Bài 1: Thị trường dẫn dắt sản xuất
Sản xuất theo nhu cầu thị trường là yêu cầu đặt ra đối với hầu hết nông sản của Việt Nam để bảo đảm tiêu thụ ổn định, bền vững, nhất là đối với các sản phẩm có tính mùa vụ cao như trái cây. Thực tế, khi công tác xúc tiến thương mại, mở cửa thị trường đi trước một bước thì sẽ đẩy hiệu quả sản xuất lên rất cao.
Câu chuyện tiêu thụ vải thiều mấy năm trở lại đây đã trở thành “nguồn cảm hứng” về tiêu thụ trái cây. Vẫn biết, sản lượng vải thiều không quá lớn, mùa vụ lại ngắn, nhưng không thể phủ nhận cách làm của các vùng trồng vải trọng điểm phía bắc đã mang lại hiệu quả lớn với nhiều ấn tượng.
Quả vải “lên ngôi”
Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang, năm 2023, giá trị doanh thu từ vải thiều và các dịch vụ phụ trợ toàn tỉnh ước đạt hơn 6.876 tỷ đồng, tăng 91 tỷ đồng so với năm 2022. Vải thiều được tiêu thụ thuận lợi cả ở thị trường nội địa và xuất khẩu, trong đó xuất khẩu khoảng 111.200 tấn, chiếm khoảng 55,1% tổng sản lượng tiêu thụ; sản lượng tiêu thụ nội địa khoảng 90.500 tấn, chiếm khoảng 44,9%.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Lục Ngạn (từ ngày 1/8/2023 là Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang) Nguyễn Thế Thi cho biết: Mùa vải năm 2023, Lục Ngạn đã tiêu thụ thành công 128.120 tấn quả, tổng giá trị sản xuất đạt 3.324 tỷ đồng. Trong đó, tiêu thụ nội địa đạt 50.870 tấn, chiếm 39,71%. Ngoài tiêu thụ tại các thành phố lớn, các chợ đầu mối khoảng 32.820 tấn thì trái vải cũng được đẩy mạnh tiêu thụ tại các siêu thị Metro, Mega Market, Saigon Co.opmart, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích và chợ truyền thống, các sàn thương mại điện tử, với sản lượng đạt khoảng 3.800 tấn.
Ngoài ra, 14.250 tấn vải đưa vào chế biến như sấy khô, ép nước cũng được tiêu thụ thuận lợi. Giá thu mua vải vào thời điểm thu hoạch có sự biến động theo ngày và theo từng giờ. Giá vải sớm như U trứng, U hồng, lai Thanh Hà đạt từ 14.000-35.000 đồng/kg, có thời điểm lên đến 45.000 đồng/kg. Giá vải thiều tươi từ 13.000-35.000 đồng/kg. Vải sấy khô từ 35.000-55.000 đồng/kg, riêng vải sấy khô bằng lò sấy điện có giá 80.000-120.000 đồng/kg.
Sản lượng vải xuất khẩu toàn huyện Lục Ngạn đạt 77.250 tấn, chiếm 60,29% tổng sản lượng tiêu thụ; trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc 76.495 tấn, chiếm 99%. Xuất khẩu sang các thị trường khác 755 tấn, cụ thể: thị trường Campuchia, Thái Lan 384 tấn; thị trường Nhật Bản 227 tấn; thị trường Australia 46 tấn; thị trường Liên minh châu Âu (EU) 20 tấn; thị trường Dubai 15 tấn; thị trường Mỹ 26 tấn; thị trường Anh 2 tấn; thị trường Đài Loan (Trung Quốc) 35 tấn.
Đối với dịch vụ phụ trợ cho hoạt động tiêu thụ, chế biến vải thiều, trên địa bàn huyện có 5 doanh nghiệp sản xuất thùng xốp, 42 xưởng sản xuất nước đá công nghiệp. Theo đó, giá trị bán thùng xốp ước đạt 226 tỷ đồng; đá cây ước đạt khoảng 66 tỷ đồng; thùng nhựa ước đạt 31 tỷ đồng.
