Doanh nghiệp vững vàng vượt khó

Dù nền kinh tế toàn cầu còn nhiều bất định, doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh vẫn không ngừng nỗ lực đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm… nhằm tìm kiếm đơn hàng, mở rộng thị trường mới.
0:00 / 0:00
0:00
Doanh nghiệp tham gia triển lãm quốc tế về máy móc, thiết bị công nghiệp ngành nhựa và cao-su tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Doanh nghiệp tham gia triển lãm quốc tế về máy móc, thiết bị công nghiệp ngành nhựa và cao-su tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Tài nhà máy rộng lớn trong Khu Công nghệ cao thành phố Thủ Đức, “công nhân” sản xuất của Công ty cổ phần Tập đoàn Điện Quang phần lớn đều là robot, máy móc thông minh làm việc liên tục.

Một vài kỹ sư theo dõi các thông số trên màn hình cảm ứng và chỉ cần một thao tác chạm tay, hàng loạt sản phẩm chuẩn chỉnh đồng loạt ra lò. Tổng Giám đốc Công ty Điện Quang Trần Bá Linh cho biết: Doanh nghiệp có năm nhà máy với những dây chuyền sản xuất hiện đại, tổng năng lực sản xuất 150 triệu sản phẩm/năm

đã hoàn toàn làm chủ công nghệ sản xuất chip-led, khép kín chuỗi sản xuất từ khâu nguyên liệu đầu vào đến thành phẩm ra thị trường. Nhờ đó, trong giai đoạn nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, doanh nghiệp không bị đứt gãy chuỗi cung ứng và vẫn có đủ đơn hàng sản xuất.

“Điện Quang đã đầu tư máy móc, thiết bị và dây chuyền sản xuất hiện đại, đủ năng lực sản xuất các sản phẩm điện tử có độ khó cao. Chỉ cần đối tác lớn đặt hàng thì Điện Quang sẵn sàng nhận gia công những bo mạch, sản phẩm theo tiêu chuẩn chất lượng quốc tế”, ông Linh khẳng định.

Tại triển lãm quốc tế về máy móc và thiết bị công nghiệp ngành nhựa và cao-su - Vietnamplas 2023 tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh giữa tháng 10 vừa qua, Giám đốc Công ty Gia Thành Đỗ Hữu Hào (quận Bình Tân) chuyên sản xuất đồ nhựa gia dụng đến từng quầy hàng tìm hiểu dây chuyền, công nghệ.

Được giới thiệu dàn máy chế biến ly, rổ nhựa khép kín từ khâu nguyên liệu đến thành phẩm, trung bình mỗi giờ cho ra 120 sản phẩm (hai sản phẩm/phút), ông Hào khá tâm đắc và có ý định đầu tư. “Mặc dù trong giai đoạn hiện nay, doanh nghiệp ngành nhựa khá chật vật khi thị trường trong nước và xuất khẩu đều sụt giảm.

Dẫu vậy, chúng tôi vẫn không ngừng tìm tòi, đầu tư thêm công nghệ theo quy trình sản xuất xanh, tạo ra những sản phẩm đạt tiêu chuẩn để khi thị trường hồi phục, mình có hàng hóa đủ điều kiện xuất khẩu ngay”, ông Hào cho biết. Còn ngành gỗ lĩnh vực xuất khẩu gặp nhiều khó khăn khi hơn một năm qua không có đơn hàng, thế nhưng trong những tháng cuối năm cũng ghi nhận nhiều tín hiệu khởi sắc.

Điều này, tạo hứng khởi cho doanh nghiệp gỗ trong năm 2024. Đại diện Công ty TNHH Gia Hân (huyện Củ Chi) chuyên sản xuất các mặt hàng đồ gỗ nội thất xuất khẩu cho thị trường châu Âu cho biết: Thời gian qua, công ty liên tục cử người tham gia các hội chợ triển lãm ngành hàng, đưa thông tin giới thiệu quảng bá lên các trang thương mại điện tử quốc tế… để tìm kiếm, tiếp cận bạn hàng mới. Tín hiệu vui là sau nhiều tháng nỗ lực, doanh nghiệp đã ký được đơn hàng xuất khẩu trong

hai tháng cuối năm với 18 container/tháng. “Công ty đã nỗ lực tìm kiếm đơn hàng, nhiều đơn hàng yêu cầu rất khó. Trước đây, chúng tôi không bao giờ nhận vì tỷ lệ hư hỏng cao, nhưng hiện nay phải chấp nhận để có việc làm ổn định, công việc cho công nhân. Có đơn hàng gối đầu, sản xuất tăng ca là điều mà ngành gỗ nói chung trông chờ nhất trong suốt thời gian dài khó khăn vừa qua”, đại diện Công ty Gia Hân cho biết thêm.

