Vừa qua, bão số 3 (bão Yagi) đã gây ra thiệt hại nặng nề về người, của cải vật chất, tài sản, tư liệu sản xuất… của nhà nông. Ngay sau đó, bão số 4 tiếp tục gây thiệt hại hơn 7.500ha lúa, hoa màu, cây trồng và hơn 2.377ha nuôi trồng thủy sản tại các tỉnh miền trung. Mới đây, theo thống kê sơ bộ tính đến 7 giờ sáng 29/10, bão số 6 đã làm 622ha hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng, hư hại.
Sau khi cơn bão đi qua, nhờ sự hỗ trợ tích cực từ Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân cũng như chính quyền địa phương, việc khôi phục sản xuất đã được nhanh chóng, quyết liệt triển khai, tuy nhiên ở nhiều nơi vẫn gặp không ít khó khăn. Chẳng hạn, có ý kiến cho rằng, chính sách hỗ trợ nông dân hiện hành, nhất là mức hỗ trợ theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP, ban hành ngày 9/1/2017 của Chính phủ là quá thấp và không còn phù hợp. Bởi thiên tai ngày càng khắc nghiệt hơn, khiến những thiệt hại không chỉ dừng lại ở vật chất mà còn ảnh hưởng sâu đến toàn bộ quy trình sản xuất nông nghiệp và việc ổn định đời sống của nông dân.
Chưa kể, với sự biến đổi ngày càng khó lường của khí hậu, những mô hình liên kết sản xuất hiện tại đang bộc lộ nhiều vấn đề bất cập. Những kịch bản về tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng trong tương lai đang ngày càng hiện rõ sau các tác động của thiên tai. Vì vậy, các chính sách không nên chỉ gói gọn trong việc tính toán mức kinh phí hỗ trợ nông dân, mà cần hướng tới việc thúc đẩy bảo hiểm nông nghiệp tương ứng với mức độ biến đổi khí hậu. Đây là biện pháp cần thiết nhằm bảo vệ nhà nông trước những rủi ro từ thiên nhiên, đòi hỏi các cơ quan chức năng nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng, nghiêm túc để xây dựng một nền nông nghiệp bền vững.
Hỗ trợ các gia đình bị ảnh hưởng bão số 6 và hoàn lưu sau bão tại tỉnh Quảng Bình
Những năm qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các bộ, ban, ngành đã ban hành các chủ trương, chính sách hỗ trợ nông dân tham gia bảo hiểm nông nghiệp. Năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 58/2018/NĐ-CP quy định về bảo hiểm nông nghiệp. Ngày 9/5/2022, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 13/2022/QĐ-TTg về việc thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp. Nghị định số 58/2018/NĐ-CP của Chính phủ ra đời đánh dấu việc lần đầu tiên Chính phủ giao Hội Nông dân Việt Nam tham gia tích cực, phối hợp các bên liên quan thực hiện bảo hiểm nông nghiệp. Chính phủ sau đó cũng đã giao Hội Nông dân Việt Nam phối hợp các bộ, ban, ngành xây dựng đề án hỗ trợ nông dân tham gia bảo hiểm.
Với trách nhiệm là tổ chức chính trị-xã hội của giai cấp nông dân, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, nông dân, thời gian qua, Hội Nông dân Việt Nam đã tích cực tham mưu các chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp cho nông dân, tuy nhiên về tổng thể chưa thể đáp ứng được nhu cầu thực tế. Một phần nguyên nhân không nhỏ xuất phát từ việc khung hỗ trợ phí bảo hiểm còn thấp, khiến nhà nông khó thụ hưởng chính sách, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng không mặn mà tham gia chương trình bảo hiểm nông nghiệp.
Thiệt hại do thiên tai là điều không thể tránh khỏi. Thế nhưng, việc xử lý, khắc phục những ảnh hưởng của thiên tai, nhất là đối với ngành nông nghiệp, đòi hỏi sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời, mạnh mẽ hơn nữa từ Chính phủ và tổ chức Hội Nông dân Việt Nam các cấp. Người nông dân cần những cơ chế thật sự “sát sườn” để được bảo vệ trong thiên tai cũng như nhanh chóng khôi phục sản xuất sau thiên tai. Trong đó, các cấp Hội Nông dân nhất là ở cơ sở cần tăng cường giám sát quá trình thống kê thiệt hại và chi trả hỗ trợ nông dân.
Cùng với chính sách về bảo hiểm nông nghiệp, trước mắt, cần tập trung khoanh nợ, giãn nợ và hoãn trả lãi suất cho các khoản vay đầu tư đã bị thiệt hại, đồng thời cung cấp các khoản vay mới với lãi suất ưu đãi để người dân tái thiết hạ tầng sản xuất; tăng cường thu thập ý kiến của nông dân chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ để nhanh chóng tổng hợp, báo cáo, đề xuất với Đảng, Nhà nước thêm những chính sách nhằm kịp thời hỗ trợ nông dân tái thiết mô hình sản xuất một cách bền vững.