Thiếu trầm trọng trường mầm non giữ trẻ ngoài giờ
Nhiều công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp đã chủ động chăm lo, nhằm giúp lao động nữ làm việc và cống hiến nhưng trên hết vẫn cần những chính sách, giải pháp thực hiện đồng bộ, thiết thực từ chính quyền thành phố.
Theo Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp thành phố, công đoàn các khu chế xuất và công nghiệp đang quản lý công tác công đoàn 17 khu chế xuất, khu công nghiệp với 732 công đoàn cơ sở, có 130.436 nữ trên tổng số 217.394 công nhân lao động (tỷ lệ gần 70%), phần lớn là công nhân ngoại tỉnh, chiếm tỷ lệ trên 50%. Song thực trạng thiếu các trường mầm non tổ chức giữ trẻ ngoài giờ tại các khu chế xuất và khu công nghiệp đang là nỗi lo lắng của hàng nghìn công nhân lao động.
Đại diện công đoàn các khu chế xuất và công nghiệp thành phố cho hay: Báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố cho thấy, tính đến cuối năm học 2023-2024, thành phố có 1.248 trường mầm non đang hoạt động (giảm 39 trường so với năm học trước); trong đó có 474 là cơ sở giáo dục công lập (38,7%) và 774 là cơ sở giáo dục ngoài công lập (61,3%), 1.955 nhóm, lớp độc lập tư thục, 266 nhóm trẻ (tối đa 7 trẻ) với 27.359 giáo viên mầm non (5.732 giáo viên nhà trẻ; 21.627 giáo viên mẫu giáo). Các cơ sở giáo dục mầm non huy động hơn 1,7 triệu trẻ em, trong đó phần đông là con công nhân được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục tại cơ sở giáo dục mầm non độc lập ngoài công lập. Số lượng nhà trẻ hiện nay rất thấp, chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu gửi con của người lao động.
Một bất cập khác, đó là thời gian hoạt động của các cơ sở giáo dục mầm non công lập gần như không khớp và khó đồng bộ với thời gian cần gửi trẻ của người lao động; trong khi công nhân tại các khu chế xuất và khu công nghiệp thường xuyên phải làm việc đến 19 giờ, làm việc theo ca vào cuối tuần nhưng các trường mầm non công lập chỉ nhận giữ trẻ đến 17 giờ 30 phút các ngày trong tuần từ thứ 2 đến thứ 6, không nhận giữ trẻ vào dịp cuối tuần và dịp nghỉ hè.
Khảo sát của công đoàn các khu chế xuất và công nghiệp thành phố cho thấy, các trường mầm non công lập chỉ đáp ứng khoảng 15% nhu cầu, 85% còn lại phải dựa vào các cơ sở giáo dục mầm non tư thục. Trong khi đó, học phí ở các trường mầm non tư thục bảo đảm chất lượng có mức học phí cao, gấp 5 đến 9 lần so với trường công lập, trong khi lương công nhân còn thấp. Cụ thể, mức lương của nữ công nhân lao động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp từ 6 đến 12 triệu đồng/tháng (mức lương này bao gồm cả lương tăng ca).
Chú trọng an sinh xã hội cho người lao động ngoại tỉnh
Theo bà Lượng Thị Tới, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố, với 70% lao động nhập cư, lao động nữ chiếm 50%, đây là thách thức lớn đặt ra cho đơn vị quản lý về nhà ở, cơ sở giáo dục mầm non nuôi dạy trẻ, nơi vui chơi... Những năm gần đây, việc phát triển các khu chế xuất, khu công nghiệp nhanh và nóng dẫn tới nhiều vấn đề cần giải quyết liên quan tới an sinh xã hội, khi cơ sở hạ tầng chưa theo kịp tốc độ tăng trưởng của kinh tế và nhân khẩu, nhất là vấn đề phát triển giáo dục mầm non nhằm đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của người lao động ngoại tỉnh.
Đại diện bộ phận công đoàn Công ty cổ phần Sài Gòn Food (Khu công nghiệp Vĩnh Lộc) cho hay, công đoàn và lãnh đạo doanh nghiệp đã quan tâm đến lao động nữ, đồng thời ưu tiên hàng đầu trong việc bảo đảm các chính sách chăm lo cho con đoàn viên, công nhân lao động nữ tại công ty. Thí dụ như nữ cán bộ nhân viên mang thai từ tháng thứ 7 và chăm nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi được tạo điều kiện cho về sớm và vẫn được hưởng nguyên lương.
Tại đây, một trong những mô hình quan tâm chăm lo tiêu biểu là thành lập hoạt động câu lạc bộ Mẹ bỉm sữa đã trợ giúp rất nhiều cho công nhân nữ, giảm giá các sản phẩm cháo cho nữ cán bộ nhân viên chăm nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi. Tuy nhiên các sân chơi cho con em công nhân chỉ mang tính chất quy mô nhỏ, chưa có kinh nghiệm tổ chức các đội nhóm, huấn luyện kỹ năng cho trẻ. Do đó, Ban Chấp hành Công đoàn Công ty cổ phần Sài Gòn Food cho rằng, chính quyền, cơ quan chuyên môn, Công đoàn thành phố cần quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, xây dựng các cơ sở y tế, giáo dục, điểm vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao miễn phí cho trẻ em tại các khu chế xuất, khu công nghiệp; xây dựng nhà trẻ, mẫu giáo cho con công nhân lao động; đồng thời, tăng cường rà soát các cơ sở giáo dục, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em bảo đảm hoạt động đúng theo quy định của pháp luật.
Công ty cổ phần US Pharma USA (huyện Củ Chi) cho biết, thực tế công nhân lao động nữ đi làm và tăng ca cho nên không có thời gian chăm sóc cho con khi bệnh, nhiều công nhân phải nghỉ làm để chăm sóc cho con và đưa con đi khám bệnh vào ngày cuối tuần. Vì vậy, trong trường hợp công nhân không thể gửi con ngoài giờ hay ngày cuối tuần do các trường mầm non nghỉ; Công đoàn thành phố cần xem xét để có chính sách hỗ trợ việc trông giữ trẻ cho công nhân lao động trong trường hợp này.
Hều hết công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp cũng phản ánh thực tế, mức hỗ trợ kinh phí cho con công nhân là trẻ em thuộc đối tượng quy định theo Nghị định số 105/2020/NĐ-CP (hỗ trợ tối thiểu 160.000 đồng/trẻ/tháng) rất chậm đến tay người lao động, có khi xác nhận năm nay nhưng năm sau mới có kinh phí. Đồng thời, một thực tế công nhân chuyển ra ngoài không còn làm việc ở khu chế xuất, khu công nghiệp sẽ bị cắt khoản hỗ trợ này.
Theo bà Lượng Thị Tới, trong khi mở thêm các trường mầm non công lập rất khó khăn, nhất là quỹ đất để đầu tư xây dựng thì doanh nghiệp nên xem xét trích một phần kinh phí để hỗ trợ chi phí sinh hoạt, học phí gửi trẻ cho người lao động. Ngoài ra, thành phố cần kiến nghị sửa đổi bổ sung các chế độ, chính sách cho lao động nữ, lao động nuôi con nhỏ theo hướng bao phủ và phù hợp hơn.