Động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ-Syria: Số nạn nhân tử vong gần chạm ngưỡng 10 nghìn người

NDO - Số nạn nhân thiệt mạng trong trận động đất kinh hoàng ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã tăng lên hơn 9.600 người tính đến chiều 8/2, trong bối cảnh lực lượng cứu hộ đang trong tình trạng quá tải cảnh báo rằng, con số thương vong sẽ tăng lên đáng kể khi nhiều gia đình vẫn bị mắc kẹt dưới đống đổ nát của các tòa nhà đổ sập trong động đất.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân tìm kiếm trong đống đổ nát sau trận động đất ở Kahramanmaras, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 8/2/2023. (Ảnh: Reuters)
Người dân tìm kiếm trong đống đổ nát sau trận động đất ở Kahramanmaras, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 8/2/2023. (Ảnh: Reuters)

Số liệu chính thức do Cơ quan Ứng phó thảm họa Thổ Nhĩ Kỳ (AFAD) công bố cho biết, số người tử vong do động đất ở khu vực phía nam nước này đã tăng lên 7.100 người, trong khi có hơn 38 nghìn người bị thương.

Cơ quan này cho biết thêm, hơn 79 nghìn nhân viên cứu hộ đã được huy động tham gia vào các hoạt động tìm kiếm và cứu nạn tại các khu vực bị ảnh hưởng.

Ở nước láng giềng Syria, vốn đã bị tàn phá sau 11 năm xung đột, số người chết đã tăng lên hơn 2.500 chỉ sau 1 đêm. Theo đó, Bộ trưởng Y tế Syria cho biết, số người thiệt mạng do động đất ở các khu vực do chính phủ kiểm soát đã tăng lên 1.250, trong khi số người bị thương là 2.054.

Còn theo tổ chức Mũ bảo hiểm trắng - nhóm cứu hộ hoạt động ở vùng tây bắc Syria do lực lượng phiến quân kiểm soát, số thương vong tại các khu vực trong tầm kiểm soát của các nhóm phiến quân đã tăng lên hơn 1.280 người chết và hơn 2.600 người bị thương.

"Con số dự kiến sẽ tăng lên đáng kể do vẫn còn hàng trăm gia đình đang mắc kẹt dưới đống đổ nát hơn 50 giờ sau trận động đất," nhóm Mũ bảo hiểm trắng cho biết trên trang Twitter.

Động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ-Syria: Số nạn nhân tử vong gần chạm ngưỡng 10 nghìn người ảnh 1

Lực lượng cứu hộ tìm kiếm những người sống sót dưới đống đổ nát sau trận động đất ở Aleppo, Syria, ngày 6/2/2023. (Ảnh: Reuters)

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, nhiều người đã trải qua đêm thứ hai trong điều kiện nhiệt độ đóng băng khi phải ngủ trong ô-tô hoặc đắp chăn trên đường phố. Hầu hết đều tỏ ra lo lắng khi quay trở lại các tòa nhà đã bị rung chuyển dữ dội bởi trận động đất có cường độ 7,8 hôm thứ hai - trận động đất thảm khốc nhất ở khu vực này kể từ năm 1999.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại 10 tỉnh bị ảnh hưởng. Chính quyền nước này cho biết, khoảng 13,5 triệu người đã bị ảnh hưởng trong 1 khu vực trải dài khoảng 450km từ Adana ở phía tây đến Diyarbakir ở phía đông - rộng hơn cả khu vực giữa Boston và Philadelphia (Mỹ), hoặc Amsterdam (Hà Lan) và Paris (Pháp).

Trận động đất ban đầu xảy ra khoảng 4 giờ sáng thứ hai trong lúc người dân đang ngủ, khiến họ có rất ít cơ hội để phản ứng. Với quy mô của thảm họa ngày càng rõ ràng, con số thương vong dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng.

