Bộ đội Biên phòng Lạng Sơn nỗ lực thực hiện chuyển đổi số

NDO - Những năm gần đây, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn luôn nỗ lực cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số, nhờ đó đã tạo những chuyển biến đột phá trong đơn giản hóa quy trình thủ tục biên phòng ở các cửa khẩu, góp phần tạo sự thông thoáng, thuận lợi cho hoạt động lưu thông biên giới.
0:00 / 0:00
0:00
Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Lạng Sơn (Việt nam), phối hợp Trạm Biên phòng Hữu Nghị Quan, Quảng Tây (Trung Quốc), phát tờ rơi tuyên truyền pháp luật cho du khách qua lại cửa khẩu.
Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Lạng Sơn (Việt nam), phối hợp Trạm Biên phòng Hữu Nghị Quan, Quảng Tây (Trung Quốc), phát tờ rơi tuyên truyền pháp luật cho du khách qua lại cửa khẩu.

Đại tá Ninh Văn Hợp, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh cho biết, Bộ đội Biên phòng Lạng Sơn là đơn vị đầu tiên được Ủy ban chuyển đổi số quốc gia giao thực hiện thí điểm nền tảng cửa khẩu số. Theo đó, từ tháng 2/2022, nền tảng cửa khẩu số được áp dụng thí điểm tại cửa khẩu Tân Thanh (Văn Lãng) và cửa khẩu cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Cao Lộc) áp dụng cho phương tiện chở hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu với quy trình 8 bước.

Nền tảng cửa khẩu số ứng dụng công nghệ camera, AI để nhận dạng biển số xe, kết nối với bản đồ số và hệ thống định vị để điều tiết, giám sát mật độ lưu lượng xe, kết nối liên thông, chia sẻ cơ sở dữ liệu đăng kiểm Bộ Giao thông vận tải và các ngành chức năng liên quan... Nhờ ứng dụng công nghệ số, thời gian hoàn thành thủ tục biên phòng đối với một hành khách được rút xuống còn 30 giây; đối với phương tiện xuất, nhập cảnh, thời gian đăng ký dữ liệu chỉ cần từ 1 đến 2 phút (trước đây là 5 đến 10 phút). Đây là kết quả của sự nỗ lực cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số, khai thác hiệu quả nền tảng cửa khẩu số...

Bộ đội Biên phòng Lạng Sơn nỗ lực thực hiện chuyển đổi số ảnh 1

Hệ thống cổng kiểm soát tự động đã góp phần tạo thuận lợi, rút ngắn thời gian làm thủ tục cho hành khách xuất, nhập cảnh qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn).

Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Cao Lộc) là địa bàn chiến lược, trọng điểm về quốc phòng, an ninh, cửa ngõ quan trọng của đất nước với các hoạt động sôi động về thương mại; xuất, nhập cảnh; xuất, nhập khẩu, du lịch... Từ năm 2019 đến nay, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, đã triển khai thực hiện thủ tục biên phòng điện tử trên Cổng thông tin biên phòng điện tử kết nối với Cổng thông tin một cửa quốc gia với quy trình thủ tục đơn giản.

Đại úy Trịnh Văn Bác, Phó Trạm trưởng Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị chia sẻ, sau khi hành khách làm thủ tục khai báo trên cổng thông tin, cán bộ làm thủ tục kiểm tra, đối soát, xác nhận hoàn thành khai báo thủ tục biên phòng điện tử đối với hồ sơ khai báo, khi đến cửa khẩu hành khách chỉ cần xuất trình hộ chiếu, giấy tờ xuất, nhập cảnh cho biên phòng cửa khẩu để kiểm tra, kiểm soát và kiểm chứng vào hộ chiếu, giấy tờ. Với ưu điểm nêu trên, thời gian kiểm tra, làm thủ tục đối với một hành khách chỉ còn khoảng 10 giây (trước đây phải mất từ 35-40 giây/khách).

