Nhờ những nỗ lực đó, từ năm 2022, xã Chi Lăng được công nhận là xã nông thôn kiểu mẫu và được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phát triển kinh tế số trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn I.
Xây dựng thôn thông minh
Đến thôn Quán Thanh, xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng chúng tôi nhận thấy sự thay đổi rõ nét, mọi đường làng, ngõ xóm đều được trồng các loài hoa, đua nhau nở hai bên đường; thêm vào đó là hệ thống đèn chiếu sáng đường thôn, camera an ninh, môi trường xanh-sạch-đẹp…
Ông Hoàng Văn Long, người dân thôn Quán Thanh vui vẻ nói: Hiện nay, các thông tin liên quan đến hoạt động, phong trào của thôn, xã đều được Trưởng thôn, chính quyền xã thông báo đến chúng tôi qua nhóm zalo, facebook. Bên cạnh đó, gia đình tôi đã đưa sản phẩm na lên bán qua các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội.
Tổ công nghệ số của thôn Quán Thanh, xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng (Lạng Sơn) đến các hộ gia đình trong thôn hướng dẫn người dân đăng ký cửa hàng số. |
Ông Nguyễn Văn Cường, Bí thư Chi bộ, trưởng thôn Quán Thanh cho biết: Trước đây, mỗi khi chuẩn bị triển khai nội dung công việc của thôn, của xã, huyện... thì trưởng thôn phải đi đến từng nhà để thông báo. Còn hiện tại, nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội, cho nên khối lượng công việc trên giảm đi rất nhiều.
Theo đó, mọi công việc trước khi triển khai, người hoạt động không chuyên trách ở thôn đều thông báo vào nhóm zalo để người dân biết và nắm trước. Thông qua đó, Bí thư chi bộ, trưởng thôn cũng nhận được nhiều ý kiến đóng góp, chia sẻ, phản ánh của người dân một cách nhanh chóng và kịp thời giải quyết vấn đề xảy ra.
Bộ đội Biên phòng Lạng Sơn nỗ lực thực hiện chuyển đổi số
Cùng đó, thôn cũng đã thành lập tổ công nghệ số cộng đồng để tổ chức triển khai phát triển cửa hàng số, tài khoản thanh toán điện tử, hỗ trợ các hộ dân đăng ký cửa hàng số; lắp đặt mạng wifi miễn phí ở nhà văn hóa thôn phục vụ cho các cuộc hội họp, sinh hoạt của người dân…
Đưa nông sản vươn xa
Ông Trần Minh Tuấn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Chi Lăng chia sẻ, xã có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất nông nghiệp với nhiều loại nông sản đa dạng. Đi đôi với đó, việc tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ luôn được cấp ủy, chính quyền xã quan tâm. Vì vậy, từ năm 2021, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Chi Lăng lựa chọn xã Chi Lăng là xã điểm thực hiện phát triển kinh tế số.
Người dân thôn Quán Thanh, xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng (Lạng Sơn) đăng ký bán quả na trên sàn thương mại điện tử. |
Từ những nội dung đã được tập huấn, xã đã phối hợp với Bưu điện huyện mở lớp tập huấn cho lực lượng nòng cốt là các cán bộ, công chức xã, trưởng các tổ chức đoàn thể, công an, bí thư chi bộ, trưởng thôn. Qua đó, 100% lực lượng nòng cốt đều thuần thục kỹ năng trên sàn thương mại điện tử, phục vụ tốt cho việc hướng dẫn người dân trong thôn thực hiện phát triển kinh tế số.
Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân xã phối hợp với Bưu điện huyện, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cùng tổ chức các lớp tập huấn trực tiếp tại các thôn, hướng dẫn người dân cách tạo tài khoản trên sàn thương mại điện tử, cách bán hàng trên sàn thương mại điện tử. Đồng thời, đội ngũ cán bộ ngân hàng hướng dẫn người dân làm thẻ ngân hàng nhằm dễ dàng cho việc thanh toán trên sàn thương mại điện tử.
Người dân thôn Quán Thanh, xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng (Lạng Sơn) kiểm tra hệ thống tưới nước tự động qua điện thoại thông minh. |
Để thay đổi nhận thức của người dân về chuyển đổi phương thức bán hàng truyền thống sang nền tảng công nghệ, xã thành lập các tổ công nghệ cộng đồng phát triển kinh tế số. Theo đó, trên địa bàn xã có 11 tổ, mỗi tổ từ 5 đến 7 người. Các tổ công nghệ cộng đồng này có nhiệm vụ tiếp tục triển khai trực triển phát triển cửa hàng số, tài khoản thanh toán điện tử trên địa bàn các thôn như: hướng dẫn trực tiếp các hộ đăng ký cửa hàng số và tài khoản thanh toán điện tử, hỗ trợ hộ dân mua bán sản phẩm hàng hoá trên sàn Thương mại điện tử.
Ông Chu Văn Thương, Trưởng thôn Bãi Hào, xã Chi Lăng cho biết: Để vận động người dân trong thôn tham gia chương trình phát triển kinh tế số, tổ công nghệ cộng đồng trực tiếp tuyên truyền, hướng dẫn người dân đăng ký tài khoản trên sàn Thương mại điện tử tại các buổi họp thôn, đồng thời, phân chia 2 hoặc 3 người phụ trách hướng dẫn 20 hộ dân, trong đó, chúng tôi hướng vào các đối tượng trẻ, nắm bắt nhanh về công nghệ.
Nhờ nỗ lực thực hiện các giải pháp trên, hiện nay, xã Chi Lăng có 810/1.280 hộ có gian hàng trên sàn giao dịch điện tử postmart.vn, đạt 63,2%, tất cả các hộ đều có tài khoản thanh toán điện tử như: ví VietnamPostPay, các loại tài khoản của nhiều ngân hàng khác nhau. Các sản phẩm được giao dịch qua sàn Thương mại điện tử gồm các mặt hàng nông sản như: xoài, na, nụ vối, măng ớt, hành, tỏi khô…
Công an xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng (Lạng Sơn), kiểm tra an ninh trật tự tại các thôn bản qua hệ thống camera an ninh. |
Bí thư Đảng ủy xã Chi Lăng, Lăng Văn Thạch khẳng định: Việc thực hiện chương trình kinh tế số đã từng bước đi vào đời sống người dân xã như một nhu cầu thiết yếu của quá trình phát triển sản xuất, giúp chuyển đổi phương thức mua, bán truyền thống sang nền tảng công nghệ số, bảo đảm đầu ra sản phẩm đa dạng, giá thành ổn định.
Thời gian tới, xã tiếp tục hỗ trợ người dân phát triển các cửa hàng số, đưa các mặt hàng nông sản lên sàn thương mại điện tử nhằm quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng trong và ngoài nước, giảm áp lực trong khâu tiêu thụ, thanh toán, vận chuyển nhanh chóng.