Đổi mới phương thức hoạt động nhằm hỗ trợ trẻ em một cách toàn diện

NDO - "Đảng, Nhà nước và toàn xã hội luôn đặc biệt quan tâm đến công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, tạo mọi điều kiện tốt nhất để trẻ em được phát triển toàn diện, có môi trường sống an toàn, lành mạnh", Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân nhấn mạnh. 
0:00 / 0:00
0:00
Phó Chủ tịch nước gặp mặt Đoàn đại biểu Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam.
Phó Chủ tịch nước gặp mặt Đoàn đại biểu Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam.

Ngày 30/11, tại Phủ Chủ tịch, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân gặp mặt Đoàn đại biểu Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân biểu dương những kết quả, thành tích mà Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua.

Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước và toàn xã hội luôn đặc biệt quan tâm đến công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, tạo mọi điều kiện tốt nhất để trẻ em được phát triển toàn diện, có môi trường sống an toàn, lành mạnh.

“Trong những năm qua, công tác giáo dục, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe trẻ em được cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các ngành, các địa phương, các tổ chức xã hội, đoàn thể và nhân dân chăm lo. Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong thực hiện Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em và các công ước, điều ước quốc tế có liên quan, được cộng đồng quốc tế ghi nhận”, Phó Chủ tịch nước cho biết.

Dù đạt được nhiều kết quả rất đáng ghi nhận, nhưng công tác giáo dục, chăm sóc và bảo vệ trẻ em vẫn còn những khó khăn, thách thức. Tình trạng trẻ em bị bạo hành, xâm hại, tai nạn nhất là đuối nước vẫn còn xảy ra trong xã hội…

Đồng chí Võ Thị Ánh Xuân mong muốn, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam tiếp tục kiện toàn bộ máy, tổ chức để có bộ máy trong sạch vững mạnh, có những người có tâm huyết, trí tuệ, trách nhiệm đối với xã hội nói chung và trẻ em nói riêng. Hội cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động phù hợp với tình hình mới, nhằm hỗ trợ trẻ em một cách toàn diện, bao phủ và sát với thực tiễn nhất.

Bên cạnh đó, có sự phối hợp với các cơ quan trong hệ thống chính trị, các tổ chức, cá nhân trong xã hội, các tổ chức quốc tế để tạo ra sức mạnh chung trong công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Đồng thời, Hội tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội, đề xuất chính sách để công tác giáo dục, chăm sóc, bảo vệ trẻ em của Đảng, Nhà nước, nhân dân ngày càng sát với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

Tại buổi gặp mặt, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa cho biết, trong 5 năm qua, Hội đã tham gia gần 300 lượt trả lời, phát biểu chính kiến về các vụ việc vi phạm quyền trẻ em như trẻ bị bạo hành, trẻ bị xâm hại, trẻ bị bỏ rơi, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, lao động trẻ em, những kỹ năng cha mẹ cần biết để bảo vệ và hỗ trợ cho trẻ trước nguy cơ bị xâm hại.

Hội đã tiếp nhận và xử lý hơn 100 đơn thư, vụ việc phản ánh của công dân từ nhiều nguồn tin và tham gia tư vấn trực tiếp, hỗ trợ cho gần 300 trường hợp trẻ em bị hại, trong đó có gần 40 trường hợp Hội cử luật sư hỗ trợ pháp lý cho nạn nhân và người nhà nạn nhân.

Hội đã tham gia với các đoàn giám sát của Ủy ban quốc gia về trẻ em, các Bộ, ngành, đoàn thể, các Ủy ban của Quốc hội và tổ chức giám sát định kỳ hàng năm hoạt động trong hệ thống Hội các cấp…

Đặc biệt, năm 2019, Hội đã tham gia vào Đoàn giám sát của Quốc hội chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” tại 12/17 tỉnh, thành phố.