EU tuyên chiến với các “gã khổng lồ”

“Đại gia” công nghệ Apple lần đầu bị Liên minh châu Âu (EU) phạt 1,8 tỷ euro (1,95 tỷ USD) vì vi phạm Luật Chống độc quyền của khối này. Đây là cú đòn pháp lý mới nhất mà EU nhắm vào một tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ sau một loạt vụ lùm xùm gần đây.
0:00 / 0:00
0:00
Bà Margrethe cho rằng Apple đã lạm dụng lợi thế của mình để độc quyền kho ứng dụng. Ảnh: EUNEWS
Bà Margrethe cho rằng Apple đã lạm dụng lợi thế của mình để độc quyền kho ứng dụng. Ảnh: EUNEWS

Theo Bloomberg, Apple bị EU phạt với cáo buộc ngăn chặn ứng dụng nghe nhạc Spotify và các dịch vụ âm nhạc phát trực tiếp khác bằng cách không thông báo cho người dùng các tùy chọn thanh toán ngoài kho ứng dụng App Store của Apple.

Cơ quan thực thi cạnh tranh của EU cho hay, những biện pháp hạn chế của Apple cấu thành những điều kiện giao dịch không công bằng. Đây là một cách lập luận tương đối mới trong một vụ án chống độc quyền, song cũng đã được cơ quan chống độc quyền của Hà Lan đưa ra trong quyết định đối với “Trái táo cắn dở” vào năm 2021, liên quan vụ án mà bên khiếu nại là các nhà cung cấp ứng dụng hẹn hò.

Trong một tuyên bố, Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề chống độc quyền của Ủy ban châu Âu (EC), bà Margrethe Vestager nhấn mạnh, trong một thập kỷ, Apple đã lạm dụng vị trí thống trị của mình trên thị trường phân phối các ứng dụng phát nhạc trực tuyến thông qua App Store. Họ hạn chế các nhà phát triển thông báo tới người dùng về những dịch vụ âm nhạc thay thế, rẻ hơn sẵn có bên ngoài hệ sinh thái Apple. Theo quy định của EU, điều này là bất hợp pháp. Bà Vestager cũng đã yêu cầu Apple gỡ bỏ các hạn chế trên App Store, lặp lại yêu cầu tương tự theo các quy tắc công nghệ mới của EU được gọi là Đạo luật Thị trường kỹ thuật số (DMA) mà tập đoàn này phải tuân thủ.

Apple đã phản đối quyết định trên, cho rằng EC ra quyết định mà không có bằng chứng đáng tin cậy nào về tác hại đối với người tiêu dùng, đồng thời bỏ qua thực tế của một thị trường đang phát triển nhanh, mạnh mẽ và đầy tính cạnh tranh. Tập đoàn này tuyên bố sẽ kháng cáo lên tòa án.

Quyết định của EU được kích hoạt sau một khiếu nại vào năm 2019 của dịch vụ phát nhạc trực tuyến Spotify (Thụy Điển) về vấn đề chặn ứng dụng nghe nhạc này tiếp cận người dùng và mức phí 30% mua ứng dụng từ kho trực tuyến App Store của Apple. Tuy nhiên, mức phạt đối với Apple chỉ tương đương khoảng 25% số tiền 8,25 tỷ euro mà Cơ quan thực thi cạnh tranh của EU xử phạt Google, công ty con của Alphabet liên quan ba vụ việc trong thập kỷ trước.

Trước đó, EC - cơ quan quản lý chống độc quyền của EU, cho biết “gã khổng lồ” công nghệ Google đã lạm dụng vị thế thống trị của mình trong việc mua và bán quảng cáo trực tuyến trên các trang web và ứng dụng để thúc đẩy lợi thế hoạt động cho các công ty mua quảng cáo từ mình. Theo EC, trước mắt, Google phải bán bớt một phần quảng cáo của mình để giảm bớt “xung đột lợi ích” trong hệ thống quảng cáo kỹ thuật số. Nếu bị phát hiện vi phạm luật cạnh tranh của EU, công ty này cũng có thể bị phạt tới 10% doanh thu hằng năm.

Bên cạnh đó, EU cũng yêu cầu Apple và Google cung cấp thêm thông tin chi tiết về cách họ xác định rủi ro liên quan các kho phần mềm tương ứng của hai hãng này. Yêu cầu cung cấp thông tin là bước đầu tiên trong quy trình được khởi động theo Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số (DSA) của EU. DSA là một trong những luật mới của EU hướng đến các hãng công nghệ lớn, với các quy định chặt chẽ hơn về kiểm soát nội dung trực tuyến và bảo đảm rằng người tiêu dùng kỹ thuật số có trải nghiệm an toàn hơn.

Hành động pháp lý mạnh tay của EU đối với Apple diễn ra sau khi 8 nhóm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng các quốc gia thuộc EU đã đệ đơn khiếu nại Tập đoàn công nghệ Meta Platforms của Mỹ, yêu cầu các cơ quan giám sát xem xét cáo buộc chủ sở hữu của Facebook vi phạm các quy tắc về quyền riêng tư khi tiến hành thu thập “trái phép” lượng lớn dữ liệu của người dùng, chẳng hạn như dữ liệu được sử dụng để suy ra khuynh hướng tình dục hay trạng thái cảm xúc.

Mức phạt mà EU đưa ra với Apple cho thấy “lục địa già” sẽ không chùn tay trong cuộc chiến với các “gã khổng lô” công nghệ của Mỹ, qua đó bảo vệ quyền lợi chính đáng của những khách hàng châu Âu.