Mới đây, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam đề xuất với Cục Đường bộ Việt Nam cho chủ đầu tư đưa vào khai thác hai đoạn tuyến trên đường cao tốc Bến Lức-Long Thành với tổng chiều dài 9,5 km, gồm: đoạn từ nút giao Trung Lương (tỉnh Long An) đến nút giao Quốc lộ 1A (Thành phố Hồ Chí Minh) dài 3,4 km và đoạn từ nút giao Phước An đến nút giao Quốc lộ 51 (tỉnh Đồng Nai) dài 6,1 km. Cả hai nút giao này được chủ đầu tư là Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam đánh giá đạt gần 100% khối lượng thi công. Ông Đặng Hữu Vị, Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý các dự án đường cao tốc phía nam thuộc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam cho biết: Việc sớm đưa các đoạn tuyến đã hoàn thành vào khai thác là hết sức cần thiết nhằm phát huy tối đa hiệu quả đầu tư của dự án, phục vụ người dân, góp phần giảm tình trạng ùn tắc giao thông ở khu vực đô thị lớn như Thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, các đoạn tuyến đưa vào khai thác còn tạo thêm sự kết nối giao thông giữa các khu vực, đồng thời góp phần giảm áp lực về lưu lượng cho các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ,... và các địa bàn tuyến đi qua, cũng như kéo giảm số vụ tai nạn giao thông trong khu vực.
Ông Vị thông tin thêm, đối với đoạn tuyến từ Quốc lộ 1A đến nút giao Nguyễn Văn Tạo (Thành phố Hồ Chí Minh) dài 18,8 km dự kiến sẽ đưa vào khai thác trong quý I/2025. VEC và các đơn vị đang khẩn trương thi công hoàn thành các đoạn tuyến, phấn đấu thông xe kỹ thuật một số đoạn tuyến trong tháng 11/2024 cũng như trước dịp Tết Nguyên đán 2025. Như vậy, từ nay đến quý I/2025 sẽ có khoảng 29 km của tuyến cao tốc đưa vào hoạt động, góp phần giải tỏa rất nhiều cho hạ tầng giao thông khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai cũng như các tỉnh miền Tây. Ông Đinh Văn Táo, Kỹ sư phụ trách gói thầu A1-1 đường cao tốc Bến Lức-Long Thành đoạn giao với dự án vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh (khu vực tỉnh Long An) chia sẻ: Về cơ bản gói thầu này đã xong, có chiều dài 7,3 km. Vai trò của gói thầu rất quan trọng, khi đưa vào khai thác sẽ góp phần giải tỏa lưu lượng phương tiện giao thông từ cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương giao với cao tốc Bến Lức-Long Thành, từ đó phương tiện lưu thông vào địa phận Thành phố Hồ Chí Minh, đi đến tỉnh Đồng Nai và ngược lại.
Còn tại Thành phố Hồ Chí Minh, trên công trường thi công Gói thầu J1-cầu Bình Khánh, huyện Nhà Bè, tiến độ thi công hết sức khẩn trương. Gói thầu này được đánh giá là hai trong số 11 gói thầu quan trọng của dự án vì cầu Bình Khánh vượt sông Soài Rạp có độ tĩnh không 55m, cũng là cầu có độ tĩnh không cao nhất so với các công trình cầu đường cao tốc hiện nay. Đại diện nhà thầu (Liên Danh Shimizu-VNCN E&C) cho hay, với nhiệt độ cao, việc đổ bê-tông ban ngày là khó có thể bảo đảm chất lượng, vì vậy phải thực hiện vào ban đêm, mỗi ca thi công khoảng từ 6-8 giờ. Công trình cũng được áp dụng giải pháp thi công hiện đại nhất hiện nay. Hiện tại tiến độ của gói thầu đạt hơn 82%, được chủ đầu tư và nhà thầu nỗ lực cao nhất để đẩy nhanh tiến độ thi công.
Theo Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, ở phía tây và nam Thành phố Hồ Chí Minh có năm nút giao cao tốc Bến Lức-Long Thành, với nhiều trục đường quan trọng qua đó giúp phương tiện lưu thông dễ dàng kết nối với cao tốc này, quan trọng hơn sẽ “mở cánh cửa” kết nối giao thông liên vùng, thuận tiện hơn trong việc đi lại. Nút giao thứ nhất là nút giao Mỹ Yên (nối ba cao tốc: Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương, Bến Lức-Long Thành và đường vành đai 3), thuộc khu vực tỉnh Long An, giáp phía tây của Thành phố Hồ Chí Minh. Các nút giao khác bao gồm Nút giao với Quốc lộ 1 (huyện Bình Chánh); Nút giao với Quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh); Nút giao với đường Nguyễn Hữu Thọ và Nguyễn Văn Tạo (huyện Nhà Bè); Nút giao với đường Rừng Sác (huyện Cần Giờ) ■