EU, Mỹ latin phối hợp chống ma túy

Liên minh châu Âu (EU) cùng Cộng đồng các nước Mỹ latin và Caribe (CELAC) mới đây thống nhất tăng cường hợp tác, phối hợp trong việc giải quyết tình trạng buôn bán ma túy toàn cầu bằng cách tiếp cận toàn diện hơn. Động thái này được đưa ra trong bối cảnh hai khu vực nói trên chứng kiến sự gia tăng đột biến các vụ bắt giữ ma túy quy mô lớn.
0:00 / 0:00
0:00
EU-CELAC đã đạt được Tuyên bố La Paz nhằm đẩy mạnh cuộc chiến chống ma túy. Ảnh: BELGIUM24
EU-CELAC đã đạt được Tuyên bố La Paz nhằm đẩy mạnh cuộc chiến chống ma túy. Ảnh: BELGIUM24

Bước tiến mới chống “cái chết trắng”

Theo Reuters, cuộc họp cấp cao thứ 24 của Cơ chế phối hợp và hợp tác giữa EU-CELAC mới đây diễn ra tại Thủ đô La Paz (Bolivia). Cuộc họp do Bộ trưởng Nội vụ Bỉ Annelies Verlinden, với tư cách là đại diện nước đảm nhiệm Chủ tịch Hội đồng EU và Bộ trưởng Chính phủ Bolivia Castillo Del Carpio, với tư cách đại diện nước đảm nhiệm Chủ tịch CELAC, đồng chủ trì.

Bà Annelies Verlinden cho biết, cuộc họp đã thông qua Tuyên bố La Paz, trong đó các quốc gia thành viên EU và Mỹ latin cam kết nỗ lực để ngăn chặn tình trạng buôn bán ma túy phức tạp tại hai khu vực này. “Để duy trì tham vọng của chúng tôi, cuộc họp này thông qua Tuyên bố La Paz, trong đó các quốc gia thành viên Mỹ latin và EU cam kết dành nỗ lực trong 5 năm tới để giải quyết hiệu quả mọi khía cạnh của vấn đề ma túy toàn cầu. Điều này bao gồm giải quyết các mối liên hệ với các tổ chức tội phạm, buôn bán vũ khí và tham nhũng”, Bộ trưởng Nội vụ Bỉ nhấn mạnh.

Trong cuộc họp, đại diện Bỉ cũng tái khẳng định tầm quan trọng và giá trị của cơ chế hợp tác và phối hợp EU-CELAC trong cuộc chiến cam go kể trên: “Chúng tôi cam kết hợp tác cùng nhau trên tinh thần tôn trọng và sẽ phối hợp trên tất cả các diễn đàn liên quan, kể cả ở cấp độ đa phương”.

Tuyên bố La Paz sẽ là nền tảng hợp tác chính giữa hai khu vực nhằm thúc đẩy và tăng cường đối thoại, phối hợp và hợp tác chính trị, bao gồm hợp tác hoạt động và kỹ thuật giữa hai khu vực về các vấn đề liên quan ma túy. Cụ thể, theo tuyên bố này, EU và Mỹ latin trong 5 năm tới sẽ tập trung vào triệt phá các ổ nhóm sản xuất và buôn bán trái phép ma túy, bao gồm cả cocaine, các chất kích thích thần kinh mới (NPS) và các loại ma túy tổng hợp khác. Tuyên bố cũng bao gồm các biện pháp triển khai đánh giá về tác động xã hội, sức khỏe và kinh tế của ma túy đối với người dân và cộng đồng. Không chỉ vậy, hai khối này cũng ưu tiên ngăn chặn các hoạt động tội phạm tạo điều kiện cho việc buôn bán ma túy như rửa tiền và buôn bán vũ khí.

Trong khuôn khổ cuộc họp cấp cao thứ 24 của Cơ chế phối hợp và hợp tác giữa EU và CELAC, bốn cuộc thảo luận chuyên đề về vấn đề cung - cầu ma túy đã được tổ chức, bao gồm hoạt động rửa tiền liên quan buôn bán ma túy, các mô hình mới của buôn bán ma túy nhỏ lẻ sau đại dịch Covid-19, hợp tác và chia sẻ các phương pháp tốt nhất về phục hồi và tái hòa nhập xã hội, các chính sách giảm cầu. Cuộc họp cũng đã thảo luận về các hoạt động của ủy ban phòng, chống ma túy chung và thông qua báo cáo hằng năm của cơ chế này. Chức Chủ tịch CELAC của cơ chế cũng được chuyển từ Bolivia sang Colombia.

Cơ chế phối hợp và hợp tác EU-CELAC về ma túy được thành lập năm 1998. Mục tiêu của cơ chế là làm sâu sắc hơn đối thoại chính trị và kỹ thuật giữa các đối tác, tăng cường hợp tác hiện có về các vấn đề liên quan ma túy và phát triển các lĩnh vực hợp tác mới. Đây là diễn đàn chính thức duy nhất mà EU và các quốc gia CELAC cùng nhau giải quyết các vấn đề về ma túy thông qua việc áp dụng các cách tiếp cận toàn diện.

