Địa bàn chiến lược và động lực tăng trưởng hàng đầu

Theo Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định phê duyệt, Đồng bằng sông Hồng sẽ phát triển thành vùng hiện đại, văn minh, sinh thái, thu nhập cao và là trung tâm kinh tế, tài chính lớn mang tầm khu vực và thế giới.
0:00 / 0:00
0:00
Bốc xếp hàng hóa xuất nhập khẩu tại cảng Hải Phòng. (Ảnh DUY LINH)
Bốc xếp hàng hóa xuất nhập khẩu tại cảng Hải Phòng. (Ảnh DUY LINH)

Phát triển đồng bộ theo hướng văn minh, hiện đại

Đồng bằng sông Hồng được xác định là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng, động lực phát triển hàng đầu và có vai trò dẫn dắt việc cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng để tạo đột phá phát triển nhanh, bền vững. Vùng cần phát huy thế mạnh về địa chính trị, địa kinh tế, điều kiện tự nhiên, giá trị văn hóa, lịch sử và hệ thống đô thị. Việc phát triển kinh tế vùng sẽ dựa vào khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, hướng tới mô hình công nghiệp-dịch vụ hiện đại và nông nghiệp công nghệ cao, để bảo đảm vùng phát triển dẫn đầu cả nước. Hệ thống kết cấu hạ tầng cần đồng bộ, hiện đại, bảo đảm liên kết nội vùng, liên vùng và quốc tế, phát huy tối đa lợi thế và tác động lan tỏa từ các trung tâm kinh tế.

Tầm nhìn đến năm 2050, Đồng bằng sông Hồng sẽ phát triển thành vùng hiện đại, văn minh, sinh thái, thu nhập cao và là trung tâm kinh tế, tài chính lớn mang tầm khu vực và thế giới; đồng thời là trung tâm hàng đầu của cả nước về văn hóa, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, xã hội số, y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Công nghiệp sẽ phát triển hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu và chủ động trong nghiên cứu, thiết kế, chế tạo. Vùng sẽ hình thành các trung tâm dịch vụ lớn mang tầm khu vực và thế giới về thương mại, du lịch, tài chính, logistics ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh. Đồng thời phát triển nền nông nghiệp hiện đại, hiệu quả cao.

Hệ thống đô thị sẽ phát triển xanh, thông minh, bền vững, có hạ tầng hiện đại, chất lượng sống cao và vị thế xứng đáng trong mạng lưới đô thị châu Á-Thái Bình Dương. Thủ đô Hà Nội sẽ trở thành thành phố kết nối toàn cầu với kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, hài hòa và tiêu biểu; ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và thế giới.

Phấn đấu mức tăng trưởng cao

Vùng Đồng bằng sông Hồng phấn đấu đến năm 2030 đạt những chỉ tiêu tăng trưởng cao. Cụ thể: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn vùng (GRDP) bình quân khoảng 9-9,5%/năm; GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đến năm 2030 đạt khoảng từ 11.000-12.000 USD/người. Tỷ trọng trong GRDP của khu vực dịch vụ đạt khoảng 41%; công nghiệp - xây dựng khoảng 47%; nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 3,5% GRDP; thuế sản phẩm trừ trợ cấp chiếm khoảng 8,5% GRDP; kinh tế số đạt khoảng 35% GRDP.

Tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo đạt 50% tổng số doanh nghiệp hoạt động; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội đạt trên 7,0%/ năm. Tỷ lệ đô thị hóa đạt hơn 55%. Diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người khu vực đô thị đạt khoảng từ 32-33 m2. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 48 - 52%. Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị duy trì ở mức dưới 3%; 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Vùng sẽ phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, hoàn thiện các tuyến đường bộ cao tốc bắc-nam phía đông, các tuyến đường bộ kết nối, tuyến vành đai vùng Thủ đô Hà Nội, đường bộ ven biển. Đồng thời, mở rộng Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài, hoàn thiện hạ tầng các cảng biển Hải Phòng, Quảng Ninh và hoàn thành đưa vào khai thác các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội.