“Vọng khúc ca trù” là một chương trình thuộc dự án Việt Hòa Ca của nhóm sinh viên Khoa Viết văn-Báo chí, Đại học Văn hóa Hà Nội với mong muốn giúp khán giả tìm hiểu, khám phá về giá trị văn hóa lịch sử lâu đời của loại hình nghệ thuật diễn xướng ca trù trong không gian đậm chất cổ xưa.
Tại đây, người xem được trực tiếp thưởng thức những bản hòa tấu kinh điển, giao lưu, trò chuyện và thoải mái trình bày câu hỏi với các nhân vật trong buổi biểu diễn là ca nương, quan viên và kép đàn để hiểu hơn về đặc trưng cơ bản của loại hình nghệ thuật truyền thống ca trù.
Khách tham quan tìm hiểu thông tin, hình ảnh về ca trù. |
Bên cạnh việc biểu diễn, talkshow với chủ đề “Tinh hoa văn hóa ca trù” do MC Trịnh Lê Anh dẫn dắt, với sự tham gia của các diễn giả: nhà nghiên cứu, Tiến sĩ Nguyễn Đức Mậu; Nghệ nhân Dân gian, Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Văn Khuê; ca nương Nguyễn Thúy Hòa mang đến cho khán giả cái nhìn sâu sắc, đưa ra giải pháp, hướng đi của ca trù trong tương lai.
Nói về việc bảo tồn của ca trù trong đời sống đương đại, nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Mậu nhấn mạnh: “Công việc bảo tồn ca trù được đặt ra từ lâu, rất nhiều người nghĩ nên đưa vào nhà trường để học sinh tiếp cận, cũng có ý kiến cho rằng đấy là sự áp đặt với học sinh bởi hiện nay có quá nhiều loại hình truyền thống. Tôi cho rằng, những nơi bắt đầu ca trù là nơi cần được tạo điều kiện để nuôi dưỡng thế hệ bởi đấy là nơi sống dậy dễ nhất của ca trù, ở đó có những con người yêu ca trù, có trách nhiệm giữ gìn dòng máu của họ”.
Các diễn giả trao đổi trong talkshow. |
Những tiết mục hòa tấu kinh điển ca trù được các ca nương thể hiện trên sân khấu là “Đào hồng đào tuyết”, “Hát nói dở gửi thư” và “Dựng huỳnh nói huỳnh”, “Hát thơ”, mang đến cho khán giả một trải nghiệm chân thực về nghệ thuật diễn xướng đặc biệt này.
Ca nương Đinh Thị Vân chia sẻ: “Tôi cảm thấy vui khi biểu diễn trong không gian chứa đựng giá trị văn hóa, lịch sử. Sự kết hợp của ca trù đối với nơi gắn bó cả trăm năm ở đất Hà Nội là lựa chọn hợp lý để đưa ca trù về đúng không gian biểu diễn. Sự giao thoa giữa nghệ thuật và không gian càng trỗi lên mong muốn tình yêu nghệ thuật của chính người trong nghề có thể lan tỏa tới mọi người. Trước kia, ca trù chủ yếu được hát trong phủ chúa, cửa quan, cửa quyền, sau đó mới đến đình làng. Với tôi, chỉ cần được khán giả đón nhận và yêu thích nghệ thuật ca trù thì không gian nào cũng phù hợp”.
Sự kiện thu hút đông đảo khán giả xem và trải nghiệm văn hóa ca trù. |
Đại diện nhóm Việt Hòa Ca, bạn Nguyễn Văn Tân cho biết, nhóm lựa chọn tổ chức tại Hội quán Phúc Kiến nhằm kết hợp giá trị kiến trúc, lịch sử lâu đời với một loại hình nghệ thuật độc đáo của người Việt, tạo thêm giá trị thu hút khách du lịch trong nước và ngoài nước biết đến ca trù. Bên cạnh đó, nhóm mong muốn hơi thở di sản vào cuộc sống đương đại để những người yêu thích ca trù thêm cảm xúc, những người chưa biết sẽ biết đến.
Từ một bài tập nhỏ trên giảng đường, qua sự tìm hiểu và hứng thú nghiên cứu về ca trù, nhóm sinh viên Đại học Văn hóa Hà Nội đã góp phần nhỏ vào việc đưa nghệ thuật ca trù đến với công chúng thông qua sự kiện “Vọng khúc ca trù”. Sự giao lưu của các diễn giả là người nghiên cứu, làm nghề đã mang đến kiến thức thú vị về đặc trưng, nhịp điệu của ca trù. Đồng thời, thúc gợi sự quan tâm hứng thú từ thế hệ trẻ để nền văn hóa dân tộc nói chung và ca trù nói riêng ngày càng phát triển trong thời đại số.