Đồng Tháp: Chú trọng chất lượng tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu việc làm

NDO - Tỉnh Đồng Tháp tổ chức 80 phiên giao dịch việc làm trực tiếp, lưu động ở các huyện, thành phố và trực tuyến với các địa phương ngoài tỉnh, thu hút 943 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng lao động.
0:00 / 0:00
0:00
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong phát biểu kết luận buổi làm việc. (Ảnh: HỮU NGHĨA)
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong phát biểu kết luận buổi làm việc. (Ảnh: HỮU NGHĨA)

Ngày 17/8, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong có buổi làm việc với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh về tình hình giới thiệu việc làm, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2023.

Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Tháp, 7 tháng năm 2023, toàn tỉnh có 9.807 lao động đăng ký xin hưởng trợ cấp thất nghiệp, trong đó, có 5.169 lao động ngoài tỉnh mất việc trở về địa phương và có 4.638 lao động trong tỉnh bị chấm dứt hợp đồng lao động, đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp; 1.047 lao động bị cắt giảm giờ làm hoặc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động.

Từ năm 2021 đến nay, Sở đã hỗ trợ 101.629 lao động được giải quyết việc làm, đạt 67% so kế hoạch đến năm 2025; trong đó, 4.452 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 59,3% so với kế hoạch đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài cả giai đoạn 2021-2025. Riêng 7 tháng năm 2023, hỗ trợ giải quyết việc làm cho 20.118 người.

Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Tháp Phạm Việt Công cho biết, từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức 80 phiên giao dịch việc làm trực tiếp, lưu động ở các huyện, thành phố và trực tuyến với các địa phương ngoài tỉnh, thu hút 943 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng lao động, có hơn 21.800 lao động tham gia tìm kiếm việc làm, xuất khẩu lao động.

Sở cũng triển khai thực hiện thu thập thông tin người lao động đi làm việc ở nước ngoài trở về, đến nay đã thu thập, tổng hợp được 2.300 lao động. Kết quả, có 91 lao động mở cơ sở làm ăn, sản xuất kinh doanh, chiếm 4%.

Ngoài ra, có 1.661 lao động đã có việc làm, chiếm 72%; 378 lao động đang tìm kiếm việc làm, chiếm 16% và 261 lao động tham gia học nghề, chiếm 14% so với tổng số lao động trở về được thu thập thông tin.

Lãnh đạo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Tháp cũng cho biết, các trường nghề ở Đồng Tháp đào tạo ra có việc làm khoảng 95%, làm đúng nhóm ngành nghề hơn 90%. Theo đánh giá, Sở chưa thống kê hết vấn đề làm việc trong nhóm ngành có đúng ngành nghề, đúng lĩnh vực và đúng năng lực đào tạo là bao nhiêu trường hợp.

Kết luận buổi làm việc, đối với nhóm lĩnh vực giới thiệu việc làm, đồng chí Lê Quốc Phong đề nghị Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh cần có thông tin cập nhật thị trường lao động đầy đủ hơn, kịp thời hơn. Từ đó, có những phân tích, đánh giá được chính xác hiện trạng nguồn lao động, trong đó có từng nhóm lao động, trên cơ sở đó có những giải pháp hiệu quả cho thị trường lao động của tỉnh.

Trong các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng thị trường lao động, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp yêu cầu chú trọng đến chất lượng tư vấn hướng nghiệp cũng như giới thiệu cơ hội việc làm dựa trên năng lực người lao động.

Mở rộng hình thức hoạt động sàn giao dịch việc làm tạo cơ hội để người lao động tiếp cận được việc làm. Các trung tâm, trường nghề phải đi vào đào tạo cho thực chất, để từ đó, qua chương trình đào tạo, bồi dưỡng cấp chứng chỉ nghề đạt hiệu quả cao để lao động có nhiều cơ hội việc làm hơn.