ND- Mấy chục gia đình chúng tôi ở dọc ngõ 95/8, đường Chùa Bộc (Ðống Ða, Hà Nội) chỉ cách Trường đại học Thủy lợi một bức tường. Từ sau Tết Kỷ Sửu đến nay, liên tục được chứng kiến một hiện tượng không bình thường.
Ðó là Trường đại học Thủy lợi được Nhà nước cấp kinh phí xây dựng hai nhà ở cho sinh viên (mỗi nhà cao 12 tầng, trong đó một tầng hầm, một tầng tum), với tổng diện tích xây dựng 2.172 m2. Ngày 8-10-2007, khởi công động thổ, đổ bê-tông cốt thép khoảng 80 cột trụ, sâu trong lòng đất từ 10 đến 15 m. Cột trụ hình tròn, có đường kính khoảng 0,5 m. Sau đó, công trình được "nghỉ xả hơi". Ðầu năm 2009 lại bắt đầu "vào cuộc". Nhưng, không hiểu vì sao, nửa tháng qua, bà con trong khu tập thể của trường lại chứng kiến một việc làm khó hiểu. Máy xúc, cần cẩu đào đất xuống độ sâu chừng 4 - 5 m, sau đó là dùng máy cắt bớt độ cao tất cả các trụ bê-tông. Bình quân mỗi cột trụ móng bị cắt 1,5 - 2 m (trong ảnh). Theo tính toán của người dân, các chi phí về vật liệu, công sức cho một cột trụ phần bị phá bỏ khoảng ba triệu đồng, tổng cộng khoảng 200 triệu đồng. Vậy là mới vào khâu đổ trụ cột đã lãng phí hàng trăm triệu đồng, chưa kể chi phí phá dỡ hàng rào tôn bảo vệ công trường lúc khởi công, nay được thay bằng hàng rào tôn mới giống hàng rào cũ.
Vấn đề đặt ra ở đây là công nghệ và kỹ thuật xây dựng. Tại sao không tiến hành đào đất móng nhà (tầng hầm) sau đó mới đổ trụ bê-tông để khỏi lãng phí? Nếu đã "nhỡ" đổ trụ cao ngang mặt đất rồi thì xúc đất đổ đi làm tầng hầm có đỡ tốn kém hơn không? Mong công trình ở Trường đại học Thủy lợi đừng để người dân lăn tăn về căn bệnh lãng phí trong lĩnh vực xây dựng đang diễn ra phổ biến hiện nay.
Kê Tính (Hà Nội)