“Năm 2023, công tác tham mưu ban hành kế hoạch xúc tiến tiêu thụ, các phương án, kịch bản tiêu thụ được tổ chức sớm, căn cơ, bài bản đã tạo được thế chủ động ngay từ đầu vụ. Tiếp đó là sự chủ động chuẩn bị về vật tư, hậu cần phục vụ sản xuất, thu hoạch, tiêu thụ; công tác thông tin chính sách thị trường, các rào cản kỹ thuật, những khó khăn trong xuất khẩu được cập nhật thường xuyên đến các doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà vườn, thương nhân… là yếu tố quan trọng để xuất khẩu đạt hiệu quả cao”- ông Nguyễn Thế Thi nhấn mạnh.
Về các chương trình xúc tiến tiêu thụ, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Bắc Giang Ngụy Đình Nghĩa cho biết: Chương trình du lịch “Lục Ngạn mùa vải chín” diễn ra từ ngày 15/5 đến 20/7 gồm chuỗi các hoạt động, các tour du lịch trải nghiệm đa dạng liên quan du lịch vải, trải nghiệm văn hóa, khám phá thiên nhiên vùng đất Lục Ngạn.
Điểm nhấn của chương trình là tổ chức games show mùa vui thu hái vải thiều; thuê đơn vị truyền thông phát sóng truyền hình trực tiếp trên các nền tảng mạng xã hội Facebook, Fanpage, YouTube,... đã thu hút hàng triệu người xem, tạo hiệu ứng truyền thông rất tốt, mang lại hiệu quả cao trong việc xúc tiến du lịch và tiêu thụ sản phẩm.
Đáng chú ý, Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp và thương mại du lịch sinh thái Giáp Sơn đã phối hợp với Công ty nông sản Phúc Lâm tổ chức sự kiện trình diễn thời trang tại vườn vải thiều, để lại nhiều ấn tượng, góp phần xây dựng thương hiệu và đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều.
Nhiều hợp tác xã du lịch cũng đã sáng tạo, tổ chức nhiều hoạt động để thu hút khách đến với Lục Ngạn như tổ chức các cuộc thi, hoạt động trải nghiệm, hái vải đêm tại vườn; chế biến những món ẩm thực từ quả vải thiều: xôi vải, bánh mì vải, trà vải, kem vải; chủ động kết nối, đón tiếp những người nổi tiếng, các blogger, tiktoker, người sáng tạo nội dung số, thực hiện các clip đăng tải quảng bá du lịch, vải thiều lên mạng xã hội để thu hút sự chú ý của du khách. Trong vụ thu hoạch vải, Lục Ngạn ước có khoảng 230 nghìn lượt khách tham quan, trải nghiệm; trong đó có khoảng 225 nghìn lượt khách trong nước, 5 nghìn lượt khách nước ngoài.
Nhiều trái cây vẫn “mất giá”
Trong khi trái vải “lên ngôi”, thì theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện giá trái cây tại một số tỉnh miền nam có xu hướng giảm khá mạnh do nguồn cung dồi dào đúng vụ thu hoạch như: thanh long, chôm chôm, mít, chanh không hạt… Cụ thể, thanh long ruột trắng 16.600 đồng/kg; chôm chôm nhãn 13.800 đồng/kg; mít Thái 11.800 đồng/kg; chanh không hạt 10.800 đồng/kg.
Là một tỉnh chủ lực trồng cây ăn quả của đồng bằng sông Cửu Long, Đồng Tháp hiện có 41.907,3 ha cây ăn quả, chiếm 96,49% diện tích cây lâu năm hiện có toàn tỉnh. Riêng diện tích cây xoài là 14.457,4 ha, sản lượng 146.061,5 tấn. Diện tích cây cam là 1.994,9 ha, sản lượng 34.327,9 tấn. Diện tích quýt là 1.936,6 ha, sản lượng 50.697 tấn. Diện tích nhãn là 4.452,1 ha, sản lượng 57.512,8 tấn.