Từ tháng 5/2023, Đồn Biên phòng cửa khẩu Chi Ma (Lộc Bình) đã thực hiện kiểm soát người ra, vào khu vực cửa khẩu bằng thẻ có QR Code. Đây là đơn vị đầu tiên của Bộ đội biên phòng tỉnh thực hiện việc quản lý người ra, vào cửa khẩu bằng QR Code.

Thiếu tá Vũ Quốc Toàn, Trạm trưởng Kiểm soát Biên phòng cửa khẩu Chi Ma cho biết, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, cán bộ của đơn vị đã tích cực nghiên cứu, tham mưu xây dựng phần mềm quản lý, kiểm soát người và phương tiện ra vào khu vực cửa khẩu bằng cách quét mã QR từ các trang thiết bị hiện có của đơn vị để vận hành. Đối tượng sử dụng thẻ mã QR là công dân Việt Nam, lực lượng chức năng, tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh trong khu vực cửa khẩu… thường xuyên ra vào cửa khẩu Chi Ma.

Giờ đây, tại khu vực barie số 2, nơi kiểm soát người và phương tiện ra vào khu vực cửa khẩu Chi Ma, thay vì chờ đợi để khai báo thông tin như trước, người muốn vào cửa khẩu chỉ cần đưa thẻ cho cán bộ kiểm soát để quét mã QR, điều này đã rút ngắn thời gian rất nhiều so với việc nhập dữ liệu thủ công, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Từ khi triển khai cấp mã QR đến nay, Đồn Biên phòng cửa khẩu Chi Ma đã tổ chức cấp được hơn 1.000 thẻ, trung bình mỗi ngày có từ 200-350 người sử dụng thẻ để ra, vào cửa khẩu.

Anh Hoàng Văn Hưng ở thị trấn Lộc Bình, huyện Lộc Bình cho biết, do tính chất công việc, anh thường xuyên phải đi lại trong khu vực cửa khẩu Chi Ma, việc Đồn Biên phòng cửa khẩu Chi Ma cấp thẻ mã QR đã giúp người dân đi lại thuận tiện, rút ngắn thời gian làm thủ tục. Trước đây, vào cổng kiểm soát, người dân phải khai báo rất mất thời gian, khi được cấp thẻ ra, vào cửa khẩu rất thuận tiện, nhanh chóng.

Bộ đội Biên phòng Lạng Sơn nỗ lực thực hiện chuyển đổi số ảnh 2

Cán bộ, chiến sĩ, Đồn Biên phòng Chi Ma, Lộc Bình, (Lạng Sơn) thực hiện kiểm soát người dân và doanh nghiệp ra, vào khu vực cửa khẩu bằng thẻ mã QR.

Ngoài ra, tại các cửa khẩu Tân Thanh, Cốc Nam, Chi Ma và Hữu Nghị đã có “Cổng kiểm soát xuất, nhập cảnh tự động” gắn với hệ thống camera giám sát ứng dụng trí tuệ nhân tạo theo mô hình của các nước tiên tiến trên thế giới, phục vụ tốt việc kiểm soát tự động đối với cư dân biên giới xuất, nhập cảnh sử dụng giấy thông hành có dán mã vạch để tự động hóa công tác làm thủ tục, đơn giản thủ tục hành chính và giám sát an ninh, trật tự tại khu vực cửa khẩu. Việc áp dụng cổng kiểm soát tự động đã rút ngắn thời gian làm thủ tục cho mỗi hành khách từ 1 phút xuống còn 10-15 giây, đồng thời tạo được hình ảnh hiện đại của cửa khẩu, từng bước đáp ứng xu thế của Cách mạng công nghiệp 4.0.

Đại tá, Trịnh Hữu Tăng, Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn khẳng định, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác kiểm soát xuất, nhập cảnh, thực hiện thủ tục biên phòng điện tử và kiểm soát xuất, nhập cảnh bằng cổng kiểm soát tự động là những bước đột phá mạnh mẽ về cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số của lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh. Qua đó, tạo sự chuyển đổi tích cực trong phương thức quản lý cửa khẩu, kiểm soát xuất, nhập cảnh của Bộ đội Biên phòng tỉnh từ thủ công sang điện tử, văn minh, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trong tình hình mới.