Lễ hội Tiên Lục được nhân dân địa phương bảo tồn gần như nguyên vẹn từ công tác chuẩn bị đến các nghi lễ như: Rước, tế, kéo chữ, gieo cầu và các trò chơi dân gian…
Theo tài liệu, Lý lịch cụm di tích Tiên Lục do Bảo tàng tỉnh Bắc Giang soạn thảo thì chùa Tiên Phúc được xây dựng vào năm 1707. Đến năm 1734 sau khi tôn tạo chùa dân làng tổ chức lễ hội và từ đó đổi tên thành chùa Phúc Quang, cũng là ngày giỗ sư tổ Nguyễn Văn Tính, người có công lớn trong việc trùng tu và tôn tạo chùa. Tại lễ hội này tục kéo chữ “Thiên hạ thái bình” được tổ chức lần đầu tiên.
Một điểm đặc sắc của lễ hội Tiên Lục là lễ hội của hai làng, hai đình. Lễ rước nước của nhà chùa được lấy từ giếng cổ có tên là Giếng Lẩm, ở thôn Trong và rước về chùa.
Sau lễ rước nước là Lễ rước kiệu (rước các vị thần, thành hoàng làng) được tổ chức từ hai đình là đình Viễn Sơn (còn gọi là đình cây dã) và đình Thuận Hòa (còn gọi là đình cây bàng) về sân Thảo Xá tại chùa Phúc Quang, do vậy Thảo Xá được coi là nơi hội tụ của các Thần, các Thánh, Thành hoàng làng của Tiên Lục, Bắc Giang.
Tại sân Thảo Xá trai đinh hai làng, hai đình mỗi bên từ 50 đến 60 người đã được các thôn xóm lựa chọn, ăn vận trang phục lễ hội chuẩn bị cho màn kéo chữ “Thiên hạ thái bình”. Đi đầu hai đoàn đinh là hai trưởng cự cầm cờ hội, sau hiệu lệnh của ông Lềnh Trưởng (người điều hành nghi thức kéo chữ), hai đoàn tiến vào sân Thảo Xá xếp thành hình chữ Điền.
Ông Lềnh Trưởng hô: “Sau ba hồi chiêng, tiến vào chữ Thiên”. Dứt ba hồi chiêng trai đinh hai đình di chuyển xếp thành hình chữ Thiên trước sân Thảo Xá. Đi xong chữ "Thiên", ông Lềnh Trưởng lại hô: Sau ba tiếng chiêng này ra chữ "Hạ". Cứ như vậy theo lời hô của ông Lềnh Trưởng, các giai đinh di chuyển lần lượt vào các chữ còn lại là chữ "Thái" và chữ "Bình". Như vậy, lần lượt chữ "Thiên, Hạ, Thái, Bình" hiện ra trước sân Thảo Xá, thể hiện ước nguyện của cộng đồng về cuộc sống thái bình, ấm no, hạnh phúc.
Chữ Hạ tại nghi lễ kéo chữ |
Ông Lê Văn Thăng, 74 tuổi, Lềnh Trưởng của Lễ hội Tiên Lục cho biết, tục kéo chữ là một nghi lễ dâng lên các thánh thể hiện ước vọng của người dân cầu mong cho Thiên hạ được thái bình, đất nước được phát triển, người dân được an lành.
Tục kéo chữ xếp hình theo hình chữ Hán cổ, người tham gia nghi lễ được các trưởng thôn, làng lựa chọn phải là những người có sức khỏe tốt, là những người ưu tú trong cộng đồng dân cư.
Hai người đi đầu đại diện cho hai đình phải là người hiểu về chữ Hán để dẫn đoàn, hai người đi cuối là những người quan sát, cố định chữ và làm các dấu chữ. Trước khi diễn ra nghi lễ đinh của hai đình đều phải đến sân Thảo Xá để tập luyện nhuần nhuyễn, bảo đảm xếp đúng, xếp chữ đẹp khi tiến hành nghi lễ.
Chữ Thái tại nghi lễ. |
Chữ Bình tại nghi lễ. |
Sau nghi lễ kéo chữ “Thiên Hạ Thái Bình” lễ gieo cầu. Các đinh của hai đình rước được chia làm hai phe ở hai bên sân. Quả cầu được làm bằng gỗ mít, hình tròn đường kính khoảng 50cm, nặng 20kg, bên ngoài dán giấy mầu vàng, đỏ. Ngày thường quả cầu được đặt trong hậu cung đình làng.
Đến giờ quy định, các quân cầu tiến ra sân hội đứng quay mặt vào Thảo Xá lễ Thánh. Lễ xong, tất cả reo hò vang rộn. Ông Lềnh Trưởng mặc áo tế, đội mũ, đi hia, đứng ở bậc tam cấp của Thảo Xá tung cầu (sẽ có 2 lần tung cầu). Khi tung cầu cho hai đội tranh cầu, trai đinh hai đình sẽ cố đẩy quả cầu về phía sân của phía trai đinh đình kia. Quả cầu lúc thì được đẩy cao, lúc bị hạ thấp nhưng không được để cầu rơi xuống đất. Bên nào đẩy được cầu về phía sân đối phương thì coi là thắng cuộc.
Gieo cầu, đẩy cầu tại lễ hội Tiên Lục. |
Theo quan niệm dân gian, quả cầu ở đây tượng trưng cho mặt trời. Nó được mang vác từ đông sang tây theo hướng mặt trời mọc và lặn. Lễ gieo cầu được cầu cũng có nghĩa là gieo ánh mặt trời cho mùa màng bội thu, cầu mong cho một năm mưa thuận gió hòa; đồng thời thể hiện tình đoàn kết, gắn bó giữa các thành viên trong thôn, xóm và biểu tượng sự gắn kết cộng đồng dân cư.