Gồm bốn nước thành viên là Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam, Ủy hội sông Mê Công quốc tế là cơ chế hợp tác Mê Công lâu đời nhất và là cơ chế duy nhất hoạt động dựa trên một hiệp định quốc tế (Hiệp định Mê Công năm 1995), nhằm tạo khuôn khổ hợp tác phát triển bền vững, sử dụng, bảo vệ, quản lý tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan trong khu vực.
Đạt được nhiều thành tựu và mở ra các cơ hội hợp tác quan trọng trong khu vực, song những năm gần đây Ủy hội gặp nhiều thách thức trước tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, gia tăng dân số, hoạt động khai thác, sử dụng thiếu bền vững tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan trong lưu vực.
Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mê Công quốc tế được tổ chức từ năm 2010, theo cơ chế luân phiên bốn năm một lần tại bốn nước thành viên. Đây là sự kiện quy tụ các nhà lãnh đạo cấp cao bốn nước tham dự, nhằm thảo luận, xây dựng các chính sách và giải quyết thách thức mà các quốc gia lưu vực sông Mê Công đang đối mặt.
Đến nay, ba kỳ hội nghị cấp cao đã được tổ chức, tại Thái Lan (năm 2010), Việt Nam (năm 2014) và Campuchia (năm 2018).
Với vị trí là quốc gia ở hạ nguồn sông Mê Công và phải chịu tác động ngày càng nghiêm trọng do các hoạt động ở thượng nguồn trong bối cảnh biến đổi khí hậu, Việt Nam luôn xác định tầm quan trọng của hợp tác trong Ủy hội sông Mê Công quốc tế và là thành viên tích cực, có trách nhiệm, thúc đẩy hợp tác với các nước trong Ủy hội cũng như với các đối tác quốc tế trong thực hiện Hiệp định Mê Công năm 1995, nhằm tăng cường hiệu quả sử dụng tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan của sông Mê Công, qua đó góp phần phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Với cam kết chính trị cao, Việt Nam đã thể hiện vai trò tích cực và xây dựng trong tham gia các hoạt động của Ủy hội ở tất cả các cấp, diễn đàn và trên tất cả các lĩnh vực hợp tác, thông qua các sáng kiến, vận động, thúc đẩy và đóng góp về tài chính, thông tin số liệu, chuyên gia…
Việt Nam cũng là quốc gia thành viên đi đầu trong nỗ lực nâng cao hình ảnh, vị thế và tầm quan trọng của hợp tác trong Ủy hội sông Mê Công quốc tế; luôn đề cao tinh thần đoàn kết hợp tác giữa các quốc gia sông Mê Công, đóng góp vào ổn định và hợp tác khu vực.
Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mê Công quốc tế lần thứ 4 được tổ chức tại Lào ngày 5/4, với chủ đề “Đổi mới và hợp tác nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước và sự phát triển bền vững của lưu vực sông Mê Công”.
Việt Nam tham dự hội nghị lần này trong bối cảnh đất nước tiếp tục hội nhập quốc tế sâu rộng; chính trị, an ninh, quốc phòng được củng cố; kinh tế tăng trưởng ổn định, đạt 8,02% năm 2022, mức cao nhất trong 11 năm qua và đứng hàng đầu khu vực.
Tháng 3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tham dự hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các nhà lãnh đạo các nước thảo luận, kiểm điểm kết quả hoạt động và xác định các lĩnh vực ưu tiên cho hợp tác của Ủy hội trong giai đoạn tiếp theo, đặc biệt là bảo đảm an ninh nguồn nước, năng lượng và lương thực.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mê Công quốc tế lần thứ 4 khẳng định trách nhiệm, sự quan tâm và cam kết ở cấp cao của Việt Nam đối với hợp tác trong khuôn khổ Ủy hội, góp phần tăng cường vai trò của Ủy hội, cũng như củng cố sự đoàn kết và hợp tác giữa các nước thành viên vì lợi ích chung.
Việc Thủ tướng tham dự hội nghị cũng nêu bật mối quan tâm đặc biệt của Việt Nam đối với sự ổn định và phát triển bền vững của lưu vực sông Mê Công, cũng như bảo đảm an ninh nguồn nước và cuộc sống của người dân ở lưu vực.
Đồng thời, gửi thông điệp khẳng định nỗ lực tham gia, đóng góp của Việt Nam tại Ủy hội, cũng như trong việc sử dụng hiệu quả và quản lý bền vững nguồn nước sông Mê Công vì lợi ích của người dân ở lưu vực sông Mê Công, trong đó có đồng bằng sông Cửu Long.
Chúc chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mê Công quốc tế lần thứ 4 thành công tốt đẹp, tiếp tục khẳng định cam kết và đóng góp của Việt Nam tăng cường hợp tác giữa các thành viên Ủy hội cũng như với các đối tác vì sự phát triển bền vững của lưu vực sông Mê Công, góp phần vào ổn định và hợp tác của khu vực và thế giới.