Từ chỗ hoạt động cầm chừng, nay đơn hàng của Công ty TNHH Việt Thắng Jean (thành phố Thủ Đức) cũng bắt đầu phục hồi khoảng 80% so với trước đây. “Nhiều doanh nghiệp trong ngành dệt may cũng đã có những đơn hàng mới vì thị trường xuất khẩu cũng đang ấm dần trở lại. Mặc dù, thị trường xuất khẩu chưa đạt được mục tiêu như các năm nhưng đây là động lực để các doanh nghiệp tập trung vào sản xuất và hoàn thành các đơn hàng cho những tháng cuối năm”, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Việt Thắng Jean Phạm Văn Việt chia sẻ.

Không chỉ lĩnh vực dệt may, các lĩnh vực khác như nông nghiệp, dịch vụ... cũng đang tăng trưởng đơn hàng trở lại hoặc có những tín hiệu tích cực về xuất khẩu. Nhiều mặt hàng đã và đang đạt được giá trị xuất khẩu rất lớn như sầu riêng, xoài, mít, chuối, khoai lang..., trong đó, sầu riêng đạt được giá trị xuất khẩu lớn và vẫn còn hàng để xuất.

Ngoài ra, thị trường lớn nhất là Trung Quốc thường tăng nhập rau quả vào cuối năm do nhu cầu tiêu dùng dịp Tết, đặc biệt rất chuộng các mặt hàng chủ lực của Việt Nam như thanh long, dưa hấu, xoài... Theo Tổng Giám đốc Công ty Vina T&T Nguyễn Đình Tùng, nhiều lô hàng công ty đang gấp rút hoàn thiện để lên đường sang

Mỹ. Nhờ đáp ứng được tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường xuất khẩu, doanh nghiệp gia tăng gần 30% đơn đặt hàng ngay từ đầu quý III, đưa công suất nhà máy lên 80% rau quả toàn ngành đang phát triển và có sự tăng trưởng tốt. “Năm nay, thị trường Mỹ đã tăng đơn hàng lớn, bưởi xuất sang được Mỹ, New Zealand. Các loại trái cây khác như nhãn, thanh long... cũng xuất khẩu tốt, nhìn chung là một gam màu tươi sáng. Đến cuối năm, xuất khẩu trái cây nói chung còn nhiều triển vọng đi liên tiếp vì đơn hàng rất nhiều”, ông Tùng nhìn nhận.

Tại phiên họp về tình hình kinh tế-xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2023 do Ủy ban nhân dân thành phố tổ chức, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Thị Huỳnh Mai cho biết: Kinh tế thành phố tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế kim ngạch xuất, nhập khẩu giảm, số lượng doanh nghiệp có tăng về số lượng nhưng số vốn giảm, số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng. Giải ngân vốn đầu tư công dù đứng thứ ba trong cả nước nhưng mới đạt 35% kế hoạch năm.

Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng tín dụng hiện tại vẫn đang ở mức thấp so với mục tiêu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đề ra (14%), cho thấy quá trình phục hồi của nền kinh tế vẫn chưa mạnh mẽ. Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Phan Văn Mãi nhận định: Điều đáng mừng là tình hình tiếp tục ổn định, kinh tế có tăng trưởng và cải thiện dần. Theo ông Mãi, trong 10 tháng, kinh tế-xã hội thành phố giữ được đà tăng trưởng ổn định với nhiều chỉ số tích cực về sản xuất, tiêu dùng, du lịch.

Các chỉ số về sản xuất công nghiệp, doanh thu thương mại, du lịch, đầu tư nước ngoài, thành lập mới doanh nghiệp tuy chưa cao nhưng có sự cải thiện. Kể cả lĩnh vực khó khăn nhất là xuất, nhập khẩu cũng có xu hướng khởi sắc.