Muốn bảo tồn ca trù đúng, phải nắm được âm luật

NDO -

NDĐT – Việc nhiều địa phương đều đã có các giáo phường hay CLB ca trù như hiện nay là điều vô cùng đáng mừng đối với giới nghiên cứu và những ai tâm huyết với bộ môn nghệ thuật cổ truyền này. Tuy nhiên theo nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền, không phải đào nương, kép đàn nào cũng hiểu được và chơi đúng, hát đúng. Vì vậy, cách bảo tồn tốt nhất là phải nắm được âm luật của ca trù.

Các ca nương đoạt giải tại Liên hoan tài năng trẻ ca trù.
Các ca nương đoạt giải tại Liên hoan tài năng trẻ ca trù.

Những tín hiệu tốt từ phong trào

Tại sự kiện gần đây nhất liên quan đến ca trù là Liên hoan tài năng trẻ ca trù Hà Nội, có tới gần 100 thí sinh tham gia ở cả hai phần kép đàn và đào nương, trong đó thí sinh từ 6 đến 15 tuổi chiếm tới gần 63%, thí sinh ở độ tuổi từ 16 đến 30 tuổi chiếm hơn 37%. Đây là thí sinh của 10 CLB, giáo phường ca trù của các quận huyện trên địa bàn Hà Nội, trong đó có những CLB lâu năm, hoạt động chuyên nghiệp nhưng cũng có những CLB mới thành lập trên dưới một năm. Đặc biệt, có sáu thí sinh dưới 10 tuổi, trong đó có thí sinh Nguyễn Thục Trinh của CLB Lỗ Khê mới bảy tuổi nhưng đã nhận được những đánh giá rất cao của ban giám khảo.

 Muốn bảo tồn ca trù đúng, phải nắm được âm luật ảnh 1

Ca nương 7 tuổi Nguyễn Thục Trinh.

GS Tô Ngọc Thanh, năm nay đã 87 tuổi nhưng vẫn nhiệt tình nhận lời làm BGK của cuộc thi. Khi công bố kết quả và trao giải cho các thí sinh, ông đã vui mừng đến mức nói: “Tôi năm nay đã 87 tuổi rồi, có thể yên tâm được rồi. Các cháu nhỏ ở đây nếu ví ca trù ở các mức độ như tiểu học, trung học và đại học thì hầu hết đều đã nhỉnh hơn mức tiểu học một chút. Giữa thời buổi thông tin hỗn độn như hiện nay, cháu nhỏ nào yêu thích và lựa chọn theo học ca trù là điều vô cùng đáng quý, bởi vì ca trù rất khó. Thí sinh nhỏ tuổi nhất Nguyễn Thục Trinh phát âm tròn vành rõ chữ, chất giọng đẹp, ngắt câu, ngân dài đâu vào đấy. Ngày xưa muốn hát được như cháu thì phải mất từ 3-4 năm cho đến 5 năm. Trẻ nhỏ bây giờ thông minh, có kiến thức, học nhanh và cũng đang dần chiếm lĩnh những đỉnh cao về khoa học, nghệ thuật”.

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền cũng chung nhận xét về khía cạnh phong trào: “Rất nhiều địa phương thành lập câu lạc bộ ca trù và nếu so với cách đây tầm 10 năm khi chúng ta làm hồ sơ về ca trù thì đấy là điều vô cùng mừng. Công chúng đã biết đến một loại hình âm nhạc truyền thống là ca trù. Tuy nhiên nếu nói về chất lượng thì cũng còn rất nhiều vấn đề. Nhất là tình trạng hát sai, đàn sai, hát phô, đàn phô rất phổ biến như hiện nay. Thậm chí ở cả những đào nương, kép đàn đã thành danh cũng vẫn hát sai, đàn phô mà hoàn toàn không biết”.

