Sau nhiều năm bị đình trệ, tiến trình đàm phán FTA giữa EU và Philippines được khởi động lại. Ủy viên thương mại EU Valdis Dombrovskis nhấn mạnh, các cuộc đàm phán dự kiến sẽ chính thức diễn ra cuối năm 2024, mở ra cơ hội đưa hợp tác kinh tế giữa hai bên lên một tầm cao mới. FTA với Philippines, nền kinh tế đang phát triển mạnh với khoảng 115 triệu dân ở châu Á, được đánh giá sẽ củng cố thêm sức mạnh cho mạng lưới thỏa thuận thương mại rộng lớn của EU. Bên cạnh đó, nhân hội nghị thượng đỉnh vừa diễn ra, EU cũng ký Tuyên bố chung về quan hệ Ðối tác chiến lược toàn diện với Ai Cập, đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ hợp tác ngày càng chặt chẽ giữa hai bên.
Cùng với nỗ lực thắt chặt sợi dây kết nối với Philippines và Ai Cập, EU cũng chính thức khởi động tiến trình đàm phán nhằm làm sâu sắc hơn quan hệ với Thụy Sĩ. Theo giới quan sát, EU và Thụy Sĩ hướng đến điều chỉnh lại một số thỏa thuận lớn trong khuôn khổ 120 thỏa thuận chi phối quan hệ giữa hai bên. Liên minh Cờ xanh và Bern sẽ sửa đổi các thỏa thuận về đi lại tự do, tiêu chuẩn trong công nghiệp, nông nghiệp, vận tải hàng không và đường bộ, đồng thời hình thành những thỏa thuận mới về điện, an ninh lương thực và y tế. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen khẳng định, tiến trình đàm phán được kỳ vọng sẽ hoàn tất trong năm 2024, trở thành bước khởi đầu cho một chương mới trong mối quan hệ giữa hai bên.
Các nhà phân tích cho rằng, có nhiều nguyên nhân khiến thời gian qua EU tăng tốc mở rộng mạng lưới thỏa thuận hợp tác. Khi những vết thương do đại dịch Covid-19 gây ra chưa kịp lành, EU đã đối mặt hàng loạt thách thức từ cuộc khủng hoảng năng lượng, cơn bão lạm phát nghiêm trọng, ngành sản xuất trì trệ… Mặc dù đã bước qua giai đoạn khó khăn nhất, song Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) dự báo, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Khu vực đồng euro (Eurozone) năm 2024 sẽ chỉ tăng 0,6%. Trong bối cảnh đó, EU xác định, tiếp tục nối dài sợi dây hợp tác với các nước là chìa khóa quan trọng để duy trì đà tăng trưởng bền vững và củng cố vị thế trên trường quốc tế.
Ủy viên thương mại EU Valdis Dombrovskis khẳng định, các hiệp định thương mại đóng vai trò rất quan trọng đối với an ninh kinh tế của khối khi hỗ trợ thị trường việc làm, tăng trưởng và đổi mới, đồng thời giúp EU ứng phó những cú sốc địa chính trị, hạn chế phụ thuộc nguồn cung bên ngoài. Hiện liên minh 27 thành viên sở hữu mạng lưới hiệp định thương mại lớn nhất thế giới, với hơn 70 quốc gia, chiếm 44% tổng thương mại của khối. Theo EC, những thỏa thuận này giúp các doanh nghiệp EU duy trì hoạt động đầu tư, kinh doanh trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu bị chao đảo bởi những thách thức địa chính trị ngày càng gia tăng.
Bên cạnh đó, tham vọng chuyển đổi xanh đang đẩy nhu cầu về nguyên liệu thô của EU lên mức cao chưa từng có. Thiết lập quan hệ đối tác với các nước sẽ giúp khối đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu thô quan trọng. Nhiều hiệp định thương mại gần đây của EU đã chú trọng vấn đề này và mang lại kết quả tích cực. Theo EC, trong 5 năm đầu sau khi Hiệp định Kinh tế và Thương mại toàn diện EU-Canada (CETA) có hiệu lực, lượng nguyên liệu thô quan trọng EU nhập khẩu từ Canada đã tăng 56%, so mức tăng chỉ 25% từ các nguồn khác. Với Philippines, bên cạnh việc là đối tác quan trọng của EU tại khu vực châu Á, Philippines còn sở hữu trữ lượng lớn các nguyên liệu thô quan trọng như niken và đồng, đồng thời là một đối tác quan trọng của khối trong quá trình chuyển đổi xanh.
Nỗ lực gần đây của EU nhằm tăng cường hợp tác quốc tế cũng giúp giải quyết nhiều thách thức đe dọa cản bước phát triển của khối. Giới phân tích cho rằng, đối với EU, Ai Cập đóng một vai trò rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh các điểm nóng tại Trung Ðông chưa có dấu hiệu lắng dịu. Với sự hợp tác của Ai Cập, nỗi lo làn sóng di cư mới tràn vào châu Âu do cuộc xung đột Israel-Hamas được giảm bớt. Ngoài ra, cái bắt tay chặt chẽ hơn với Ai Cập, nước sở hữu nguồn cung khí đốt dồi dào, cũng giúp EU đa dạng hóa nguồn cung và bảo đảm an ninh năng lượng.
Theo các chuyên gia, năm 2024 tiếp tục là một năm đầy thách thức đối với mục tiêu phục hồi và tăng trưởng kinh tế của EU. Trong bối cảnh đó, mở rộng mạng lưới thỏa thuận hợp tác với các nước không chỉ là chìa khóa thúc đẩy sự ổn định và thịnh vượng cho tất cả quốc gia thành viên, mà còn giúp tăng cường vị thế EU trên trường quốc tế.