Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương xác định phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm

Ngày 11/4, tại Hà Nội, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã có cuộc làm việc với Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương.
0:00 / 0:00
0:00
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu kết luận buổi làm việc.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu kết luận buổi làm việc.

Buổi làm việc thảo luận về tình hình hoạt động, kết quả công tác trong thời gian qua và thống nhất phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023 và các năm tiếp theo.

Tại buổi làm việc, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã nghe Báo cáo của đại diện lãnh đạo Hội đồng và ý kiến của các đại biểu. Theo đó, nhiệm kỳ 2021-2026, Hội đồng đã xây dựng quy chế làm việc, nghiên cứu, xác định các nhiệm vụ trọng tâm nhằm cụ thể hóa những chủ trương, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp của Đảng về phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật.

Hội đồng đã huy động trí tuệ, đóng góp của các thành viên, tích cực triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, tạo được dấu ấn, tiêu biểu như: tổ chức các cuộc tập huấn, bồi dưỡng với chất lượng tương đối tốt; tổ chức nhiều hội thảo khoa học cấp quốc gia...; tham gia đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Thông qua hoạt động thực tiễn, Hội đồng tiếp tục khẳng định được vị trí, vai trò, ảnh hưởng trong đời sống văn học, nghệ thuật nước nhà, tạo tiền đề quan trọng để tiếp tục thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao trong thời gian tới.

Thay mặt Ban Bí thư, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa ghi nhận, biểu dương sự nỗ lực, cố gắng và những kết quả mà Hội đồng đạt được trong thời gian qua. Trong thời gian tới, đồng chí đề nghị Hội đồng tập trung nghiên cứu, triển khai tốt một số nhiệm vụ trọng tâm: Tiếp tục đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, tư vấn giúp Đảng, Nhà nước những vấn đề thuộc lĩnh vực lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật.

Hội đồng cần tăng cường phối hợp, tập trung nghiên cứu, lý giải một cách khoa học, thấu đáo những vấn đề lớn, như: Đổi mới phương thức hoạt động của các hội văn học, nghệ thuật; Đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ văn nghệ sĩ nói chung, lực lượng làm công tác lý luận, phê bình nói riêng; Cơ chế, chính sách, chế độ đãi ngộ đối với văn nghệ sĩ; Xây dựng và phát triển thị trường các sản phẩm văn học, nghệ thuật; Giới thiệu, quảng bá văn học, nghệ thuật Việt Nam ra nước ngoài; Tiếp thu tư tưởng văn nghệ nước ngoài và vai trò của tư tưởng văn nghệ Mác-xít hiện nay; Vấn đề giáo dục, định hướng thẩm mỹ của công chúng văn học, nghệ thuật...

Trên cơ sở đó, xây dựng các đề án chất lượng để tư vấn giúp Ban Bí thư, trong đó chú trọng đánh giá đúng hiệu quả tác động của công tác tư vấn trong việc bổ sung, hoàn thiện quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật.

Đồng chí lưu ý, Hội đồng cần mở rộng quan hệ hợp tác, liên kết, định hướng đội ngũ những người làm công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật thực hiện chức năng thẩm định, định hướng các hoạt động sáng tạo văn học, nghệ thuật; phát huy vai trò gắn kết giữa đội ngũ văn nghệ sĩ với Đảng, Nhà nước, phát huy trí tuệ, tài năng; phối hợp Liên hiệp các Hội văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương, các hội văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương và địa phương xây dựng cơ sở dữ liệu về đội ngũ lý luận, phê bình; phát triển các diễn đàn, tìm “đầu ra” cho nghiên cứu, lý luận, phê bình, để từ đó định hướng, kịp thời điều chỉnh, góp phần triển khai xây dựng hệ giá trị văn học, nghệ thuật Việt Nam trong thời kỳ mới.