Động lực cho Tây Nguyên vươn mình mạnh mẽ

Tây Nguyên có vị trí chiến lược quan trọng, nhiều tiềm năng, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh, nhưng chưa phát triển tương xứng. Từ khi Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị được ban hành và triển khai hiệu quả, cùng với Quy hoạch vùng Tây Nguyên đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, vùng đất phên giậu phía tây Tổ quốc đang có vận hội mới để phát triển mạnh mẽ, nhanh và bền vững.
0:00 / 0:00
0:00
Sản xuất hoa công nghệ cao tại thành phố Ðà Lạt, tỉnh Lâm Ðồng.
Sản xuất hoa công nghệ cao tại thành phố Ðà Lạt, tỉnh Lâm Ðồng.

Với gần sáu triệu người sinh sống, bao gồm 54 dân tộc anh em, phát triển Tây Nguyên nhanh, bền vững là chủ trương lớn của Ðảng, Nhà nước. Ðến nay, vùng đất này đã có quy hoạch tổng thể, khoa học và đang cần cơ chế, chính sách đặc thù để kích hoạt tiềm năng, lợi thế.

Đột phá từ quy hoạch vùng

Ðịnh hướng Quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với quan điểm phát triển kinh tế nhanh, bền vững; kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường gắn chặt với quốc phòng, an ninh và đối ngoại là nhiệm vụ xuyên suốt, trọng tâm. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum Lê Ngọc Tuấn khẳng định: “Quy hoạch vùng đã xác định một khung pháp lý có tính chất định hướng để các tỉnh Tây Nguyên cùng phát triển bền vững”.

Một “chân dung” Tây Nguyên trong tương lai được phác họa khá rõ nét trong bản quy hoạch này. Mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Tây Nguyên trở thành vùng phát triển nhanh, bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn; phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao, dựa trên nền tảng khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; hình thành một số sản phẩm nông nghiệp quy mô lớn có thương hiệu quốc tế gắn với các trung tâm chế biến; trở thành điểm đến hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế.

Tại Tây Nguyên cơ bản hình thành hạ tầng giao thông quan trọng, hạ tầng số; hệ thống thiết chế văn hóa được nâng cấp; giàu bản sắc văn hóa dân tộc; giải quyết căn bản vấn đề đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số; hệ sinh thái rừng, đa dạng sinh học được bảo tồn và phát triển; quốc phòng, an ninh được giữ vững; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, duy trì ổn định; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện…

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp cho rằng, quy hoạch là dấu mốc quan trọng đối với sự phát triển của Tây Nguyên, thể hiện sự quan tâm của Trung ương đối với vùng đất này, qua đó khẳng định khát vọng, tầm nhìn; chỉ ra động lực, nguồn lực để các địa phương khai thác, phát huy.

Quy hoạch vùng đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, vùng Tây Nguyên vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt 7-7,5%; đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 5.000 USD/năm; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới khoảng 85%; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1-1,5%/năm; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm hơn 3%/năm... Tầm nhìn đến năm 2050, Tây Nguyên là vùng phát triển bền vững, có nền kinh tế xanh, tuần hoàn; kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ, là các nền tảng quan trọng thúc đẩy Tây Nguyên kết nối với các trung tâm kinh tế lớn của cả nước, hội nhập kinh tế quốc tế; biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển...; một số tỉnh trong vùng thuộc nhóm phát triển khá của cả nước.

Lãnh đạo nhiều bộ, ngành và năm tỉnh Tây Nguyên cho rằng, điểm nổi bật của Quy hoạch vùng Tây Nguyên là những nội dung đột phá vừa có tính nền tảng, khoa học, vừa tạo động lực, gợi mở những giải pháp tháo gỡ rào cản để Tây Nguyên phát triển nhanh, bền vững. Phát biểu tại hội nghị Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên lần thứ ba, tổ chức tại Lâm Ðồng mới đây, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh, Quy hoạch vùng Tây Nguyên là khung pháp lý có tính định hướng để các tỉnh liên kết phát triển bền vững, có sự liên kết, phối hợp chặt chẽ, bài bản, khoa học, trên tinh thần hợp tác. Nói cách khác là “hợp tác trong phát triển và phát triển trong sự hợp tác”.

Với khung pháp lý là quy hoạch vùng, Phó Thủ tướng gợi ý ba nội dung mà các tỉnh Tây Nguyên có thể làm ngay, bao gồm: phát triển hệ thống giao thông kết nối; phát triển du lịch theo chuỗi, theo tuyến, khai thác hiệu quả bản sắc văn hóa độc đáo; chia sẻ thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài, tạo động lực, niềm tin để Tây Nguyên phát triển bền vững.

Động lực cho Tây Nguyên vươn mình mạnh mẽ ảnh 1

Khu vực trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Ðắk Lắk mùa lễ hội. (Ảnh CÔNG LÝ)

Kích hoạt tiềm năng phát triển

Tây Nguyên là vùng đất có nhiều tiềm năng, lợi thế để “kích hoạt” trở thành nguồn lực phát triển. Theo Thứ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư Trần Duy Ðông, tại Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã đề ra 20 chỉ tiêu cụ thể về kinh tế, xã hội và môi trường, 23 nhiệm vụ và chín dự án quan trọng, liên kết vùng cần thực hiện đến năm 2030. Ðến nay, 10 trên tổng số 23 nhiệm vụ đã hoàn thành; những nhiệm vụ còn lại là các đề án lớn đang được các bộ, địa phương chủ trì phối hợp triển khai theo tiến độ.

