Ca trù – Những tín hiệu đáng mừng

NDO -

NDĐT – Sau một thời gian trầm lắng, những nỗ lực của các nghệ nhân, các nhà nghiên cứu và những người yêu mến bộ môn nghệ thuật truyền thống này đã có những kết quả ban đầu. Ca trù đã bắt đầu bén rễ và xanh tươi trong công chúng, với nhiều CLB, giáo phường tự quản và những giọng ca còn rất trẻ.

 Ca trù – Những tín hiệu đáng mừng

Liên hoan giọng hát ca trù trẻ Hà Nội 2016, tuy chỉ ở quy mô nhỏ nhưng cũng đã tập hợp được tới 10 CLB trên địa bàn Hà Nội, với gần 100 thí sinh dự thi ở cả hai bộ môn đào nương và kép đàn. Liên hoan giống như một cuộc biẻu dương lực lượng nho nhỏ, mà mặc dù số lượng còn khiêm tốn rất nhiều so với chính những liên hoan hay cuộc thi âm nhạc truyền thống khác, nhưng vẫn đem đến niềm vui ấm áp cho những người tham dự, bởi sự hồi sinh của bộ môn tưởng chừng đã thất truyền sau gần nửa thế kỷ này.

Có mặt tại Liên hoan là 10 CLB, giáo phường ca trù gồm Lỗ Khê, Phú Thị, Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam, Chanh Thôn, Thăng Long, Thái Hà, Thượng Mỗ, Ngãi Cầu, Đồng Trữ và các thí sinh tự do. Các CLB đều giới thiệu những thí sinh còn rất nhỏ tuổi, đặc biệt có Nguyễn Thục Trinh của CLb Lỗ Khê mới 7 tuổi, Nguyễn Thị Hà My của CLB Thượng Mỗ 8 tuổi, một số thí sinh khác cũng chỉ 9-10 tuổi. Các em đều trình diễn rất tự tin, thuộc bài, hát đúng kỹ thuật và nhận được nhiều lời khen ngợi của các chuyên gia.

 Ca trù – Những tín hiệu đáng mừng ảnh 1

Ca nương nhí lứa tuổi 7-10 tại Liên hoan ca trù trẻ.

Đạt được thành quả này là nỗ lực không nhỏ của nhiều nghệ nhân cao tuổi vẫn đang ngày đêm lặng lẽ thuyết phục và truyền nghề cho từng đứa trẻ. Nghệ nhân Ngô Văn Đản, CLB UNESCO âm nhạc truyền thống Hà Nội cho biết, hiện nay tại nhà ông vẫn đang mở lớp học các loại hình âm nhạc dân gian truyền thống như ca trù, chèo, hát văn. Có những cháu nhỏ 9-10 tuổi vẫn theo học. Tuy CLB của ông không có tiết mục dự thi ở Liên hoan, nhưng ông vẫn góp mặt đều đặn bởi muốn tận mắt chứng kiến, hòa nhập vào dòng chảy lời ca tiếng hát của những đào nương tuổi đời còn rất trẻ. Nhận xét về lứa đào nương nhí này, ông nói: “Các cháu rất triển vọng, tôi nghe từ sáng đến giờ, thấy các cháu hát chuẩn lắm, cả về phách và giọng. Mấy kép đàn trẻ chơi cũng rất tốt. Nhất là các cháu Lỗ Khê và cháu nhỏ 7 tuổi ở Phú Thị”.

Bà Nguyễn Thị Tứ, CLB ca trù Chanh Thôn, Phú Xuyên, Hà Nội cũng chia sẻ về những ngày tháng nhọc nhằn thuyết phục các em nhỏ học ca trù: “Chúng tôi phải thuyết phục các cháu rằng đây là vốn văn hóa cổ truyền của dân tộc, Nhà nước sẽ duy trì và bảo vệ, các em, các cháu học tốt, hát tốt sẽ được đi thi ở Hà Nội. Thậm chí, chúng tôi còn phải “dỗ” các cháu nhỏ bằng kẹo, bánh, nói chuyện với các cháu. Cái khó hiện nay là CLB không có kinh phí hoạt động, người học ca trù lại không thể kiếm sống bằng nghề, nên rất khó thuyết phục gia đình các cháu”. Được biết, CLB ca trù Chanh Thôn đã duy trì từ năm 2008 đến nay với nhiều lứa học trò, trong đó lứa hiện nay nhỏ tuổi nhất, khoảng 8-9 tuổi.