Trận động đất, đi kèm sau đó vài giờ là trận động đất thứ hai có cường độ mạnh tương tự, đã làm đổ hàng nghìn tòa nhà bao gồm bệnh viện, trường học và khu chung cư, làm hàng chục nghìn người bị thương và khiến nhiều người mất nhà cửa ở Thổ Nhĩ Kỳ và miền bắc Syria.

Các nhân viên cứu hộ đang rất vất vả để tiếp cận một số khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất do đường sá bị phá hủy, thời tiết xấu và thiếu nguồn lực cũng như thiết bị hạng nặng. Một số khu vực thậm chí không có nhiên liệu và điện.

Động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ-Syria: Số nạn nhân tử vong gần chạm ngưỡng 10 nghìn người ảnh 2

Một người sống sót được giải cứu sau trận động đất ở Antakya, tỉnh Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 7/2/2023. (Ảnh: Reuters)

Các quan chức viện trợ bày tỏ mối quan ngại đặc biệt về tình hình ở Syria, nơi nhu cầu nhân đạo đang lớn hơn ở bất kỳ thời điểm nào kể từ khi nổ ra cuộc xung đột ở quốc gia này và làm phức tạp các nỗ lực cứu trợ.

Người đứng đầu Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, các nỗ lực cứu hộ đang phải chạy đua với thời gian, với cơ hội tìm thấy những người sống sót đang trôi đi từng phút từng giờ.

“Bây giờ là cuộc chạy đua với thời gian. Mỗi phút, mỗi giờ trôi qua, cơ hội tìm thấy những người sống sót càng giảm đi”, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết.

Ông Ghebreyesus nói thêm rằng WHO đặc biệt quan tâm đến các khu vực bị cắt liên lạc do ảnh hưởng của động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria kể từ hôm thứ hai, cho rằng lập bản đồ thiệt hại là một cách để hướng sự tập trung chú ý vào nơi cần cứu trợ nhất.

Động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ-Syria: Số nạn nhân tử vong gần chạm ngưỡng 10 nghìn người ảnh 3

Tình nguyện viên phân phát suất ăn cho người dân sau trận động đất ở Kahramanmaras, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 8/2/2023. (Ảnh: Reuters)

Bà Adelheid Marschang, quan chức cấp cao về các vấn đề khẩn cấp của WHO cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ có đủ năng lực để đối phó với cuộc khủng hoảng nhưng các nhu cầu chính chưa được đáp ứng trước mắt và trung hạn sẽ nằm ở bên kia biên giới - đất nước Syria, vốn đã phải chật vật với cuộc khủng hoảng nhân đạo kéo dài nhiều năm do xung đột và bùng phát dịch tả.

“Đây là 1 cuộc khủng hoảng song hành cùng nhiều cuộc khủng hoảng khác ở khu vực bị ảnh hưởng. Trên khắp Syria, nhu cầu cứu trợ đang ở mức cao nhất sau gần 12 năm khủng hoảng kéo dài và phức tạp, trong khi nguồn tài trợ nhân đạo tiếp tục giảm”, bà Marschang nói.

Theo đại diện của WHO, khoảng 23 triệu người, trong đó có 1,4 triệu trẻ em, có khả năng bị ảnh hưởng ở cả 2 quốc gia sau động đất và các dư chấn kèm theo, khiến hàng nghìn tòa nhà biến thành đống đổ nát.

WHO cho biết tổ chức này đang gửi các dụng cụ cứu trợ khẩn cấp, bao gồm bộ dụng cụ phẫu thuật cấp cứu và chấn thương, đồng thời kích hoạt 1 mạng lưới các đội y tế khẩn cấp.

Bên cạnh đó, tình trạng thiếu nhiên liệu và thời tiết khắc nghiệt tại Syria cũng đang tạo ra những trở ngại cho công tác cứu hộ và viện trợ nhân đạo. Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Syria, ông El-Mostafa Benlamlih cho biết, nhiều sở hạ tầng và những tuyến đường từng được sử dụng cho công tác viện trợ nhân đạo đã bị hư hại.