“Đòn bẩy” cho nông nghiệp phát triển bền vững

Ứng dụng khoa học-công nghệ trong sản xuất nông nghiệp không chỉ giúp tăng cường hiệu quả, giảm chi phí sản xuất cho người nông dân mà còn góp phần xây dựng thành công thương hiệu nông sản Việt. Ðây cũng được xem là “chìa khóa” để nông nghiệp phát triển bền vững.
0:00 / 0:00
0:00
Mô hình nuôi tôm 3 giai đoạn của Hợp tác xã Hà Hoàng, thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh.
Mô hình nuôi tôm 3 giai đoạn của Hợp tác xã Hà Hoàng, thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh.

Kỳ 1: Đẩy mạnh ứng dụng khoa học-công nghệ

Hiện cả nước có 52,3% hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác nông nghiệp đẩy mạnh sản xuất, chế biến sâu, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; sản xuất tập trung và chuyên canh theo mô hình cánh đồng mẫu lớn, kết hợp phát triển kinh tế nông nghiệp và dịch vụ, du lịch; áp dụng sáng tạo các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới, công nghệ cao. Trong đó, 20,6% hợp tác xã ứng dụng công nghệ sinh học; 84,6% ứng dụng công nghệ kỹ thuật canh tác, nuôi trồng, bảo quản; 29,1% ứng dụng công nghệ tự động hóa.

Áp dụng khoa học-công nghệ trong sản xuất nông nghiệp hiện đang làm thay đổi diện mạo của nhiều hợp tác xã. Các sản phẩm từng bước được nâng cao chất lượng, mẫu mã… từ đó dễ dàng tìm kiếm thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.

Tạo đột phá trong sản xuất

Thăm khu vực sản xuất Ðồng Ghè tại xã Thạch Hạ, thành phố Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh), việc ứng dụng hiệu quả khoa học-công nghệ trong sản xuất của người dân nơi đây đóng vai trò rất quan trọng. Cả một vùng đất hoang hóa, nhiễm phèn, nhiễm mặn đã trở thành vùng canh tác nuôi trồng thủy sản rộng lớn đem lại giá trị kinh tế cao.

Chủ tịch UBND xã Thạch Hạ Nguyễn Sông Hàn cho biết: Trước yêu cầu phát triển của nông nghiệp đô thị, bắt đầu từ những năm 2020, thành phố Hà Tĩnh đã ban hành các cơ chế, chính sách tích tụ đất đai, hỗ trợ các hợp tác xã, hộ sản xuất trên địa bàn chuyển đổi tư duy sản xuất, mạnh dạn thí điểm hàng loạt các mô hình sản xuất mới, lần đầu xuất hiện trên địa bàn như: nuôi cua trong hộp, nuôi tôm ba giai đoạn, nuôi hàu sữa Thái Bình Dương thương phẩm trên lồng bè, sản xuất rau, quả tập trung, trồng hoa sen, hoa súng… nhằm mở ra hướng sản xuất mới, đưa người dân đến gần hơn với tiến bộ khoa học, kỹ thuật.

Ðược biết đến như một điểm sáng của khu “kinh tế nông nghiệp Ðồng Ghè”, trại nuôi cua thương phẩm của Hợp tác xã Hà Hoàng do ông Nguyễn Văn Hòa làm Giám đốc, đang làm ăn có lãi nhờ sử dụng công nghệ cân bằng khoáng và hệ thống lọc nước tuần hoàn. Ưu điểm của công nghệ này là giúp kiểm soát chất lượng và lượng nước, thức ăn, quá trình sinh trưởng, phát triển của vật nuôi. Nhờ đó, thời gian nuôi được rút ngắn từ 6 đến 8 tháng/ vụ, thấp hơn nhiều so với nuôi truyền thống.

Ông Hòa cho biết: Chỉ tính riêng mô hình nuôi cua ở giai đoạn trưởng thành, mỗi tháng hợp tác xã nuôi được hơn 1.000 con, tương đương 4 tạ cua. Với 4 lứa nuôi/năm, có thể xuất ra thị trường 1,2 tấn cua thành phẩm. Hiện giá bán dao động khoảng 600.000 đồng/kg, mỗi năm mô hình cho thu nhập hơn 700 triệu đồng.

Việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp cũng được đẩy mạnh trong lĩnh vực trồng trọt. Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre là hợp tác xã điển hình của tỉnh Bến Tre về ứng dụng công nghệ trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm quả sầu riêng. Hiện tại, hầu hết thành viên trong hợp tác xã đều đã làm chủ hệ thống tưới tự động để giảm chi phí. Ðồng thời, trong tiêu thụ sầu riêng ngoài ký hợp đồng liên kết với các công ty, hợp tác xã còn bán hàng qua các kênh online để có được mức giá cao hơn.

Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Phú, Nguyễn Thị Thinh cho biết: Hiện nay, hợp tác xã đã có 301 thành viên và được công nhận 5 mã số vùng trồng với diện tích 168 ha. Thời gian tới, hợp tác xã sẽ hoàn thiện hồ sơ để được công nhận sản phẩm OCOP từ 4 sao lên 5 sao; đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề tài chế biến sầu riêng bằng công nghệ sấy, tiến tới chế biến sâu, tăng giá trị quả sầu riêng so với hiện tại.

