Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ trong phát triển nông nghiệp, nông thôn

Hà Nội có đội ngũ trí thức đông đảo nhưng việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân chính là do sự thiếu chủ động của cả chính quyền địa phương và các cơ quan đầu mối, dẫn đến năng suất, chất lượng hàng hóa nông nghiệp, cũng như thu nhập nông dân chưa cao.

Sản xuất nông nghiệp vẫn còn theo phương pháp lạc hậu.
Sản xuất nông nghiệp vẫn còn theo phương pháp lạc hậu.

Đan Phượng là huyện ven đô, có tốc độ đô thị hóa nhanh, diện tích đất dành cho sản xuất nông nghiệp ngày càng thu hẹp. Trong khi đó phần lớn người dân vẫn sống tập trung tại khu vực nông thôn, dẫn đến nhu cầu về việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn ngày một lớn. Giá trị sản xuất nông nghiệp hiện chỉ chiếm 10% cơ cấu kinh tế chung của huyện nhưng có tác động, ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân. Ý thức được những khó khăn này, từ nhiều năm nay, nhất là sau khi hoàn thành dồn điền đổi thửa, huyện Đan Phượng đã chú trọng ứng dụng KHCN vào sản xuất để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm.

Cụ thể, huyện đã xây dựng được nhiều vùng sản xuất chuyên canh tập trung như hơn 80ha trồng hoa ứng dụng công nghệ cao tại các xã: Đồng Tháp, Hạ Mỗ, Đan Phượng, Song Phượng; vùng sản xuất rau an toàn gần 160 ha tại các xã Thọ An, Phương Đình. Huyện đã phối hợp các cơ quan chuyên ngành nghiên cứu, ứng dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh cây bưởi theo hướng VietGAP tại xã Thượng Mỗ, đạt giá trị sản xuất gần 300 triệu đồng/ha, phát triển giống ngô đường lai 10 thương phẩm tại Hợp tác xã Thụy Ứng, thị trấn Phùng, cho năng suất trung bình khoảng 18 tạ bắp tươi/ha.

Từ thành công này, huyện đã mở rộng diện tích trồng bưởi, ngô ra nhiều xã khác, hình thành hai loại cây thế mạnh của địa phương, trong đó giống bưởi Diễn đã được công nhận nhãn hiệu hàng hóa tập thể “Bưởi tôm vàng Đan Phượng”. Đặc biệt, dự án xây dựng mô hình sản xuất hoa chất lượng cao theo quy mô công nghiệp trong nhà lưới, với sự liên kết chặt chẽ từ nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp đến nhà nông, đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, làm thay đổi tập quán sản xuất của người dân. Mặc dù đạt kết quả bước đầu như vậy, nhưng theo đánh giá của lãnh đạo huyện Đan Phượng, sản xuất nông nghiệp, trên địa bàn huyện chủ yếu vẫn là quy mô nhỏ lẻ, phạm vi hộ gia đình. Ứng dụng KHCN trong sản xuất, thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn ít dẫn đến năng suất, chất lượng hàng hóa chưa cao, thiếu tính cạnh tranh trên thị trường.

Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đình Dần cũng cho biết, việc ứng dụng KHCN trên địa bàn Ba Vì gặp nhiều khó khăn do người dân vốn đã quen với lề lối sản xuất nhỏ lẻ, chưa quan tâm đến cải tiến công nghệ. Huyện chưa có cán bộ chuyên trách về KHCN ở cấp cơ sở, cho nên thiếu kiến thức về chuyên môn. Kinh phí thực hiện các dự án, đề tài ít. Đơn cử như vừa qua, huyện thực hiện đề tài nghiên cứu công nghệ thích ứng để xử lý chất thải làng nghề sản xuất tinh bột sắn tại xã Minh Quang và bước đầu đã thành công, cơ bản kiểm soát được chất thải, nước thải gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, công nghệ này còn tạo thêm sản phẩm phụ dùng làm phân bón hoặc nguyên liệu trồng nấm..., với chi phí xử lý từ 40 nghìn đến 50 nghìn đồng/tấn nguyên liệu. Tuy nhiên, cho đến nay kết quả đề tài vẫn chưa được chuyển giao rộng rãi cho các cơ sở sản xuất trên địa bàn xã.

Theo đánh giá của Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội, ngành đã giải quyết được nhiều vấn đề bức thiết trong sản xuất như phát triển các giống lúa chất lượng cao, có khả năng chịu hạn và sâu bệnh, năng suất ổn định; các loại cây đặc sản gồm nhãn chín muộn, bưởi Diễn, hồng Yên Thôn... Tuy nhiên, việc nghiên cứu, ứng dụng KHCN trong nông nghiệp, nông thôn còn nhiều hạn chế do một số sở, ngành, quận, huyện, thị xã chưa chủ động đề xuất các vấn đề bức xúc cần KHCN giải quyết cho nên số lượng đặt hàng còn ít. Cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động nghiên cứu còn hạn chế, chưa đồng bộ. Đội ngũ quản lý hoạt động KHCN vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về chất lượng và kinh nghiệm công tác. Thiếu các doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn…

Phát biểu tại hội nghị ứng dụng KHCN phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống nông dân vừa được tổ chức, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng chỉ rõ, Hà Nội có diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn, dân cư sống ở địa bàn nông thôn đông, nhưng lãnh đạo nhiều địa phương chưa quan tâm đầu tư phát triển KHCN phục vụ nông nghiệp. KHCN chưa trở thành động lực thúc đẩy sản xuất phát triển, nâng cao thu nhập cho nông dân. Trong khi đó, Thủ đô tập trung nhiều nhà khoa học lớn, có tâm huyết, trách nhiệm, nhiều doanh nghiệp có nguồn lực mong muốn đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn nhưng chưa được khai thác hiệu quả. Người nông dân cũng mong muốn sản xuất ra sản phẩm năng suất, chất lượng, giá trị cao để nâng cao thu nhập, nhưng chưa được hướng dẫn… Mối liên kết bốn nhà còn lỏng lẻo, vai trò cơ quan đầu mối mờ nhạt.

Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng khẳng định, thành phố luôn bố trí đủ ngân sách cho công tác KHCN phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn Thủ đô. Các sở, ban, ngành, chính quyền các cấp cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về KHCN; chủ động đặt hàng các nhà khoa học nghiên cứu các loại cây trồng, vật nuôi có năng suất, giá trị cao theo hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp để đem lại hiệu quả cao cho nông dân.Có chính sách phát huy, sử dụng tiềm năng nguồn nhân lực và tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ trí thức có cơ hội cống hiến, đóng góp vào sự phát triển của Thủ đô. Khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư ứng dụng KHCN vào nông nghiệp. Sở Khoa học và Công nghệ cần chủ động thực hiện vai trò gắn kết nhà khoa học với nhà quản lý, doanh nghiệp và người dân, để KHCN ngày càng phục vụ nông nghiệp, nông thôn và người dân tốt hơn.