Bằng tình yêu và niềm say mê của mình, nghệ nhân đàn đáy Nguyễn Văn Khuê (ảnh bên) đã trở thành cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, góp phần truyền giữ, quảng bá nghệ thuật ca trù đến với khán giả trong và ngoài nước.
1. Nghệ nhân Nguyễn Văn Khuê là hậu duệ của dòng tộc họ Nguyễn có bảy đời làm nghề và truyền nghề ca trù liên tục - đã sản sinh ra Giáo phường ca trù Thái Hà. Sinh ra và lớn lên giữa cái nôi ca trù của Hà Nội, nghệ nhân đồng hành với cây đàn đáy - người bạn của mình từ thuở thơ ấu. Trong những ngày lễ, ngày Tết, thân phụ của nghệ nhân Nguyễn Văn Khuê là nghệ nhân Nguyễn Văn Mùi thường mời các nghệ nhân ca trù về số 27 Thụy Khuê để hát thờ. Hồi tưởng lại những ngày mình còn thơ bé, nghệ nhân ngoài 60 tuổi rưng rưng: "Thời đó, ca trù bị coi rẻ, nhiều đào nương, kép đàn không dám nhận mình là người trong nghề. Chỉ có duy nhất ngày lễ, ngày Tết, những người như bà Quách Thị Hồ, bà Phó Thị Kim Đức mới về hát thờ…".
Lúc mới đầu nghe ca trù từ những ca nương đệ nhất bộ, kép đàn Văn Khuê đã cảm thấy thích và yêu vô cùng, nhưng phải đi vào tập luyện thật sự mới cảm thấy khó. Ông nhớ lại: "Mỗi một ngón đàn đều rất khó, học tiếng nào biết tiếng đó, mỗi ngày học một kiểu, mỗi bài đánh một khác, rất khó để có thể tìm ra quy luật. Điều này khiến tôi ngày càng cảm thấy chán nản". Dù khó khăn là vậy, nghệ nhân Nguyễn Văn Mùi vẫn bền bỉ rèn cặp, đồng hành trong suốt quá trình học tập của nghệ nhân Khuê, và chính nhờ sự động viên đó mà ca trù Việt Nam có được nghệ nhân kép đàn ưu tú Nguyễn Văn Khuê của ngày hôm nay.
Được học ca trù từ các nghệ nhân Phó Đình Kỳ (anh trai ca nương Phó Thị Kim Đức), cụ Đinh Khắc Ban rồi tốt nghiệp Nhạc viện Hà Nội, bắt đầu đi làm, ông Khuê nhận thấy: "Năm tháng qua đi tôi được học hỏi rất nhiều, ngôi trường chính là ngôi nhà của tôi, sự giữ gìn ngọn lửa ca trù trong dòng tộc đã gieo vào trong tôi tình yêu mãnh liệt với ca trù, từ đó, tôi kết nối được với truyền thống cha ông". Đến giờ nghệ nhân Văn Khuê tự hào đã có 50 năm gìn giữ nghệ thuật ca trù của dòng họ và thực hiện được tâm nguyện "giữ lấy nghề" mà thân phụ ông luôn đau đáu.
2. Vào khoảng thập niên 90 của thế kỷ trước, sau khi ông Tôn Thất Tiết (nhạc sĩ người Pháp gốc Việt) về Việt Nam để tìm hiểu về nghệ thuật ca trù, đến năm 1993, nhóm nghệ nhân Ca trù Thái Hà là một trong những sứ giả đầu tiên của Việt Nam mang nghệ thuật ca trù đi ra thế giới, đầu tiên là ở Pháp. Cùng năm đó, ca trù Việt Nam cùng nhã nhạc cung đình Huế được mời sang Pháp biểu diễn.
Ông Khuê xúc động kể lại: "Lần thứ hai, Thị trưởng Paris mang máy bay lên thẳng đến đón đoàn Ca trù Thái Hà Việt Nam. Sau đó, chúng tôi đã đi biểu diễn, giới thiệu nghệ thuật ca trù ở nhiều địa phương trên nước Pháp, họ nghe ca trù một cách trân trọng vô cùng". Sau khoảng thời gian đó, ca trù được biết đến rộng rãi, Câu lạc bộ Ca trù Thái Hà liên tục được mời sang Anh, Pháp, Italy, Hà Lan, Bỉ… để biểu diễn.
Vào năm 2002, Quỹ Ford tài trợ một khoản kinh phí lớn cho dự án truyền dạy nghệ thuật rối nước và ca trù, Cục Nghệ thuật biểu diễn kết hợp cùng Quỹ Ford đã mời gia đình nghệ nhân Nguyễn Văn Khuê và nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc đến dạy cho những hạt nhân của 13 câu lạc bộ ca trù trên toàn quốc với mong muốn "hồi sinh" ca trù. Các nghệ nhân Câu lạc bộ Ca trù Thái Hà đã không giấu nghề, mà thống nhất truyền lại tất cả những khổ phách khuôn, tiếng hát khuôn, tiếng đàn khuôn của giáo phường Ca trù Thái Hà. "Phải lan truyền rộng rãi ca trù, nếu chỉ truyền giữ trong dòng họ thì không ai biết được cái hay, cái đẹp" - nghệ nhân Nguyễn Văn Khuê cho biết.
Nỗ lực của các nghệ nhân, các cơ quan quản lý và những người yêu di sản văn hóa truyền thống Việt đã được đền đáp xứng đáng. Ngày 1/10/2009, UNESCO chính thức ghi danh ca trù vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.
Giờ đây, nguồn mạch của nghệ thuật ca trù đã vượt thoát được giai đoạn gian khó nhất, được biết đến và yêu mến rộng rãi cả trong nước và quốc tế. Vậy nhưng, nỗi lo mai một, biến tấu những giá trị nghệ thuật đã được gìn giữ qua rất nhiều thăng trầm của thời cuộc thì vẫn hiển hiện.
"Điều đáng lo ngại nhất bây giờ với các bạn trẻ khi học ca trù đó là không có khả năng làm thơ, bởi vậy ca trù mất đi tính sáng tạo, chỉ còn lại những bài bản của các bậc thi hào xưa. Để tiếp tục lưu giữ nghệ thuật ca trù, chúng tôi đã làm tất cả những gì có thể, mỗi năm đều đầu tư kinh phí cho những câu lạc bộ có tiếng để đào tạo các cháu lớp 1, lớp 2 nhằm phục dựng ca trù, nhưng thật sự rất khó. Để yêu ca trù và gắn bó với ca trù phải mất vài chục năm, trong khi tính triết lý của ca trù rất sâu và rất khó để thế hệ trẻ có thể tiếp cận ngay", nghệ nhân Khuê đau đáu chia sẻ.