Đổi mới giáo dục, “nâng cấp” nguồn nhân lực

LTS - Khoảng cách của hệ thống giáo dục đại học và sau đại học của Việt Nam so các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới còn khá lớn. Liệu rằng, Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được triển khai có tạo nên bước đổi mới căn bản nhằm góp phần cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu mới của công cuộc chuyển đổi số? Lời giải sẽ phần nào được làm rõ qua cuộc phỏng vấn với PGS, TS NGUYỄN THU THỦY, Vụ trưởng Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo).
PGS, TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo).
PGS, TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Phóng viên (PV): Mới đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có bài viết quan trọng “Chuyển đổi số - động lực quan trọng đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới”. Để thực hiện được một trong những nhiệm vụ cấp bách mà bài viết nhấn mạnh là xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế số và cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sẽ cần phải đổi mới giáo dục như thế nào, thưa bà?

PGS, TS Nguyễn Thu Thủy: 10 năm qua, từ khi triển khai Nghị quyết số 29-NQ/TW, giáo dục đại học nước ta đã có những bước phát triển mạnh mẽ cả về chất lượng và mức độ tiếp cận của người dân, cùng những thay đổi căn bản về tư duy, nhận thức và cách thức vận hành, quản lý bên trong hệ thống nói chung và các cơ sở đào tạo nói riêng. Những bước tiến của nền kinh tế đất nước trong từng giai đoạn phát triển vừa qua chắc chắn có sự đóng góp quan trọng, thiết yếu của nguồn nhân lực trình độ cao, được đào tạo từ hệ thống giáo dục đại học trong nước.

Bên cạnh việc phát triển đội ngũ giảng viên, các cơ sở giáo dục đại học đã hết sức nỗ lực trong đổi mới và đa dạng hóa chương trình đào tạo, phương thức đào tạo, cải tạo và nâng cấp cơ sở vật chất, môi trường học tập và nghiên cứu, các dịch vụ hỗ trợ người học theo hướng hiện đại và hội nhập quốc tế.

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhưng cũng không thể không nói đến những khó khăn, thách thức mà ngành đang gặp phải trên con đường phát triển và hội nhập quốc tế. Chẳng hạn, khi các ngành sản xuất vẫn nặng về khai thác, gia công và lắp ráp, các dự án đầu tư vẫn chủ yếu dựa trên lợi thế về nguồn nhân lực giá rẻ, thì nhu cầu trước mắt về nguồn nhân lực trình độ cao, nhất là ở các trình độ sau đại học và ở các ngành khoa học cơ bản sẽ không cao. Quy mô và cơ cấu nhân lực được đào tạo chưa thể đáp ứng được yêu cầu dẫn dắt sự phát triển và tái cơ cấu nền kinh tế, thông qua thu hút đầu tư trong các lĩnh vực công nghệ cao, nâng cao năng suất lao động và giá trị gia tăng trong các chuỗi giá trị toàn cầu.

PV: Điểm nghẽn chính trong phát triển một nền kinh tế tri thức, kinh tế số, chính là sự thiếu hụt về nguồn nhân lực chất lượng cao. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ đề ra những cơ chế, chính sách đột phá gì để giải quyết tận gốc thực trạng này, thưa bà?

PGS, TS Nguyễn Thu Thủy: Sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao nói chung và nhân lực bốn khối ngành: Khoa học - Công nghệ - Kỹ thuật -Toán học (STEM) là một trở ngại lớn đối với việc tăng tốc phát triển đất nước.

Điều này đặt ra yêu cầu, cần những cơ chế, chính sách đột phá và nguồn lực đầu tư tập trung, xứng tầm cho việc thu hút, đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao.

Ý thức được đòi hỏi của thực tiễn, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tập trung chủ trì xây dựng Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; chủ trì, phối hợp các bộ, ngành liên quan xây dựng Đề án đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao giai đoạn 2025-2035 và định hướng tới năm 2045. Mục tiêu tổng quan của Đề án là chuẩn bị dồi dào nguồn nhân lực STEM có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao đáp ứng nhu cầu mở rộng đầu tư phát triển các lĩnh vực công nghệ cao, nhất là đội ngũ nhân lực tài năng có khả năng tham gia sâu vào công đoạn nghiên cứu và phát triển trong một số lĩnh vực công nghệ then chốt.

