Tìm giải pháp phòng cháy hiệu quả và bền vững

Liên tiếp trong các ngày gần đây, một số tỉnh, thành phố cả nước xảy ra các vụ cháy gây thương vong cho nhiều người. Tại một đô thị lớn, đông dân cư như Thành phố Hồ Chí Minh, các nguy cơ về cháy nổ luôn được người dân quan tâm. Tai nạn cháy, nổ đang trở thành vấn đề nhức nhối cần được các cơ quan chức năng quyết liệt triển khai các giải pháp hiệu quả, bền vững.
0:00 / 0:00
0:00
Diễn tập phòng cháy, chữa cháy tại một tòa nhà ở thành phố Thủ Đức.
Diễn tập phòng cháy, chữa cháy tại một tòa nhà ở thành phố Thủ Đức.

Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PC07), Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thời gian qua, tình hình cháy, nổ trên địa bàn thành phố diễn biến phức tạp. Số vụ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng tăng so với cùng kỳ. Thống kê cho thấy, chín tháng đầu năm 2024, trên địa bàn thành phố xảy ra 367 vụ cháy (trong đó có 1 vụ cháy lớn, 10 vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng), làm chết 14 người, bị thương 17 người, thiệt hại về tài sản ước tính hơn 9 tỷ đồng. Trong đó, các vụ cháy ở nhà ở riêng lẻ và nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh chiếm đến 56% số vụ, hỏa hoạn xảy ra tại công ty, doanh nghiệp chiếm khoảng 16%.

Về nguyên nhân, các vụ cháy xảy ra phần lớn là do sự cố về điện; vi phạm quy định an toàn phòng cháy, chữa cháy; bất cẩn trong sinh hoạt, sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt... Một thống kê đáng chú ý khác, năm 2023 thành phố có 60.493 cơ sở nhà chung cư, nhà trọ, ngăn phòng cho thuê, nhà ở nhiều căn hộ, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cháy, nổ cao. Trong đó, có 1.345 cơ sở thuộc loại hình nhà chung cư; 32 nhà ở nhiều căn hộ; 55.446 cơ sở thuộc loại hình nhà trọ, nhà ngăn phòng cho thuê; 3.670 nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh...

Thời gian qua, các cơ quan chức năng liên tục kiểm tra, xử lý các cơ sở vi phạm. Qua kiểm tra 59.800 lượt cơ sở, cơ quan chức năng đã xử lý 6.525 cơ sở vi phạm về phòng cháy, chữa cháy và xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền hơn 11,5 tỷ đồng; đình chỉ hoạt động 17 cơ sở, tạm đình chỉ hoạt động 36 cơ sở. Ngoài ra, có 29/18.764 cơ sở bị xử lý trong lĩnh vực xây dựng (sai phép và chưa được cấp phép), 357 cơ sở bị xử lý trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh, 310 cơ sở bị xử lý trong đăng ký thường trú, tạm trú... Công tác kiểm tra dù được thực hiện quyết liệt, liên tục song thực tế, các nguy cơ về cháy, nổ vẫn luôn tiềm ẩn.

Cháy nổ đã và đang để lại những hậu quả nặng nề đối với các gia đình, xã hội. Nhiều năm về trước, vụ cháy Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC) khiến 60 người thiệt mạng đến giờ vẫn còn ám ảnh nhiều người. Năm 2018, vụ cháy khiến 13 người chết, hàng chục người bị thương xảy ra tại chung cư Carina (Quận 8) tiếp tục là nỗi đau của hàng trăm gia đình và xã hội. Tại Bình Dương, vụ cháy quán karaoke An Phú xảy ra vào tháng 9/2022 tại thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương, làm 32 người tử vong và 17 người bị thương một lần nữa khiến người dân bàng hoàng, bất an về những tai nạn liên quan hỏa hoạn. Tại Hà Nội, các vụ cháy chung cư mini ở quận Thanh Xuân, cháy nhà trọ ở quận Cầu Giấy, cháy nhà ở phố Đinh Công Hạ, quận Hoàng Mai xảy ra gần đây đã cướp đi sinh mạng hơn 70 người dân.

Thời gian qua, PC07 đã đề xuất nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy; giảm nguy cơ xảy ra cháy, nổ và thiệt hại do cháy, nhất là cơ sở tập trung đông người, nguy cơ cháy, nổ cao đặc biệt là các khu nhà trọ, nhà cho thuê trọ kết hợp kinh doanh, nhà ở kết hợp kinh doanh. Trong đó, tập trung tuyên truyền hướng dẫn người dân các biện pháp, giải pháp xử lý, kỹ năng thoát nạn khi cháy, nổ; tiếp tục rà soát, thành lập mới, duy trì, phát huy hiệu quả mô hình “Tổ liên gia - Điểm chữa cháy công cộng”... Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ Công an thành phố đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã tăng cường rà soát các tuyến hẻm sâu, xe chữa cháy không thể tiếp cận trong khu dân cư để từ đó có cơ sở chuẩn bị các điều kiện về giao thông, nguồn nước kịp thời xử lý sự cố ngay từ khi mới phát sinh. Các chính sách về quy chuẩn trong thiết kế, xây dựng công trình nhà ở, nhà xưởng, tòa nhà,... được các cơ quan chức năng quyết liệt thực hiện nhằm tránh tình trạng làm sai quy định, dẫn đến nguy cơ cháy nổ tiềm ẩn.

Các biện pháp “cứng” đã và đang được thực hiện quyết liệt, song có một giải pháp vừa mang lại hiệu quả bền vững, dễ thực hiện chính là nâng cao nhận thức, kiến thức về phòng chống cháy nổ cho người dân, trẻ em. Bởi một ý thức nhỏ về vấn đề này đều có thể phòng ngừa một vụ hỏa hoạn lớn xảy ra. Một sự bất cẩn, một sự thiếu ý thức có thể gây nên một vụ cháy lớn bất cứ lúc nào.