GS Tô Ngọc Thanh, một trong những người tâm huyết và nặng lòng với ca trù không thể giấu được sự phấn khởi: “Tôi vui lắm, ca trù của chúng ta từ chỗ bên bờ vực thất truyền, được UNESCO xếp vào hạng cần bảo vệ khẩn cấp, cho đến ngày nay được như thế này là một bước tiến rất dài và rất đáng để vui mừng”.

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền cũng cho rằng, hiện tại xét về mặt quy mô, phong trào, số lượng thì kết quả này là rất đáng mừng: “Chúng ta đã có một tình yêu với ca trù và phong trào phổ biến ở rất nhiều tỉnh thành, điều đó là đáng mừng. Rất nhiều địa phương thành lập câu lạc bộ ca trù và nếu so với cách đây tầm 10 năm khi chúng ta làm hồ sơ về ca trù để đưa lên UNESCO thì đấy là điều vô cùng phấn khởi. Ít nhất bây giờ công chúng bắt đầu biết đến một di sản ca nhạc, một thể loại vô cùng quý giá là ca trù”.

Việc những thí sinh còn rất nhỏ tuổi vẫn tham gia học và biểu diễn ca trù cũng là tín hiệu vui đối với bộ môn nghệ thuật này. GS Tô Ngọc Thanh nói: “Trong cuộc thi toàn các cháu nhỏ, nhỏ nhất là 7 tuổi. Cháu 7 tuổi rất giỏi, phát âm tròn vành rõ chữ, giọng đẹp, ngắt câu ngân dài đâu vào đấy. Ngày xưa muốn hát được như cháu thì phải mất từ 3-4 năm cho đến 5 năm. Bởi vì bây giờ trí tuệ của trẻ em khác với chúng tôi ngày xưa. Chúng tôi ngày xưa là những nông dân sống bó hẹp ở trong làng xã, nhưng bây giờ trẻ em thông minh hơn, con mắt nhìn cũng nhanh hơn. Bây giờ có khi chúng tôi phong danh hiệu nghệ nhân cho những người mới hai mấy tuổi. Ngày xưa là sống lâu lên lão làng, còn bây giờ lớp trẻ có kiến thức, chiếm lĩnh được những đỉnh cao khoa học và nghệ thuật, khác hẳn ngày xưa”.

 Ca trù – Những tín hiệu đáng mừng ảnh 2

Tuy nhiên, nói như GS Tô Ngọc Thanh, thì ca trù cũng mới chỉ ra khỏi ngưỡng “cần bảo vệ khẩn cấp”, vẫn còn rất nhiều điều phải làm: “Chúng ta phải nhìn về tương lai nữa, vì hôm nay đã ra khỏi nguy cơ nhưng sẽ tiếp tục như thế nào…” Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền cũng chia sẻ những băn khoăn về việc bảo vệ một nghệ thuật ca trù chuẩn cổ điển, về chất lượng ca trù: “Vậy thì từ góc độ phong trào, từ góc độ công chúng, tôi có thể nói là chúng ta đã thoát khỏi tình trạng khẩn cấp so với trước khi làm hồ sơ. Còn tất nhiên để gọi là bảo tồn hoàn hảo thì còn phải mất rất nhiều thời gian, công sức của các nhà nghiên cứu, đào kép và nhà quản lý để có thể quay lại thể loại ca trù cổ điển. Bởi vì đây là thể loại cổ điển bậc nhất, khó nhất và có tính nghệ thuật cao nhất trong nền âm nhạc cổ truyền Việt Nam, bảo tồn không dễ chút nào”.

Một cuộc liên hoan trong phạm vi Thủ đô thôi cũng đã đem lại rất nhiều tín hiệu đáng mừng và niềm vui cho người trong cuộc. Nhưng để những niềm vui và tín hiệu mừng đó kéo dài, thì việc “giữ lửa” không thể thiếu bàn tay của nhà quản lý, với những chính sách hỗ trợ hữu hiệu để cho người dân tin tưởng và tiếp tục nuôi niềm đam mê với ca trù, bắt đầu từ việc truyền lửa cho những thế hệ kế tiếp.