Kế thừa và cách tân trong văn học-nghệ thuật: Vai trò, trách nhiệm của các nhà nghiên cứu, sáng tác trẻ

NDO - Sáng 27/6, tại thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương khai mạc lớp bồi dưỡng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật với chủ đề “Vấn đề kế thừa và cách tân trong văn học, nghệ thuật: Vai trò, trách nhiệm của các nhà nghiên cứu, sáng tác trẻ”.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh lớp bồi dưỡng.
Quang cảnh lớp bồi dưỡng.

Tham dự buổi khai mạc có các đồng chí: Phạm Đại Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; PGS,TS Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học-nghệ thuật Trung ương; Bùi Thanh Toàn, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; lãnh đạo Hội đồng Lý luận, phê bình, văn học, nghệ thuật Trung ương; lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh; cùng 90 học viên từ các cơ quan báo chí, cơ quan chuyên môn về văn học, nghệ thuật ở trung ương và một số tỉnh, thành phố khu vực miền trung và miền nam.

PGS,TS Nguyễn Thế Kỷ phát biểu đề dẫn khai mạc và trực tiếp báo cáo chuyên đề “Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943) và sự phát triển của văn hóa, văn nghệ nước ta 80 năm qua”.

Phát biểu với lớp bồi dưỡng, đồng chí Phạm Đại Dương, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên bày tỏ niềm vinh dự, vui mừng được Hội đồng Lý luận, phê bình văn học-nghệ thuật Trung ương chọn Phú Yên là nơi tổ chức lớp học; chào mừng và gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến các nhà nghiên cứu, sáng tác trẻ.

Kế thừa và cách tân trong văn học-nghệ thuật: Vai trò, trách nhiệm của các nhà nghiên cứu, sáng tác trẻ ảnh 1

Đồng chí Phạm Đại Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên phát biểu chào mừng lớp học.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên khẳng định, cùng nhiệm vụ phát triển kinh tế, bảo đảm quốc phòng-an ninh, lãnh đạo tỉnh Phú Yên luôn phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng, quan tâm, đầu tư phát triển văn hóa theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Đảng ta: Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi. Văn hóa phải hướng dẫn quốc dân thực hiện Độc lập, Tự cường và Tự chủ.

Đối với tỉnh Phú Yên, nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, Tỉnh ủy đã ban hành hai chương trình hành động liên quan trực tiếp văn hóa, con người. Trong bối cảnh nhiều thời cơ, thuận lợi, bên cạnh những thách thức, khó khăn, được sự quan tâm giúp đỡ của Trung ương; cùng với sự nỗ lực đoàn kết, Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân Phú Yên tiếp tục nỗ lực hiện thực hóa các định hướng lớn đã đề ra.

Cùng việc quan tâm phát triển kinh tế-xã hội, là địa phương đậm đặc di tích và phong phú về văn hóa phi vật thể, có đội ngũ hội viên Hội Văn học-Nghệ thuật đông đảo, cấp ủy, chính quyền địa phương luôn quan tâm tạo điều kiện để gìn giữ và phát huy, xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc của dân tộc.

Thay mặt lãnh đạo tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Đại Dương mong rằng, các nhà nghiên cứu, các văn nghệ sĩ, những người trẻ đang hoạt động trên các lĩnh vực lý luận, phê bình văn học-nghệ thuật của tỉnh cũng như các tỉnh trong cả nước quan tâm tìm hiểu, có những tác phẩm hay về đất và người tỉnh Phú Yên.

Trong thời gian lớp học tại Phú Yên và những buổi thực tế tại địa phương, các nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ có nhiều trải nghiệm, cảm nhận sâu sắc nhất về những giá trị cảnh quan, nhân văn, các di sản văn hóa, ẩm thực…

Kế thừa và cách tân trong văn học-nghệ thuật: Vai trò, trách nhiệm của các nhà nghiên cứu, sáng tác trẻ ảnh 2

PGS,TS Nguyễn Thế Kỷ báo cáo chuyên đề “Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943) và sự phát triển của văn hóa, văn nghệ nước ta 80 năm qua”.

Thay mặt Hội đồng Lý luận, phê bình văn học-nghệ thuật Trung ương và các nhà nghiên cứu, nhà văn, những người trẻ đang hoạt động trên các lĩnh vực lý luận, phê bình văn học-nghệ thuật của một số tỉnh, thành phố ở phía nam, PGS,TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học-nghệ thuật Trung ương chúc mừng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Phú Yên đã có những bước phát triển vững chắc, ấn tượng trên tất cả các lĩnh vực; đồng thời tin tưởng và hy vọng, với những tư duy sáng tạo, cùng những hành động quyết liệt của các đồng chí lãnh đạo, sẽ đưa Phú Yên phát triển nhanh và bền vững, trong đó có lĩnh vực văn học, nghệ thuật.

Trong 4 ngày diễn ra lớp bồi dưỡng từ 27 đến 30/6, các học viên còn được lắng nghe, thảo luận về các chuyên đề: “Xây dựng ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam - kết hợp tính dân tộc, tính hiện đại trong sáng tác và đổi mới tư duy quản lý” (TS Ngô Phương Lan - Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình văn học-nghệ thuật Trung ương), chuyên đề “Cách tân trong văn học và nhiệm vụ bảo tồn giá trị truyền thống” (PGS,TS Trần Khánh Thành - Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng), chuyên đề “Giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa kế thừa giá trị truyền thống và đáp ứng thị hiếu của giới trẻ trong âm nhạc hiện nay” (PGS,TS Lê Văn Toàn, nguyên Giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) và chuyên đề “Thị hiếu thẩm mỹ của khán giả và vấn đề kế thừa, cách tân trong sân khấu hiện nay” (Nhà văn, nhà nghiên cứu Ngô Thảo). Các học viên cũng sẽ đi tham quan thực tế tại địa phương.