dòng, 28km đường ống thu gom các loại, được xem là hiện đại nhất Việt Nam.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, sau nhiều năm vận hành và đi vào hoạt động, Nhà máy xử lý nước thải Rạch Bà không được bảo trì theo quy định.

Sự việc chỉ được phát hiện vào tháng 11-2018, khi UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có Quyết định 3349/QĐ-UBND điều chuyển tài sản công là Nhà máy xử lý nước thải Rạch Bà (sau đây gọi là NM Rạch Bà), từ Công ty TNHH MTV Thoát nước và Phát triển đô thị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, sau này đổi thành Công ty cổ phần Khoa học công nghệ Việt Nam (Busadco), sang Trung tâm Quản lý các khu xử lý chất thải tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (thuộc Sở Xây dựng) để quản lý, khai thác, sử dụng theo quy định. Bởi từ năm 2016 đến tháng 11-2018, Công ty Busadco vừa là chủ đầu tư lại vừa là đơn vị quản lý và vận hành nhà máy.

Để tiếp nhận một dự án lớn như NM Rạch Bà, trong biên bản cuộc họp ngày 5-9-2018, Trung tâm Quản lý các khu xử lý chất thải tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu kiến nghị, NM Rạch Bà trước khi bàn giao về cho Trung tâm cần được đánh giá lại chất lượng công trình.

Tuy nhiên, ngày 13-9-2018, Sở Xây dựng có văn bản 3071/SXD-PTĐT&HTKT cho rằng: “Sau khi kiểm tra, ngày 7-12-2017, Sở Xây dựng đã có văn bản 4678/SXD-PTĐT&HTKT chấp thuận kết quả nghiệm thu công trình đưa vào sử dụng. Đến nay (13-9-2018), công trình, hạng mục công trình của dự án vẫn bảo đảm chất lượng theo thiết kế được duyệt và hoạt động bình thường, đủ điều kiện để bàn giao cho đơn vị quản lý”, “không thực hiện việc kiểm định chất lượng công trình của toàn bộ dự án như đề nghị của trung tâm”.

Và thực tế đã chứng minh, chỉ sau thời gian bàn giao khoảng hai tháng, máy móc của nhà máy bắt đầu hư hỏng và hư hỏng hàng loạt. Đến thời điểm hiện nay, đã ghi nhận gần 100 biên bản hiện trường về hư hỏng máy móc, thiết bị được xác lập, trong đó có rất nhiều hư hỏng lớn, ảnh hưởng trực tiếp khả năng vận hành liên tục của nhà máy.

Điển hình như: Ngày 3-6-2019, cả ba máy bơm của nhà máy đều bị hư hỏng, trạm bơm phải dừng hoạt động, cho đến ngày 14-6-2019 mới có một bơm sửa được. Các hư hỏng đều có nguyên nhân chính là các chi tiết cơ khí của hệ thống bơm đã xuống cấp. Đơn vị sửa chữa khuyến cáo không nên sửa chữa nữa vì hư hỏng quá nặng; sẽ không bảo hành nếu tiếp tục sửa chữa.

Từ ngày 15 đến 18-7-2019, hệ thống bơm tự động ATS và cầu dao tổng trạm bơm Rạch Bà hư hỏng khiến trạm bơm dừng hoạt động (Trạm bơm Rạch Bà là trạm bơm chính đưa toàn bộ nước thải về NM Rạch Bà). Đơn vị chuyên môn sau khi kiểm tra đã kết luận, hệ thống bơm tự động ATS hư hỏng gần như hoàn toàn.

Ngày 19-9-2019,  hệ thống thổi khí gặp sự cố phải sửa chữa hai máy thổi khí với kinh phí gần 400 triệu đồng…

Lập lờ giữa bảo hành và bảo trì dự án

Làm việc với phóng viên Nhân Dân điện tử, ông Tạ Quốc Trưởng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, người được giao nhiệm vụ theo dõi, giám sát dự án này từ những ngày đầu khẳng định, công trình nhà máy xử lý nước thải Rạch Bà và các trạm bơm có thời gian bảo hành đến hết ngày 20-12-2018. Vì vậy, chủ đầu tư là Busadco phải có trách nhiệm thay thế, sửa chữa những hư hỏng phát sinh trong quá trình bảo hành công trình.

Cụ thể, năm 2016, Busadco đã bỏ ra hơn 46 triệu đồng, năm 2017 là 726 triệu đồng và năm 2018 là 796 triệu đồng. Tuy nhiên, khi được hỏi việc thay thế, sửa chữa đó là bảo hành hay bảo trì thì ông Trưởng lại không trả lời.

Để làm rõ vấn đề, chúng tôi đề nghị ông Tạ Quốc Trưởng cung cấp cho chúng tôi quy trình và kế hoạch bảo trì hằng năm của NM Rạch Bà giai đoạn 2016 đến 2018 thì ông Trưởng trưng ra một tập tài liệu phô-tô. Nhưng khi được yêu cầu cung cấp bản gốc thì ông Trưởng “lắc đầu”, không đáp ứng yêu cầu của phóng viên.

Thực tế, ngày 24-2-2020, tại văn bản số 535/SXD-PTĐT&HTKT của Sở Xây dựng báo cáo UBND tỉnh, có ghi: Ngày 7-12-2018, Busadco đã bàn giao tài sản, các hồ sơ liên quan (trong đó có quy trình bảo trì thiết bị (gói thầu số 4) do liên danh OTV và Vinci Contruction Grands Projets (CH Pháp) lập, chủ đầu tư là Busadco chứng nhận nghiệm thu bàn giao và đưa vào sử dụng ngày 7-9-2016) cho Trung tâm để quản lý bảo trì. Tất cả những hồ sơ này sau khi Trung tâm Trung tâm Quản lý các khu xử lý chất thải tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chuyển cho Trung tâm Kiểm định chất lượng xây dựng (cũng thuộc Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) để thẩm định thì kết quả nhận được là: “không tìm được bất cứ phần hồ sơ nào có liên quan công tác bảo trì thiết bị”.

Căn cứ Luật Xây dựng và các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay, quy trình bảo trì phải được chủ đầu tư tổ chức lập, phê duyệt trước khi đưa hạng mục công trình, công trình vào khai thác, sử dụng. Riêng với các công trình chưa bàn giao được cho chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình, chủ đầu tư vẫn phải có trách nhiệm lập kế hoạch bảo trì công trình xây dựng và thực hiện việc bảo trì công trình xây dựng.

Hiện, phía Trung tâm Quản lý các khu xử lý chất thải tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn đang chờ Công ty Busadco và Sở Xây dựng cung cấp bản gốc quy trình bảo trì và kế hoạch bảo trì hằng năm trước đây của nhà máy để xây dựng kế hoạch bảo trì cho những năm tiếp theo.

Và thực tế, nếu Buasadco và Sở Xây dựng “quên” không thực hiện bảo trì công trình hơn 1.100 tỷ đồng này thì có lẽ đây là sự phá hoại ghê gớm đối với một dự án nghìn tỷ và được xem là hiện đại nhất Việt Nam này(?).