Đóng góp thầm lặng của cán bộ đo lường, kiểm định chất lượng

Đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn đo lường chất lượng sản phẩm, hàng hóa, trong năm 2023, Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Vĩnh Phúc) tiến hành kiểm tra nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ kiểm định, doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh dịch vụ điện năng, đơn vị kinh doanh xăng dầu. Kết quả kiểm tra, đơn vị phát hiện một số hạn chế về quản lý đo lường, quản lý chất lượng, ghi nhãn sản phẩm hàng hóa.
0:00 / 0:00
0:00
Đoàn công tác liên ngành của tỉnh Vĩnh Phúc kiểm tra chất lượng xăng dầu tại một cơ sở kinh doanh.
Đoàn công tác liên ngành của tỉnh Vĩnh Phúc kiểm tra chất lượng xăng dầu tại một cơ sở kinh doanh.

Một số hợp tác xã, doanh nghiệp kinh doanh điện năng có phương tiện đo đến hạn kiểm định hoặc quá hạn kiểm định nhưng chưa thực hiện kiểm định lại. Việc lưu hồ sơ thử nghiệm chất lượng mẫu xăng dầu, mẫu lưu của một số đơn vị kinh doanh xăng dầu chưa đầy đủ. Nhãn hàng hóa tại một số đơn vị còn thiếu thông tin.

Chi cục đã lấy 33 mẫu hàng hóa phục vụ giám định, thử nghiệm, gồm mẫu thép nhập khẩu, mẫu xăng dầu, mẫu điện-điện tử, mẫu mũ bảo hiểm và mẫu đồ chơi trẻ em; thực hiện kiểm định đối chứng 2.051 công-tơ điện. Chi cục cũng cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, đo điện trở tiếp đất cho nhiều khách hàng; đo lường, kiểm định chất lượng đối với cột đo nhiên liệu xăng dầu của các doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ. Cán bộ chuyên môn tiến hành phân tích thử nghiệm chất lượng sản phẩm hàng hóa, thí nghiệm chuyên ngành xây dựng đối với 740 mẫu sản phẩm, vật liệu; kiểm định thiết bị bức xạ và kiểm xạ cho nhiều tổ chức, cá nhân. Trung tâm Tiêu chuẩn đo lường chất lượng hướng dẫn, tư vấn cho 59 cơ quan hành chính nhà nước cấp huyện và cấp xã về duy trì, cải tiến Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia.

Để giải quyết khiếu nại của người dân về kết quả đo lường công-tơ điện, một mặt Chi cục đào tạo nghiệp vụ cho các hợp tác xã cung ứng điện và hộ kinh doanh, mặt khác cử cán bộ chuyên môn tìm hiểu nguyên nhân tăng đột biến công suất điện. Trưởng phòng Quản lý tiêu chuẩn chất lượng-Tổng hợp Vũ Ngọc Minh phân tích: Do không hiểu đúng, một số hộ dân vẫn dùng công-tơ điện hết hạn sử dụng hoặc không phù hợp với công suất điện. Đối với công-tơ dùng cho công suất điện thấp, khi mức sử dụng điện tăng lên, như sử dụng máy hàn, sẽ khiến công-tơ bị om nguồn, bị hỏng hoặc bị cháy, đồng hồ đo điện bị xung, dẫn đến sai số công-tơ.

Trong những trường hợp này, cán bộ Chi cục phải cùng người dân tìm hiểu nguyên nhân đột biến số công-tơ. Có lúc cán bộ phải sử dụng máy dò tìm nguyên nhân thất thoát điện năng. Ông Minh nhớ lại trường hợp tăng đột biến công suất điện ở thị trấn Gia Khánh, huyện Bình Xuyên. Sau khi kiểm tra đồng hồ không có vấn đề gì, cán bộ Chi cục cùng Điện lực tiến hành xác minh từng tầng, kiểm đếm công suất, kiểm tra hệ thống đường dây thì phát hiện dây điện vắt qua mái tôn, bị gió đưa đẩy làm đứt dây khiến điện năng thất thoát nhiều.

Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng còn tham gia vào các kết luận chuyên môn để Ban chỉ đạo 389 của tỉnh có căn cứ xử lý vi phạm, nhất là đo lường chất lượng xăng dầu, thép, vàng trang sức, hàng điện, điện tử, đồ chơi trẻ em. Phó Chi cục trưởng Nguyễn Văn Dung cho biết: Có những lúc cơ quan điều tra yêu cầu trưng cầu giám định, Chi cục phải xác minh chất lượng, khối lượng, định lượng sản phẩm. Đối với vàng 24k, đơn vị dùng máy kiểm tra nhanh. Còn với vàng trang sức thì kiểm tra việc ghi nhãn tuổi vàng, khối lượng xem có trong khoảng sai số cho phép. Sản phẩm mật ong nghi là giả thì sẽ phải xem xét toàn bộ hồ sơ của nhà sản xuất xem sản phẩm có đúng như thành phần đăng ký không. Nếu không đúng với hồ sơ thì nhà sản xuất có thể phạm tội lừa dối người tiêu dùng. Sản phẩm phải theo quy chuẩn, tiêu chuẩn Việt Nam, tiêu chuẩn châu Âu…

Từ năm 2022 đến nay, Chi cục đã kiểm tra 15 đơn vị sản xuất, kinh doanh hàng đóng gói sẵn, phát hiện một số lỗi, yêu cầu các đơn vị chấn chỉnh. Năm qua, Chi cục phối hợp với các cơ quan khác tập huấn về công tác đo lường cho gần 200 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; xây dựng mô hình bảo đảm đo lường cho 6 doanh nghiệp.

Qua hoạt động chuyên môn, cán bộ Chi cục tuyên truyền, khuyến cáo người dân sử dụng công-tơ điện phù hợp với công suất điện để tránh lãng phí; sản xuất rượu phải có đủ hồ sơ đăng ký, được kiểm nghiệm. Do tính chất công việc, đội ngũ cán bộ đo lường chất lượng Vĩnh Phúc luôn không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn để đáp ứng yêu cầu “chuẩn hóa” ngày càng cao của xã hội.