Ông Chu Thúc Ðạt, Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển KH và CN địa phương (Bộ KH và CN) cho rằng, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đòi hỏi sự đầu tư lớn về cơ sở vật chất, yêu cầu khắt khe về kỹ thuật. Ứng dụng tiến bộ KH và CN trong lĩnh vực này gặp nhiều khó khăn mang tính khách quan như: trình độ sản xuất thấp, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, nguồn vốn đầu tư hạn hẹp, khả năng tiếp cận khoa học - kỹ thuật của người dân còn hạn chế... Trong khi đó, thị trường, nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng cao đòi hỏi người nông dân phải ứng dụng KH và CN, tiến bộ kỹ thuật vào các khâu sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, việc ứng dụng KH và CN vào khu vực này nếu do các cơ quan, tổ chức đơn lẻ triển khai thì không thể hiệu quả, đòi hỏi phải có sự chung tay hợp tác và liên kết chặt chẽ của bốn nhà.
Ðối với nhà quản lý, việc hình thành các chương trình, dự án ứng dụng, chuyển giao các kết quả nghiên cứu KH và CN từ các viện nghiên cứu, trường đại học đến người nông dân là hết sức cần thiết. Những năm qua, Bộ KH và CN đã tham mưu cho Chính phủ ban hành nhiều cơ chế, chính sách, chương trình KH và CN phục vụ trực tiếp cho phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số. Ðiển hình là Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH và CN thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2025. Thông qua các dự án của chương trình, đã đào tạo, tập huấn chuyển giao cho hàng nghìn người nông dân nắm vững và làm chủ các quy trình công nghệ. Trên cơ sở đó, người nông dân áp dụng công nghệ và nhân rộng trong sản xuất. Ðể liên kết bền vững, Nhà nước cần có vai trò chủ đạo đưa ra các chính sách phù hợp, nhất là chính sách về vốn, để các thành phần trong mô hình liên kết cùng thực hiện.
Nhiều ý kiến cho rằng, trong mối liên kết giữa các bên, doanh nghiệp là chủ thể quan trọng nhất thúc đẩy thành công việc ứng dụng KH và CN. Bởi doanh nghiệp là chủ thể tiếp cận các công nghệ mới, có kế hoạch sản xuất, mô hình tổ chức kinh doanh, đầu tư cơ sở hạ tầng và huy động vốn, đầu mối thu mua, chế biến, xây dựng thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm. Doanh nghiệp cùng chính quyền địa phương tuyên truyền để người dân yên tâm sản xuất nhằm duy trì phát triển nguồn nguyên liệu, bao tiêu sản phẩm cho người dân. Tuy nhiên, cần tháo gỡ các khó khăn về nguồn vốn cho doanh nghiệp để thúc đẩy ứng dụng KH và CN. Theo bà Lê Thị Kim Dung, Chủ tịch HÐQT, Công ty cổ phần đầu tư công nghệ xanh, việc phát triển KH và CN cao cần nguồn vốn rất lớn để xây dựng kết cấu hạ tầng đầu tư sản xuất cây trồng, để đầu tư cho một héc-ta nhà kính có đầy đủ hệ thống tưới nước tiết kiệm, bón phân theo công nghệ I-xra-en cần ít nhất 10 tỷ đồng. Nhưng những tài sản hình thành trên đất đó lại không được tính là tài sản tín dụng trong quá trình vay vốn. Chính vì thế, doanh nghiệp gặp khó khăn trong quá trình tiếp cận vốn. Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao là một lĩnh vực mới ở Việt Nam, chi phí lớn và chịu nhiều rủi ro từ thiên tai..., nhưng bảo hiểm nông nghiệp chưa phát triển, chưa có nhiều doanh nghiệp tham gia, cho nên doanh nghiệp dễ gặp rủi ro.
Nhà khoa học cần chủ động chuyển giao công nghệ mới cho nông dân. Hệ thống nghiên cứu KH và CN của Nhà nước cần gắn với doanh nghiệp, hợp tác xã, người nông dân để từng bước giải quyết các vấn đề về giống, công nghệ chế biến, công nghệ sau thu hoạch. Ông Trần Ðình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam kiến nghị, các đơn vị khoa học nên bố trí nguồn lực tương xứng để nghiên cứu ứng dụng công nghệ gien, công nghệ tế bào, vi sinh, vật liệu mới trong chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi, quy trình canh tác, chế phẩm sinh học, công nghệ bảo quản sau thu hoạch... nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo đảm an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, theo ông Ðặng Văn Ðông, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam), trong bối cảnh có nhiều trường hợp người nông dân bỏ ruộng không cấy lúa và tìm một công việc khác hiệu quả hơn, nhà khoa học cần nghiên cứu các loại cây trồng thay thế cây lúa để mang lại hiệu quả kinh tế cao và giữ ổn định môi trường. Ông Ðặng Văn Ðông cũng chia sẻ, bước đầu ông đã tìm ra một hướng đi, đó là trồng sen tại những ruộng lúa trũng. Cây hoa sen cho thu nhập cao gấp từ 10 đến 15 lần so với cây lúa và có thể kết hợp làm du lịch sinh thái. Hiện nay, mô hình này đang áp dụng tại một số địa phương, như Hải Dương, Hưng Yên, Ninh Bình…
Việc liên kết bốn nhà là xu thế phát triển tất yếu của ngành nông nghiệp hiện đại. Vấn đề cốt lõi là người nông dân phải nâng cao nhận thức trong việc liên kết, không chạy theo lợi ích trước mắt, tích cực áp dụng khoa học - kỹ thuật trong chọn giống, áp dụng cơ giới hóa từ khâu làm đất, chăm sóc và thu hoạch.