Đổi mới phương thức quản lý văn học, nghệ thuật trong tình hình mới

Ngày 22/8, tại Ninh Bình, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương khai mạc hội nghị tập huấn “Nâng cao nhận thức, trình độ, năng lực; đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo, quản lý văn học, nghệ thuật trong tình hình mới”.
0:00 / 0:00
0:00
Toàn cảnh hội nghị tập huấn. (Ảnh: Báo Ninh Bình)
Toàn cảnh hội nghị tập huấn. (Ảnh: Báo Ninh Bình)

Trong 4 ngày (từ 22-25/8), 240 học viên tham dự tập huấn được truyền đạt 6 chuyên đề gồm: Nhìn lại 15 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị “về phát triển văn học, nghệ thuật trong tình hình mới”; khái quát về tình hình văn học hiện nay; đổi mới hoạt động của Liên hiệp các hội văn học, nghệ thuật Việt Nam và các hội văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương trước yêu cầu mới; bàn về nhân vật trung tâm của văn học hiện nay; công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật hiện nay: Thực trạng và yêu cầu phát triển; công nghiệp văn hóa và vị trí, vai trò của văn học, nghệ thuật trong sự phát triển của công nghiệp văn hóa.

Đổi mới phương thức quản lý văn học, nghệ thuật trong tình hình mới ảnh 1

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phát biểu tại hội nghị.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương cho biết: Đến nay, Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) “Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” tròn 15 năm đi vào cuộc sống. Việc Bộ Chính trị dành riêng một nghị quyết rất quan trọng để lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng cho sự phát triển văn học, nghệ thuật thể hiện mạnh mẽ sự đổi mới tư duy, nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng đối với văn học, nghệ thuật - “lĩnh vực quan trọng và đặc biệt tinh tế” của văn hóa nước nhà. Qua đó, đời sống văn học, nghệ thuật nước nhà trong 15 năm qua diễn ra sôi động, có nhiều kết quả và chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, hiện nay ở một số tỉnh, thành phố, cơ quan, đơn vị vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập như: Chưa tạo ra sự phát triển đồng bộ giữa các khâu sáng tác, lý luận, phê bình, phổ biến, lưu giữ tác phẩm. Sự gia tăng của xu hướng giải trí đơn thuần, thậm chí lệch lạc trong sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật. Công tác lưu giữ, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa, văn học, nghệ thuật của các dân tộc thiểu số chưa được quan tâm đúng mức. Mô hình tổ chức bộ máy, phương thức hoạt động của các hội văn học, nghệ thuật, tuy có đổi mới nhưng chưa mạnh mẽ..

Hội nghị tập huấn nhằm giúp học viên củng cố, nắm vững quan điểm, đường lối phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật của Đảng, Nhà nước; kết quả, bài học và những vấn đề đặt ra qua 15 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới.

Học viên nắm bắt đầy đủ và sâu sắc hơn thực tiễn đời sống văn hóa, văn học, nghệ thuật, tình hình lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật hiện nay; về thực trạng và yêu cầu đổi mới hoạt động của Liên hiệp các hội văn học, nghệ thuật Việt Nam và các hội văn học, nghệ thuật chuyên ngành trung ương và địa phương trước yêu cầu mới; về công nghiệp văn hóa và vị trí, vai trò của văn học, nghệ thuật trong sự phát triển của công nghiệp văn hóa,... Từ đó trao đổi kỹ năng và kinh nghiệm xử lý một số vấn đề nảy sinh trong thực tiễn.