PV: Bà đánh giá như thế nào về sự chuyển động của các cơ sở đào tạo để đón đầu các xu thế tuyển dụng hiện nay, nhất là nhân lực các ngành liên quan “chuyển đổi số”?

PGS, TS Nguyễn Thu Thủy: Đứng trước thực trạng nhu cầu nguồn lực trí tuệ nhân tạo (AI) lớn trong khi số lượng đào tạo hạn chế, nhiều cơ sở đào tạo đã chủ động và tích cực đẩy mạnh tuyển sinh và đào tạo nhân lực AI theo các hình thức đa dạng như: đào tạo một ngành học mới hay tích hợp nội dung AI vào các ngành đào tạo có sẵn; mở ngành đào tạo ở bậc sau đại học… Số lượng cơ sở giáo dục tham gia đào tạo cũng như số lượng sinh viên tuyển mới tăng nhanh, chất lượng tuyển đầu vào đứng cao so với mặt bằng chung, tuy nhiên tổng quy mô còn thấp.

Dù vậy, đáng lo ngại là quy mô tuyển sinh và đào tạo sau đại học toàn hệ thống nói chung và các ngành STEM nói riêng có xu hướng giảm mạnh trong một vài năm gần đây, nhất là tại các cơ sở đào tạo uy tín. Điều này đòi hỏi sự định hướng và chính sách điều tiết của Nhà nước để bảo đảm đủ nguồn nhân lực STEM nói chung và nhân lực ICT nói riêng ở trình độ sau đại học.

PV: Xét về dài hạn, bà có thể cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tập trung vào những định hướng lớn nào cho việc đổi mới đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng đòi hỏi của các ngành, nghề, lĩnh vực cần cho giai đoạn phát triển bứt phá mới của đất nước?

PGS, TS Nguyễn Thu Thủy: Bên cạnh việc thường xuyên rà soát, hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm bảo đảm và nâng cao chất lượng đào tạo, Bộ xác định việc trình Thủ tướng Chính phủ ban hành và triển khai một số đề án, nhiệm vụ như là các giải pháp đột phá cho đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần tạo ra sự phát triển bứt phá của nền kinh tế đất nước trong giai đoạn tới.

Đáng chú ý là Đề án đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao giai đoạn 2025-2035 và định hướng tới năm 2045, với mục tiêu thử nghiệm và hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động, khung khổ pháp lý và nền tảng công nghệ cho giáo dục đại học số, ứng dụng AI và các công nghệ giáo dục hiện đại; góp phần đưa giáo dục đại học số trở thành một trụ cột của giáo dục đại học và phát triển xã hội học tập; đẩy mạnh việc đào tạo nguồn nhân lực cho công nghiệp chip bán dẫn tại Việt Nam; xây dựng đề xuất tăng cường đầu tư nâng cao năng lực về đào tạo và nghiên cứu trong các lĩnh vực vi mạch, chip bán dẫn, AI và công nghệ sinh học cho một số cơ sở đào tạo có thế mạnh về đào tạo, nghiên cứu trong các lĩnh vực này…

Đổi mới giáo dục, “nâng cấp” nguồn nhân lực ảnh 1

Đào tạo nguồn nhân lực ngành công nghệ thông tin tại Trường đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: THẾ ĐẠI

Những vấn đề nêu trên cần nhận được sự quan tâm, thấu hiểu của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành và các cơ quan hữu quan, sự tham gia tích cực, chủ động của các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp và sự ủng hộ, đồng thuận của xã hội để hệ thống giáo dục đại học có thể đáp ứng được những yêu cầu cấp bách đặt ra đối với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới như lời của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm.

PV: Trân trọng cảm ơn bà!

“Dù các ngành đào tạo liên quan tới ICT, công nghệ số có quy mô tuyển sinh, đào tạo trình độ đại học và số cơ sở đào tạo khá lớn, tỷ lệ sinh viên học sau đại học các ngành STEM thấp hơn nhiều lần so các nước tiên tiến, đặc biệt ở các ngành thuộc lĩnh vực máy tính và công nghệ thông tin”- PGS, TS Nguyễn Thu Thủy.