Đề xuất 2 phương án về quyền thực hiện quản lý lao động nước ngoài

NDO - Tính đến tháng 6/2023, cả nước có hơn 121 nghìn lao động nước ngoài đang làm việc. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã đề xuất 2 phương án quy định quyền thực hiện công tác quản lý lao động nước ngoài, trong đó có cấp giấy phép lao động, nhằm sửa đổi, bổ sung một số quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam trong thời gian tới.
0:00 / 0:00
0:00
Dịch vụ công quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam trên Cổng Dịch vụ công của Cục Việc làm (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội).
Dịch vụ công quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam trên Cổng Dịch vụ công của Cục Việc làm (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội).

Tạo điều kiện thông thoáng, thuận lợi

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã có Tờ trình gửi Chính phủ về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 152/2020/NĐ-CP ngày 30/12/2020 của Chính phủ quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài (sau đây gọi tắt là Nghị định số 152/2020/NĐ-CP).

Tính đến tháng 6/2023, cả nước có hơn 121 nghìn lao động nước ngoài đang làm việc.

Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, hiện nay, việc tăng cường hiệu quả công tác quản lý, cấp giấy phép cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam đang được chú trọng. Trong thời gian qua, cơ quan này đã hướng dẫn các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có sử dụng lao động nước ngoài thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Tính đến tháng 6/2023, cả nước có hơn 121 nghìn lao động nước ngoài đang làm việc.

Các dịch vụ công về lĩnh vực quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam trên Cổng Dịch vụ công của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Cổng Dịch vụ công quốc gia đã đang tiếp tục được triển khai.

Cơ quan này nêu rõ, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, tăng cường thu hút và nâng cao chất lượng, hiệu quả dòng vốn đầu tư nước ngoài phục vụ công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong giai đoạn mới nên cần sửa đổi, bổ sung các quy định để tạo điều kiện thuận lợi cho lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam cũng như nhu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam thời gian tới.

Việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 152/2020/NĐ-CP nhằm tháo gỡ khó khăn để phục hồi, ổn định nền kinh tế sau đại dịch Covid-19 và phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế-xã hội cũng như việc phản ánh một số vướng mắc, khó khăn, bất cập một số quy định của Nghị định nêu trên.

Cụ thể là các nội dung như: điều kiện tuyển dụng lao động nước ngoài, tính minh bạch trong tuyển dụng lao động nước ngoài, cải cách thủ tục hành chính, vướng mắc trong thẩm quyền trong quản lý lao động nước ngoài.

Việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 152/2020/NĐ-CP nhằm tháo gỡ khó khăn để phục hồi, ổn định nền kinh tế sau đại dịch Covid-19 và phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế-xã hội.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nhấn mạnh 4 mục đích để xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung nêu trên.

Trước hết là thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong bối cảnh mới.

Tiếp đó, tạo điều kiện thông thoáng, thuận lợi, phù hợp thông lệ quốc tế và thực tiễn tình hình Việt Nam, bảo đảm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, cũng như nhu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho nước ta thời gian tới.

Thêm vào đó, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tuyển dụng được lao động nước ngoài có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao và kinh nghiệm trong công việc vào các vị trí công việc mà người lao động Việt Nam không đáp ứng được, phù hợp thị trường lao động.

Đồng thời, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam; người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam nhằm kết hợp hài hòa giữa việc mở rộng nguồn nhân lực nước ngoài phát triển kinh tế đất nước với bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn, bảo vệ Tổ quốc.

Gỡ những khó khăn, vướng mắc trong cấp giấy phép lao động

Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 152/2020/NĐ-CP nhằm tháo gỡ 6 nội dung khó khăn, vướng mắc trong cấp giấy phép lao động được đề xuất sửa đổi cụ thể dưới đây.

Thứ nhất là điều kiện cấp giấy phép lao động đối với các vị trí công việc.

Đối với chuyên gia, Dự thảo Nghị định đề xuất sửa đổi tốt nghiệp đại học trở lên và có ít nhất 3 năm kinh nghiệm làm việc phù hợp vị trí công việc mà người lao động nước ngoài dự kiến làm việc tại Việt Nam. Quy định này đã mở rộng điều kiện chỉ cần có kinh nghiệm phù hợp và có bằng đại học trở lên mà không cần phải có bằng đại học được đào tạo đúng chuyên ngành dự kiến làm việc.

Đối với lao động kỹ thuật, Dự thảo Nghị định đề xuất sửa đổi được đào tạo ít nhất 1 năm và có ít nhất 3 năm kinh nghiệm phù hợp vị trí công việc mà người lao động nước ngoài dự kiến làm việc tại Việt Nam. Quy định này đã mở rộng điều kiện chỉ cần có kinh nghiệm phù hợp và được đào tạo 1 năm trở lên mà không cần phải được đào tạo đúng chuyên ngành dự kiến làm việc.