Ông Trần Thanh Tâm - Chi cục trưởng Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Tháp cho biết: Ngoài một số cây ăn quả chính như xoài, nhãn, cây có múi được sản xuất theo quy hoạch thì nhiều loại cây nông dân vẫn trồng với diện tích khá lớn như mít, sầu riêng... không theo quy hoạch, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước và là nguyên nhân của tình trạng rớt giá, thậm chí không thể tiêu thụ vào thời điểm thu hoạch rộ.
Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đồng Tháp Võ Phương Thủy cho rằng: Đồng bằng sông Cửu Long là vùng trái cây trù phú với sản lượng hàng hóa lớn, nhưng nhiều loại trái cây vẫn rơi vào tình trạng khó tiêu thụ, giá rẻ... là do sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, phần lớn mang tính mùa vụ nên trong thời gian ngắn thường đưa ra thị trường sản lượng rất lớn dẫn đến cung vượt cầu.
Thời gian qua, tỉnh cũng có thực hiện rải vụ, nhưng vẫn vào chính vụ là nhiều. Bên cạnh đó, việc tiêu thụ sản phẩm hiện vẫn lệ thuộc chủ yếu vào hệ thống thương lái, hình thức kết nối trực tiếp với doanh nghiệp để tiêu thụ trong nước hoặc xuất khẩu qua hợp đồng chỉ khoảng 10%. Trong đó, xuất khẩu cũng chủ yếu qua hình thức tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc.
Với tỉnh Tiền Giang, mặc dù trái cây cũng là sản phẩm nông nghiệp chủ lực nhưng thế mạnh này chưa được phát huy và khai thác hiệu quả do diện tích sản xuất quy mô nhỏ lẻ, chất lượng trái chưa cao, phẩm chất trái không đồng đều. Tư duy và trình độ sản xuất của một số nông hộ chưa đáp ứng kịp với các ứng dụng sản xuất mới, theo công nghệ cao.
Thị trường của một số loại trái cây chủ yếu là Trung Quốc nên còn tiềm ẩn nguy cơ biến động về giá. Ngoài ra, kết cấu hạ tầng phục vụ bảo quản, chế biến, kho, bến bãi kém phát triển; công nghệ chế biến nông sản quy mô nhỏ, thiết bị lạc hậu cũng làm giảm năng lực tiêu thụ trái cây trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, liên kết giữa các khâu từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ của các thành phần kinh tế còn thiếu chặt chẽ, chưa có cơ chế, chính sách phù hợp để huy động thương lái, nhà đầu tư nước ngoài, nhà vườn liên doanh góp vốn đầu tư theo chuỗi giá trị.
Nhấn mạnh câu chuyện “được mùa, mất giá; được giá, mất mùa”, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Lưu Văn Phi cho rằng: Thực trạng này gắn liền với tập quán canh tác, mô hình sản xuất của người dân, năng lực của các doanh nghiệp, chuỗi cung ứng, hệ thống logistics. Mặt khác, hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã và tổ hợp tác chưa cao dẫn đến tình trạng khó đàm phán về giá bán sản phẩm, người dân dễ bị ép giá trong quá trình tiêu thụ.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, diện tích cây ăn quả cả nước hiện đạt khoảng 1,17 triệu ha. Giai đoạn 2010-2021, tốc độ tăng trưởng diện tích bình quân là 3,1%/năm. Trong đó, miền nam có diện tích cây ăn quả đạt hơn 720 nghìn ha, chiếm 62% diện tích cả nước. Miền bắc có diện tích khoảng 445 nghìn ha, chiếm 38% diện tích cả nước. Diện tích cây ăn quả trồng mới hàng năm tăng liên tục, nhất là với các cây có điều kiện xuất khẩu tốt những năm gần đây như: thanh long, sầu riêng, mít, chuối, xoài, bưởi... Riêng khu vực miền nam, diện tích trồng mới các loại cây ăn quả chính trung bình trong giai đoạn 2017-2021 là 62,4 nghìn ha/năm.
(Còn nữa)