Triển vọng bán tín chỉ carbon rừng

Trong năm qua, Việt Nam chính thức bán được 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng và thu về 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng). Đây là tín hiệu vui cho người trồng rừng. Theo lộ trình, đến năm 2025, nước ta sẽ thành lập sàn giao dịch carbon.
0:00 / 0:00
0:00
Cánh rừng nguyên sinh ở Quảng Bình. Ảnh: HOÀNG TÁO
Cánh rừng nguyên sinh ở Quảng Bình. Ảnh: HOÀNG TÁO

Nguồn lợi lớn từ bán tín chỉ carbon

Việt Nam là một trong những quốc gia giàu tiềm năng về rừng, với tỷ lệ che phủ rừng từ 40,84% năm 2015 lên 42,02% vào năm 2022; duy trì, phát triển hơn 14,7 triệu ha rừng, trong đó có 4,6 triệu ha rừng trồng.

Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Quốc Trị cho biết, năm 2023 đánh dấu một cột mốc rất quan trọng, lần đầu, lĩnh vực lâm nghiệp tại Việt Nam đã bán thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng (10,3 triệu tấn CO2) thông qua Ngân hàng Thế giới (WB) với đơn giá 5 USD/tấn, thu về 51,5 triệu USD. Đến nay, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam đã tiếp nhận số tiền thanh toán đợt một từ WB là 41,2 triệu USD và giải ngân toàn bộ để các địa phương thuộc tiểu vùng Bắc Trung Bộ lập kế hoạch chi trả chủ rừng. Khu vực Bắc Trung Bộ gồm sáu tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế có hơn 3,1 triệu ha đất có rừng, với độ che phủ 57,4% (chiếm hơn 21,2% diện tích rừng cả nước). Trước đó, vào tháng 2/2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng WB đã ký Thỏa thuận giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ giai đoạn 2018-2024.

Trong giai đoạn 2023-2025, tỉnh Quảng Bình chuyển nhượng hơn 2,4 triệu tấn CO2 và được chi trả khoảng 235 tỷ đồng, tính riêng năm 2023, nhận 82,4 tỷ đồng. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình, diện tích rừng của tỉnh được chi trả từ dịch vụ bán tín chỉ carbon là 469.317 ha trong tổng số gần 600.000 ha rừng tự nhiên.

Được biết, tín chỉ carbon rừng được tạo ra từ các hoạt động dự án giảm phát thải nhà kính, như giảm mất rừng và suy thoái rừng; tăng cường bể hấp thụ từ hoạt động trồng rừng, trồng lại rừng, tái tạo thảm thực vật và hoạt động tăng cường quản lý rừng. Chủ rừng có thể quy đổi diện tích rừng đang quản lý, bảo vệ ra lượng hấp thụ khí CO2, ra tín chỉ carbon và có thể bán tín chỉ này tại thị trường carbon qua cơ chế giảm phát thải khí nhà kính. Điều đáng mừng, không chỉ ở số tiền cụ thể, mà quan trọng hơn, Quảng Bình và các tỉnh Bắc Trung Bộ sẽ có được nguồn thu lâu dài hằng năm từ việc bán tín chỉ này.

Cần tư duy mới về rừng

Đại diện Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Sản xuất xanh, giảm phát thải khí nhà kính là cam kết lâu dài của Việt Nam tại COP26. Việc WB chi 51,5 triệu USD mua 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng giai đoạn 2018-2024 tại các tỉnh Bắc Trung Bộ nói trên là tín hiệu tích cực trong việc thúc đẩy lập sàn giao dịch carbon vào năm 2025, tạo nguồn tài chính cho Việt Nam.

Một phần khoản tiền này sẽ quay lại hỗ trợ các địa phương Bắc Trung Bộ trong việc nghiên cứu, xây dựng chính sách bảo vệ, phát triển rừng, bảo đảm sinh kế cho người dân giữ rừng. Bản chất ký kết giữa WB với Việt Nam trong việc mua 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng không hẳn mang tính thị trường. Đây là khoản hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong bảo vệ, phát triển rừng, giảm phát thải khí nhà kính. WB có một quỹ về hỗ trợ bảo vệ, phát triển rừng tại các quốc gia có diện tích rừng lớn và thay vì đưa tiền tài trợ cho Việt Nam. WB cũng yêu cầu, với lượng hấp thụ carbon khu vực rừng mà tổ chức này đã mua, Việt Nam không được bán cho đối tác khác.

Ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thông tin: Để xã hội hóa nghề rừng, phát huy giá trị đa dụng của rừng, trong Luật Đất đai (sửa đổi) đang trình Quốc hội xem xét, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có đề xuất sửa đổi một số điều, như cho phép thuê môi trường rừng để trồng dược liệu. Như vậy, thị trường carbon không chỉ hỗ trợ mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế xanh. Những công cụ hỗ trợ giảm phát thải carbon hiện nay ngoài các tiêu chuẩn, quy chuẩn còn có những công cụ kinh tế, thuế.

Về phía chuyên gia, GS Nguyễn Ngọc Lung, Viện trưởng Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng nêu quan điểm: Trước đây, rừng tự nhiên cho 400-500m3 gỗ/ha. Cũng là cánh rừng tự nhiên này nhưng đến nay, chỉ cho 150-200m3/gỗ/ha. Điều này cho thấy, chất lượng rừng không cao do nạn chặt phá, đốt rừng lấy gỗ, làm nương rẫy. Để cải thiện chất lượng rừng, Nhà nước cần quan tâm đầu tư; tăng khối lượng gỗ sẽ đồng nghĩa với tăng hấp thụ carbon và nhờ đó, tín chỉ carbon rừng cũng sẽ tăng lên.

Thế giới và Việt Nam đang tập trung theo đuổi mục tiêu phát thải ròng bằng 0, nhiệm vụ cần thiết là các cơ quan Nhà nước sớm có những định hướng thúc đẩy và hỗ trợ đưa ra các giải pháp thật sự hiệu quả trên cơ sở vì cộng đồng và thấu hiểu được các khó khăn của doanh nghiệp nhằm phát triển rừng bền vững. Cần thiết có một tư duy mới về rừng trong bối cảnh phải cân đối giữa sứ mệnh giữ rừng và tạo ra giá trị từ rừng.

Tín chỉ carbon là thuật ngữ chung cho tín chỉ có thể kinh doanh hoặc giấy phép đại diện cho một tấn CO2 (carbon dioxide), hoặc khối lượng của một khí nhà kính khác (CH4 tương đương với một tấn CO2). Mua bán sự phát thải khí CO2 hay mua bán carbon trên thị trường được thực hiện thông qua tín chỉ. Thị trường carbon được bắt nguồn từ Nghị định thư Kyoto của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, được thông qua năm 1997.