Đối với giám đốc điều hành, Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung làm rõ vị trí việc làm về giám đốc điều hành, bao gồm: Người đứng đầu chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp; Người đứng đầu và trực tiếp điều hành ít nhất một lĩnh vực của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và chịu sự chỉ đạo, điều hành trực tiếp của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

Quy định này đã mở rộng điều kiện các trưởng phòng, ban của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cũng được công nhận là giám đốc điều hành của doanh nghiệp.

Thứ hai là nội dung về báo cáo giải trình nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài.

Nghị định số 152/2020/NĐ-CP quy định người sử dụng lao động phải báo cáo giải trình lý do không tuyển được lao động Việt Nam trước khi tuyển lao động nước ngoài nhưng không rõ ràng quy định về tuyển dụng lao động Việt Nam, gây khó khăn cho doanh nghiệp khi chứng minh, giải trình việc này với cơ quan quản lý.

Nghị định bổ sung quy định cụ thể người sử dụng lao động (trừ nhà thầu) khi có nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài phải thông báo tuyển dụng người lao động Việt Nam vào các vị trí dự kiến tuyển dụng lao động nước ngoài trên Cổng Dịch vụ công tại địa chỉ https://dvc.vieclamvietnam.gov.vn trong thời gian ít nhất 15 ngày.

Quy định cụ thể việc đăng thông báo tuyển dụng tại website của quốc gia giúp người sử dụng lao động thuận tiện trong giải trình lý do không tuyển được lao động Việt Nam.

Mặt khác, cũng giúp lao động nước ta tiếp cận thông tin tuyển dụng của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; bảo đảm sự minh bạch trong quá trình tuyển dụng lao động, tăng cường kết nối cung-cầu lao động theo quan điểm chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 06/NQ-CP về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế-xã hội.

Thứ ba là nội dung xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động đối với trường hợp người nước ngoài kết hôn với người Việt Nam.

Nghị định số 152/2020/NĐ-CP quy định, đối với người nước ngoài kết hôn với người Việt Nam thì người sử dụng lao động phải báo cáo giải trình nhu cầu xin vị trí công việc. Sau khi được cơ quan nhà nước chấp thuận, người sử dụng lao động phải báo cáo việc sử dụng lao động nước ngoài kết hôn với người Việt Nam.

Dự thảo Nghị định bãi bỏ quy định phải xin chấp thuận nhu cầu và bổ sung quy định xin xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động.

Trình tự, thủ tục để được cấp xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động trong 5 ngày làm việc với giấy tờ chứng minh kết hôn với người Việt Nam nhằm tạo điều kiện cho người nước ngoài có giấy tờ chứng minh lao động hợp pháp.

Thứ tư là nội dung về trình tự, thủ tục, hồ sơ cấp, cấp lại giấy phép lao động đơn giản, minh bạch hơn.

Về nhà quản lý, giám đốc điều hành, dự thảo Nghị định sửa đổi đề nghị bổ sung các giấy tờ chứng minh gồm: Điều lệ công ty hoặc quy chế hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận thành lập, quyết định thành lập hoặc giấy tờ khác có giá trị pháp lý tương đương; nghị quyết hoặc quyết định bổ nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp.

Quy định này liệt kê cụ thể giấy tờ để cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nộp trong hồ sơ và cơ quan nhà nước tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính.

Về chuyên gia, lao động kỹ thuật, Nghị định số 152/2020/NĐ-CP chưa quy định thừa nhận giấy phép lao động đã được cấp chứng minh kinh nghiệm là chuyên gia, lao động kỹ thuật.

Dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung giấy phép lao động đã được cấp hoặc xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động đã được cấp chứng minh đã từng là chuyên gia hoặc lao động kỹ thuật. Quy định này cho phép sử dụng các giấy phép lao động đã được cấp để chứng minh kinh nghiệm làm việc.

Về giấy tờ nộp hồ sơ đề nghị xin cấp giấy phép lao động, Dự thảo Nghị định sửa đổi đề xuất bổ sung bản sao có chứng thực hộ chiếu hoặc bản sao có xác nhận của người sử dụng lao động. Quy định sửa đổi giúp người sử dụng lao động lựa chọn trường hợp có thể chứng thực hộ chiếu hoặc người sử dụng lao động tự đóng dấu xác nhận lên hộ chiếu của người lao động nước ngoài khi nộp hồ sơ đề nghị.

Về phôi giấy phép lao động, Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung quy định theo hướng các địa phương được chủ động trong việc in và phát hành phôi giấy phép lao động theo mã số do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội quy định. Qua đó, giúp các địa phương chủ động trong giải quyết thủ tục hành chính và lựa chọn đơn vị in, phát hành theo tình hình thực tế tại địa phương.

Đối với trường hợp người lao động nước ngoài làm nhiều địa điểm, Dự thảo Nghị định bổ sung quy định người lao động nước ngoài làm việc tại nhiều địa điểm được cấp giấy phép lao động.

Cụ thể, đối với làm việc nhiều địa điểm trong tỉnh, thành phố, người lao động được Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cấp giấy phép lao động. Đối với làm việc nhiều địa điểm tại nhiều tỉnh, thành phố, sẽ do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cấp giấy phép lao động.

Quy định này giúp người lao động làm việc tại nhiều địa điểm chỉ cần 1 giấy phép lao động và không cần nhiều nhiều giấy phép lao động như trước đây để giảm các thủ tục hành chính.

Thứ năm là quy định về công tác quản lý lao động nước ngoài (trong đó có cấp giấy phép lao động) cho Sở Lao động-Thương binh và Xã hội hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề xuất 2 phương án quy định quyền thực hiện công tác quản lý lao động nước ngoài (trong đó có cấp giấy phép lao động…).

Phương án 1: Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thực hiện công tác quản lý lao động nước ngoài (trong đó có cấp giấy phép lao động…) trên địa bàn tỉnh, thành phố.

Ưu điểm của phương án này là bảo đảm: thực hiện theo quy định tại điểm a Điều 9 Luật Tổ chức chính quyền địa phương; bảo đảm việc thống nhất quản lý nhà nước về tuyển dụng, quản lý người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam từ trung ương đến địa phương theo tinh thần của Chỉ thị số 09-CT/TW ngày 9/9/2021 của Ban Bí thư về thu hút, quản lý và sử dụng hiệu quả lao động nước ngoài tại Việt Nam (gọi tắt là Chỉ thị số 09-CT/TW); thực hiện quan điểm của Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 10/1/2022 về đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước: nhằm phân định rõ nhiệm vụ và quyền hạn, thẩm quyền và trách nhiệm giữa Chính phủ với các bộ, ngành; giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành với chính quyền địa phương (gọi tắt là Nghị quyết số 04/NQ-CP).

Đề xuất này khắc phục được những bất cập về việc thực hiện cấp giấy phép lao động cho đơn vị không phải cơ quan chuyên môn là Ban quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế theo Nghị định 35/2022/NĐ-CP.

Tuy nhiên, nhược điểm của phương án này là sẽ không linh hoạt trong trường hợp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cần phân cấp cấp, ủy quyền cho cơ quan khác tại địa phương để thực hiện nhiệm vụ nêu trên.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề xuất 2 phương án quy định quyền thực hiện công tác quản lý lao động nước ngoài (trong đó có cấp giấy phép lao động…).

Phương án 2 là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện về công tác quản lý lao động nước ngoài (trong đó có cấp giấy phép lao động…) trên địa bàn tỉnh, thành phố.

Ưu điểm của phương án là quyền tự chủ cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc phân cấp cấp, ủy quyền cho cơ quan chuyên môn tại địa phương trong việc thực hiện việc quản lý và cấp giấy phép lao động.

Phương án này cũng có một số nhược điểm. Thực tế tại địa phương hiện nay, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thường ủy quyền việc chấp thuận nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài cho Sở Lao động-Thương binh và Xã hội.

Trường hợp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện phân cấp cấp, ủy quyền cho các cơ quan khác trong tỉnh sẽ không bảo đảm việc thống nhất quản lý nhà nước về tuyển dụng, quản lý người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam từ trung ương đến địa phương theo tinh thần của Chỉ thị số 09-CT/TW. Đồng thời, chưa bảo đảm thực hiện quan điểm chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 04/NQ-CP.

Thứ sáu là nội dung về cơ quan có thẩm quyền quản lý lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.

Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung thẩm quyền từ Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cấp tỉnh thành Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm phân cấp, ủy quyền, giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu đối với tổ chức tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài trên địa bàn.

Quy định này tháo gỡ cho một số địa phương như Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khi giao nhiệm vụ cho công ty thực hiện chức năng quản lý lao động.

Về vấn đề xin ý kiến Chính phủ, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề xuất Chính phủ lựa chọn phương án 1 thực hiện về công tác quản lý lao động nước ngoài (trong đó có cấp giấy phép lao động…) tại địa phương và trách nhiệm quản lý nhà nước thuộc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội là một đầu mối duy nhất tại địa phương thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tập trung vào sửa đổi, bổ sung nội dung liên quan đến lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam với tinh thần nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong cấp giấy phép lao động.