Trong đó, nhiều nội dung quan trọng đã thực hiện, như Quy hoạch vùng Tây Nguyên và Quy hoạch tỉnh trong vùng, thành lập Hội đồng điều phối vùng; đề án tăng cường tiềm lực quốc phòng an ninh kết hợp với phát triển kinh tế-xã hội trên hướng chiến lược trọng điểm của Tổ quốc; đề án xây dựng thể chế, cơ chế tổ chức điều phối, liên kết phát triển vùng, tiểu vùng…; đã khởi công và đang tập trung đẩy nhanh tiến độ một dự án quan trọng quốc gia (tuyến đường cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột) và năm dự án trọng điểm, liên kết vùng; đang hoàn thiện thủ tục đầu tư hai dự án và nghiên cứu phương thức đầu tư các dự án còn lại.

Theo đánh giá của Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên, năm 2023, các chỉ tiêu kinh tế-xã hội của vùng đạt kết quả còn khiêm tốn so với cả nước, nhưng các chỉ tiêu quan trọng đều tăng so với năm 2022, như: Quy mô kinh tế đạt 416,5 nghìn tỷ đồng, bằng 4,01% GDP cả nước; GRDP bình quân đầu người đạt 67,58 triệu đồng, tăng 15,7%; tổng vốn FDI đăng ký đạt 1,912 tỷ USD, tăng 11,9%. Cơ cấu kinh tế vùng tiếp tục chuyển dịch tích cực, tập trung vào phát triển dịch vụ và các thế mạnh của vùng.

Ðể Tây Nguyên phát triển giàu và mạnh, người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, quốc phòng-an ninh được củng cố, giữ vững, nhiều chuyên gia cho rằng, vùng đất đại ngàn cần quyết liệt khơi thông các “điểm nghẽn” về liên kết vùng; tránh sự rập khuôn trong quy hoạch, áp dụng các mô hình sản xuất để hạn chế tạo ra sự cạnh tranh lẫn nhau; tăng cường xây dựng và phát huy thương hiệu sản phẩm cũng như khả năng ứng dụng khoa học và công nghệ; thu hút nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng…

Việc hoàn thiện thể chế, chính sách là bước đi hiệu quả nhất để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho Tây Nguyên. Thách thức lớn nhất cần giải quyết là những giao thoa, chồng lấn, xung đột trong năm tỉnh Tây Nguyên trên các lĩnh vực, do đó, cần thống nhất, đoàn kết, liên thông, đồng bộ mới có thể thực hiện thắng lợi mục tiêu đã đề ra.

Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Công an

Lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên đề nghị, Trung ương cần ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng giao thông chiến lược cho Tây Nguyên; có cơ chế giao các địa phương có đủ năng lực quản lý, thực hiện các đoạn, tuyến đường cao tốc theo hình thức đầu tư công đi qua địa bàn; sớm xử lý chồng lấn trong kế hoạch thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản; phê duyệt triển khai các dự án trọng điểm của các địa phương…

Trong đó, yếu tố quyết liệt hoàn thiện thể chế xuất phát từ nhu cầu thực tiễn và việc sớm triển khai cơ chế, chính sách đặc thù đối với Tây Nguyên rất quan trọng, được xem là “chìa khóa” để khai mở tiềm năng, thế mạnh vùng Tây Nguyên. Trước mắt, theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ðắk Lắk Võ Văn Cảnh, cần xem xét, rà soát các chính sách đặc thù của các địa phương, các vùng khác đã được Quốc hội, Chính phủ thông qua và đang thực hiện có hiệu quả để có thể áp dụng phù hợp đối với vùng Tây Nguyên nhằm phát huy, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của các địa phương trong vùng và cả vùng.

Tây Nguyên đã có những chuyển biến tích cực qua hơn một năm triển khai Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang giao bộ, ngành liên quan khẩn trương cùng địa phương rà soát những bất cập, vướng mắc trong quy hoạch, nhất là quy hoạch bauxite để đề xuất điều chỉnh phù hợp; đồng thời, lưu ý các địa phương vùng Tây Nguyên triển khai hiệu quả ba chương trình mục tiêu quốc gia; chú trọng công tác cán bộ và cán bộ người dân tộc; tập trung chuyển đổi số.

“Trung ương đã chuẩn bị nguồn lực, cơ chế, trong đó, đã xây dựng dự thảo cơ chế đặc thù phát triển vùng Tây Nguyên, sắp tới sẽ phối hợp hoàn thiện để trình ban hành. Các địa phương cần tiếp tục nỗ lực và chủ động hơn nữa trong triển khai thực hiện”, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh.

Với tiềm năng, lợi thế đang có và sẽ có, cùng sự đồng lòng, quyết tâm, đổi mới sáng tạo của cấp ủy, chính quyền và nhân dân, Phó Thủ tướng tin tưởng, Tây Nguyên sẽ dễ dàng bứt phá vươn lên, trở thành vùng đất giàu đẹp, yên bình và đáng sống, nhất là khi vùng đất bazan đã có sự quan tâm của Trung ương, của cả hệ thống chính trị và thực tế đã triển khai nhiều mô hình mới, cách làm hay để phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương.