Dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi):

Đề xuất chuyển một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sang đối tượng chịu thuế VAT

NDO - Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) đề xuất chuyển một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sang đối tượng chịu thuế VAT để phù hợp thông lệ quốc tế và tránh hiệu ứng tăng giá thành, giảm phức tạp cho các doanh nghiệp khi vừa cung cấp hàng hóa, dịch vụ chịu thuế, vừa cung cấp hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế.
0:00 / 0:00
0:00

Chiều 23/4, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 32, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).

Trình bày tờ trình dự án luật, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, dự thảo luật gồm 4 chương, 16 điều, về cơ bản vẫn được kế thừa từ luật hiện hành nhưng có chỉnh lý, bổ sung cho phù hợp với nội dung chính sách.

Đề xuất chuyển một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sang đối tượng chịu thuế VAT ảnh 1

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: DUY LINH)

Về đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng (VAT), Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu rõ, luật hiện hành quy định 26 nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế VAT.

Để thu gọn đối tượng không chịu thuế, bảo đảm tính minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện và đồng bộ, thống nhất với pháp luật chuyên ngành, Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi tên một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đồng bộ với quy định của pháp luật chuyên ngành để nhằm tăng tính minh bạch của Luật và giảm chi phí tuân thủ của người nộp thuế.

Thí dụ, sửa đổi “sản phẩm trồng trọt” thành “sản phẩm cây trồng, rừng trồng” (khoản 1 Điều 5 dự thảo Luật); “thức ăn gia súc, gia cầm và thức ăn cho vật nuôi khác” thành “thức ăn chăn nuôi theo quy định của pháp luật về chăn nuôi; thức ăn thủy sản theo quy định của pháp luật về thủy sản” (khoản 4 Điều 5 dự thảo Luật); “bản tin chuyên ngành” thành “bản tin, đặc san” (khoản 15 Điều 5 dự thảo Luật); “tàu thủy” thành “tàu thuyền” (khoản 17 Điều 5 dự thảo Luật)…

Bên cạnh đó, sửa đổi quy định rõ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ để thống nhất với pháp luật chuyên ngành, tránh vướng mắc trong thực hiện và thu hẹp đối tượng không chịu thuế VAT, chẳng hạn như kinh doanh chứng khoán (điểm c khoản 9 Điều 5 dự thảo Luật); chuyển nhượng vốn (điểm d khoản 9 Điều 5 dự thảo Luật); phần mềm máy tính (khoản 21 Điều 5 dự thảo Luật)…

Dự thảo luật cũng sửa đổi quy định “Hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống” thành “Hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng năm dưới mức do Chính phủ quy định” thuộc đối tượng không chịu thuế VAT để bảo đảm linh hoạt, chủ động điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong từng thời kỳ (khoản 25 Điều 5 dự thảo Luật).

Đề xuất chuyển một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sang đối tượng chịu thuế VAT ảnh 2

Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: DUY LINH)

Chính phủ cũng đề xuất chuyển một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sang đối tượng chịu thuế VAT để phù hợp thông lệ quốc tế và tránh hiệu ứng tăng giá thành, giảm phức tạp cho các doanh nghiệp khi vừa cung cấp hàng hóa, dịch vụ chịu thuế, vừa cung cấp hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế (phải kê khai, phân bổ thuế VAT đầu vào sử dụng chung cho cả hoạt động chịu thuế và không chịu thuế).

Bộ trưởng Tài chính dẫn ví dụ như: phân bón; tàu khai thác thủy sản tại vùng khơi, vùng biển; máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; dịch vụ bưu chính, viễn thông công ích và Internet phổ cập...

Đồng thời, dự thảo Luật bổ sung một số nhóm hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế VAT để phù hợp với thực tế phát sinh, như: Hợp đồng vay vốn của Chính phủ Việt Nam với Bên cho vay nước ngoài; hàng hóa nhập khẩu ủng hộ, tài trợ cho phòng chống thiên tai, thảm họa dịch bệnh, chiến tranh theo quy định của Chính phủ”; di vật, cổ vật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhập khẩu theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa…

Cùng với đó, bổ sung một số nhóm hàng hóa, dịch vụ vào đối tượng không chịu thuế VAT để luật hóa các quy định đang thực hiện ổn định tại văn bản dưới Luật, thí dụ: tài sản của tổ chức, cá nhân không kinh doanh, không phải là người nộp thuế VAT bán ra; hàng dự trữ quốc gia do cơ quan dự trữ quốc gia bán ra; các khoản thu phí, lệ phí theo pháp luật về phí và lệ phí; vận chuyển hành khách công cộng bằng tàu điện, phương tiện thủy nội địa...