Cũng thành công trong ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất, Sơn La là địa phương có tỷ lệ hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao khá tốt. Hiện toàn tỉnh có hơn 30% số hợp tác xã có ứng dụng công nghệ thông minh ở các công đoạn: Tưới tiết kiệm nước, nhà lưới, nhà kính, áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt… góp phần khẳng định, khoa học-công nghệ đã và đang trở thành cánh tay nối dài của người nông dân.

Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Ngọc Hoàng, xã Nà Bó, huyện Mai Sơn (tỉnh Sơn La), Nguyễn Quang Vinh cho biết: Mọi công đoạn sản xuất đã được giải quyết bằng cổng thông tin Egap.vn. Thí dụ như khi sản phẩm thanh long của hợp tác xã đến kỳ thu hoạch, ngoài gửi sản phẩm mẫu về chào hàng, hình ảnh của sản phẩm thanh long còn được chuyển về đầu mối ký kết thu mua. Bên mua chỉ cần check mã vạch, các thông số cụ thể về quy trình sản xuất, thời gian chăm sóc, thu hoạch, địa điểm của người sản xuất sẽ hiển thị đầy đủ. Nhờ vậy, việc bán thanh long ruột đỏ trong nước và hoạt động xuất khẩu thanh long ruột đỏ sang thị trường Nga, Ðức, Hàn Quốc, Pháp, Italia... khá thuận lợi.

“Đòn bẩy” cho nông nghiệp phát triển bền vững ảnh 1

Sử dụng hệ thống châm phân tự động theo đường ống nước tới diện tích cần tưới tại xã Mường Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La.

Xây dựng kế hoạch, đẩy mạnh đầu tư

Theo lãnh đạo tỉnh Sơn La, trong chiến lược phát triển ngành nông nghiệp mục tiêu đến năm 2025, tỉnh đã xác định phải hoàn thành mục tiêu có 325 hợp tác xã nông nghiệp có sử dụng công nghệ cao trong một hoặc một số khâu của sản xuất, chế biến nông sản, thủy sản. Hiện tại, diện tích cây trồng áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt và các tiêu chuẩn tương đương của toàn tỉnh đạt 5.917 ha, tăng 17,4% so với năm 2021, bằng 44,9% so với mục tiêu đến năm 2025.

Ứng dụng công nghệ thông minh đem lại nhiều lợi ích và hiệu quả cao hơn so với sản xuất thông thường là một thực tế không thể phủ nhận. Cùng với Sơn La, nhiều tỉnh, thành phố khác trong cả nước đã xây dựng chiến lược và lộ trình đầu tư ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.

Tại tỉnh Bến Tre, từ năm 2021, Tỉnh ủy Bến Tre đã ban hành Ðề án 04 về phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, tập trung phát triển, ứng dung khoa học-công nghệ trong sản xuất nông nghiệp như: Hoa kiểng, trồng trọt, chăn nuôi… theo chuỗi giá trị. Trong đó, tập trung phát triển vùng sản xuất tập trung nuôi tôm công nghệ cao tại 3 huyện: Ba Tri, Bình Ðại và Thạnh Phú. Ðến nay, toàn tỉnh đã phát triển 3.221 ha nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao…

Tại tỉnh Hà Tĩnh, tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 19 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao (gồm 9 HTX thủy sản, 8 HTX trồng trọt, 2 HTX tổng hợp). Ngoài ra, còn có 17 HTX ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất, quản lý: Ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn; quản lý, giám sát chăn nuôi thông qua hệ thống camera, máy tính (Chăn nuôi, hợp tác xã môi trường, thương mại…). Các công nghệ được đầu tư, áp dụng hiện đã và đang được vận dụng khá thành công đem lại chuyển biến tích cực trong sản xuất. Ðây cũng là cơ sở để chính quyền địa phương nhân rộng mô hình và có kế hoạch đầu tư bài bản, cụ thể.

Cùng với những nỗ lực của địa phương, tại Diễn đàn Kinh tế hợp tác năm 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã đặt ra yêu cầu đối với các địa phương trong quán triệt, bám sát chủ trương, đường lối của Ðảng, nhất là các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 20-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, nhấn mạnh chính sách ưu tiên cho các tổ chức kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp, gắn hoạt động sản xuất, kinh doanh với chuỗi giá trị sản phẩm, ứng dụng khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; phát triển các tổ chức kinh tế tập thể gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức.

Ðây được xem là định hướng trong đẩy mạnh đầu tư nguồn lực cho khoa học-công nghệ trong sản xuất nông nghiệp. Các chính sách, sự đồng hành của cơ quan quản lý từ trung ương đến địa phương đang mở ra nhiều cơ hội cho người dân tham gia liên kết và giúp các thành viên hợp tác xã đổi mới tư duy, cập nhật tri thức mới từ đó mạnh dạn ứng dụng khoa học-công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

(Còn nữa)