Bảo tồn không dễ

Phân tích với những loại hình âm nhạc truyền thống khác cũng đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể thế giới như đờn ca tài tử, quan họ, hát xoan… nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền nói: “Những loại hình này đều dễ dàng truyền dạy và phổ biến bởi đều có âm luật rõ ràng. Đờn ca tài tử là “hò xự xang xê cống”, hơi này phải rung nốt này, hơi kia phải rung nốt kia, có bao nhiêu nốt nhạc . Quy luật vận hành của âm điệu đó phổ cập từ hơn 100 năm nay, rất phổ biến cho nên người học cũng dễ và việc lưu truyền và bảo tồn cũng vô cùng dễ. Hát xoan có đặc điểm là một thể loại âm nhạc dân gian khu biệt trong bốn phường xoan của Phú Thọ, gắn với địa phương, và chỉ gắn với tục thờ thành hoàng, rất giản dị và cấp độ nghệ thuật rất đơn giản, hát rất dễ. Hát xoan ở cấp độ nghệ thuật thấp hơn rất nhiều so với ca trù. Ca trù là một thể loại nghệ thuật chuyên nghiệp, đã hình thành từ 1.000 năm nay và cấp độ nghệ thuật ở bậc cao nhất trong âm nhạc cổ truyền, về số lượng bài hát, làn điệu, phương pháp và giai điệu vận hành khó bậc nhất. Vì thế nếu bảo tồn hát xoan dễ bao nhiêu thì bảo tồn ca trù ngược lại, càng khó bấy nhiêu”.

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền cũng cho biết, thậm chí hiện nay nhiều đào nương, kép đàn thành danh cũng không nhận ra là mình đàn phô, hát chênh: “Nhiều nghệ nhân nói với tôi là có những ca nương, kép đàn chơi không phách.Thí dụ một khổ giữa chuyển sang khổ xiết, phải hiểu mới biết các cụ lẩn phách như thế nào, các cụ bỏ phách và về phách cái như thế nào, còn người không biết lại tưởng lúc đó không có phách. Cho nên người ta mới gọi là biết đánh phách hay không đánh phách, là phải nắm được cấu trúc luồn ở bên dưới của làn phách trong ca trù. Phách trong ca trù vô cùng quan trọng, thể hiện cấu trúc của thể cách và bài bản. Nếu không thể hiện được khổ phách đó thì sẽ phá vỡ cấu trúc , phá vỡ những đặc trưng về tiết tấu của ca trù. Như thế các cụ gọi là hát không có phách. Hát ca trù không có nghĩa là cứ hát và cứ róc phách đều là biết gõ phách đâu, ca trù hoàn toàn khác”.

Giải pháp nào?

 Muốn bảo tồn ca trù đúng, phải nắm được âm luật ảnh 2

Ngoài ca nương, cũng có những lứa kép đàn bắt đầu tiếp nối người đi trước.

Theo nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền, giải pháp khả thi nhất là các nhà nghiên cứu phải tìm hiểu từ trong kho tàng băng đĩa trong hơn 100 năm qua, đúc kết được âm luật của ca trù, từ đó mới có thể bảo tồn ca trù được đúng. Anh cho biết, hiện nay một số viện nghiên cứu và cá nhân vẫn còn lưu giữ được những băng đĩa thu thanh của các đào nương, ca nương từ hồi đầu thế kỷ 20 như Đào Mộng Hoàn, Chu Thị Bốn, Chu Thị Năm…, các đào nương, kép đàn thế hệ sau và cho đến tận những thế hệ cuối cùng gần đây nhất như Quách Thị Hồ, Nguyễn Thị Chúc, Nguyễn Thị Phúc, Đinh Thị Bản, Đinh Thị Nghĩa, Phó Thị Kim Đức… Từ những tư liệu âm thanh này, phải nghiên cứu, đúc kết âm luật của ca trù, từ đó điều chỉnh lại những gì đã làm sai.

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền cho hay, cách tốt nhất và hiệu quả nhất là để các nghệ nhân lão thành hiệu chỉnh cho các ca nương, kép đàn, nhưng cách này hoàn toàn không khả thi vì các nghệ nhân hiện nay đều đã ngoài 80 tuổi cả rồi, sức yếu. Cụ Nguyễn Phú Đẹ hiện nay đang ốm rất nặng từ hồi đầu năm, hoàn toàn không còn khả năng truyền dạy. Anh nói: “Ngày xưa không cần rút ra âm luật bởi vì các đào nương và kép đàn có môi trường nghề nghiệp rất tốt. Họ học mót từ nhau và khi hát đều được các thế hệ đào và kép đi trước chỉ dạy, chỉnh huấn lại cho. Bây giờ chủ yếu học lại từ băng đĩa, mà ca trù là thể loại không học qua băng đĩa được vì rất khó”.

“Hiểu được âm luật không chỉ giúp bảo tồn ca trù được chính xác hơn, mà còn đỡ cho đào nương và kép đàn rất nhiều. Hiểu được nó thì mới bảo tồn được chính xác hơn. Chứ hiện nay sự lệch lạc và mai một là điều chúng ta có thể thấy rất rõ ” – anh nhấn mạnh.