EU, Mỹ latin phối hợp chống ma túy ảnh 1

Tang vật ma túy được thu giữ tại một cảng của EU. Ảnh: GETTY IMAGES

Kỷ lục không mong muốn

The New York Times cho biết, cuộc họp diễn ra trong bối cảnh các hoạt động liên quan ma túy gia tăng ở cả EU và CELAC, ảnh hưởng đến an ninh và sức khỏe của người dân ở hai khu vực này. Theo báo cáo của Ủy ban châu Âu (EC), ước tính những năm gần đây, số ma túy thu giữ được trung bình mỗi năm lên tới 300 tấn. Trong khi đó, 2023 được coi là năm chứng kiến ​​​​con số kỷ lục các vụ bắt giữ ma túy ở một số nước châu Âu. Riêng tại cảng Antwerp (Bỉ), lực lượng phòng, chống ma túy quốc gia này đã tịch thu lượng ma túy kỷ lục lên tới 121 tấn cocaine, tăng 10% so năm trước. Các cảng khác bao gồm Rotterdam (Hà Lan) và ở Tây Ban Nha cũng chứng kiến các vụ bắt ma túy đáng kể. Các cơ quan thực thi pháp luật cũng cảnh báo trước sự truy đuổi ráo riết của cơ quan chức năng, các băng nhóm tội phạm đang có xu hướng chuyển sang các cảng nhỏ hơn.

Trước đó, hồi đầu năm 2023, Cơ quan Cảnh sát châu Âu (Europol) xác nhận đã hợp tác cùng cảnh sát Brazil triệt phá một đường dây ma túy từ Nam Mỹ sang châu Âu trong một chiến dịch mang tên HINTERLAND, bắt giữ ít nhất 15 nghi phạm cùng khối tài sản trị giá hơn 80 triệu euro. Theo Europol, trong quá trình điều tra, hơn 17 tấn cocaine liên quan tổ chức tội phạm đã bị tịch thu. Trên thị trường “chợ đen”, số ma túy đó trị giá hàng tỷ euro.

Cuộc điều tra bắt đầu từ sau khi cảnh sát Brazil nhận được tin báo của Hải quan Đức về một vụ bắt 316 kg cocaine hồi tháng 12/2020 ở cảng tại thành phố Hamburg của Đức. Lô hàng này xuất phát từ cảng Rio Grande của Brazil. Cảnh sát sau đó xác minh và phát hiện số ma túy đó được sản xuất ở Bolivia rồi được một bên trung gian ở Paraguay gửi sang Brazil. Tại cảng, tội phạm sẽ giấu hàng ở các nhà kho rồi tìm cách ngụy trang ma túy trong những lô hàng bình thường khác đang trên đường sang châu Âu. Một số công ty vận tải được cho là đã thông đồng với tội phạm để thao túng hoạt động tại cảng ở Brazil, trong khi chủ sở hữu các lô hàng hợp pháp không hề hay biết có ma túy giấu trong hàng hóa của họ. Sau khi cập cảng ở châu Âu, nếu lọt qua cửa hải quan, những kẻ đầu bên kia đường dây sẽ lẻn vào đánh cắp các lô hàng hóa có giấu cocaine, rồi tuồn sang một số nước để tiêu thụ.

Theo Europol, hầu hết ma túy được điều chế tại các nước Mỹ latin như Colombia, Bolivia, Peru… sau đó được vận chuyển sang khắp các nước châu Âu qua các cảng biển. Phần lớn cocaine vượt đại dương đều được giấu tinh vi trong các lô hàng chuối, đường hoặc thực phẩm đóng hộp. Phần còn lại được vận chuyển bằng đường hàng không, giấu trong các va-li hoặc ngay trong dạ dày “các con la chở ma túy”, ám chỉ những kẻ vận chuyển thuê cho các băng đảng. Một số lượng lớn ma túy còn được vận chuyển đường biển bằng những tàu lặn được điều khiển từ xa.

Dù đã có những biện pháp chế tài mạnh tay, song số lượng “cái chết trắng” bị phát hiện vẫn không hề giảm. Bởi, ma túy vẫn luôn là mặt hàng đem lại lợi nhuận khổng lồ. Không chỉ vậy, các chuyên gia hình sự cho biết, cơ quan hải quan chỉ tiến hành kiểm tra đối với 1,5-2% tổng lượng hàng hóa cập cảng châu Âu. Đây được xem là một trong những kẽ hở của EU, tạo điều kiện cho cocaine từ Mỹ latin dễ dàng thâm nhập vào thị trường “lục địa già”.

Tuyên bố La Paz công bố vừa qua được coi là bước tiến mới trong việc phối hợp nhằm ngăn chặn tình trạng ma túy tại EU và Mỹ latin. Sự hợp tác toàn diện giữa EU và CELAC được kỳ vọng có thể cải thiện vấn đề sản xuất và buôn bán ma túy vốn phức tạp tại hai khối này.