Đo lường đóng góp của các động lực tăng trưởng mới trong GDP

NDO - Các động lực mới cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam đến từ việc chuyển đổi nền kinh tế, nhất là kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và tập trung vào các ngành công nghiệp mới mà Việt Nam có nhiều tiềm năng như chip bán dẫn.
0:00 / 0:00
0:00
Việt Nam đang tập trung đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực cho các ngành công nghiệp mới nổi
Việt Nam đang tập trung đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực cho các ngành công nghiệp mới nổi

Tại phiên thảo luận ở Tổ trong chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2024, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết nền kinh tế đang phục hồi tích cực nhưng cũng đối diện với nhiều khó khăn, thách thức.

Để thúc đẩy tăng trưởng trong những tháng còn lại của năm 2024, Bộ trưởng nhấn mạnh đến yêu cầu cần tập trung vào đẩy mạnh các động lực tăng trưởng mới, bên cạnh phát huy các động lực tăng trưởng truyền thống gồm đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng.

Các động lực mới cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam đến từ việc chuyển đổi nền kinh tế, nhất là kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn… Trong đó cần tập trung vào các ngành công nghiệp mới mà Việt Nam có điều kiện tham gia sâu hơn, ví dụ như chip bán dẫn.

Tổng cục Thống kê trong cuộc họp báo gần đây đã đề cập đến những đánh giá sơ bộ về sự đóng góp của các động lực tăng trưởng mới trong GDP. Bà Nguyễn Thị Mai Hạnh, Vụ trưởng Hệ thống Tài khoản quốc gia cho biết các động lực tăng trưởng mới đã có đóng góp đáng kể vào tăng trưởng các ngành kinh tế đất nước.

Đối với lĩnh vực nông nghiệp, cuối năm 2023, Việt Nam đã có nguồn thu 51,5 triệu USD (hơn 1.200 tỷ đồng) từ bán tín chỉ carbon. Khoản chi trả này được Ngân hàng Thế giới chuyển cho Việt Nam do giảm được 10,3 triệu tấn phát thải carbon.

Như vậy, Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong khu vực Đông Á Thái Bình Dương nhận được tiền bán tín chỉ carbon rừng. Nguồn tiền thu được một phần tiền chi cho các hoạt động liên quan đến phát triển và giảm mất rừng, suy thoái rừng, nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế cho người dân làm nghề rừng.

Hiện, cả nước có 23 địa phương có sẵn dịch vụ lưu trữ carbon có thể đem trao đổi. Tuy nhiên, mới chỉ có 6 địa phương được cấp mua bán tín chỉ carbon. Thị trường mua bán tín chỉ carbon trong thời gian tới được đánh giá là rất tiềm năng.

Trong lĩnh vực năng lượng, ngành điện cũng ghi nhận sự đóng góp của điện gió, điện mặt trời vào lưới điện quốc gia, hướng đến mục tiêu phát triển năng lượng xanh. Tính đến cuối năm 2023, năng lượng tái tạo chiếm khoảng 14,3% tổng lượng điện sản xuất. Tính riêng quý I/2023, năng lượng tái tạo chiếm 17,4%, sang quý I/2024, tỷ lệ năng lượng tái tạo trong tổng sản lượng điện sản xuất tăng lên 18,3%.

Đáng lưu ý trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, ngành công nghiệp mới nổi là chip bán dẫn cũng đã có đóng góp nhất định vào tăng trưởng chung của ngành và được dự báo đang ở trong giai đoạn đón làn sóng đầu tư nước ngoài lần thứ 4 vào Việt Nam.

Hiện Việt Nam đang tập trung đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao cho các ngành công nghiệp mới nổi, sản xuất chip bán dẫn. Đơn cử như Chương trình phát triển nhân tài công nghệ năm học 2023-2024 do Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) phối hợp Tổ hợp Samsung Việt Nam tổ chức; sự kiện hợp tác với Siemen EDA phát triển hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam; Chương trình đào tạo nhân lực vi mạch bán dẫn tại Đà Nẵng….