Nới giấy phép cho lao động nước ngoài

Một trong những nội dung trọng tâm được cộng đồng doanh nghiệp đối thoại với Chính phủ tại Diễn đàn Doanh nghiệp thường niên năm 2023 là vấn đề cấp phép cho lao động nước ngoài.
0:00 / 0:00
0:00
Dịch vụ công trực tuyến “Cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam” trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Dịch vụ công trực tuyến “Cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam” trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Trong thời gian đại dịch Covid-19, Chính phủ căn cứ thẩm quyền Quốc hội giao, ban hành Nghị quyết 105/NQ-CP/2021 về việc hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19, trong đó có các nội dung liên quan đến việc nới lỏng một số quy định, điều kiện về việc cấp, gia hạn, xác nhận giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Nghị quyết có thời hiệu thi hành đến hết ngày 31/12/2022, do đó từ đầu năm 2023, các thủ tục hành chính liên quan đến người lao động nước ngoài được thực hiện theo Nghị định 152/2020/NÐ-CP/2020 của Chính phủ với những quy định rất chặt.

Cộng đồng doanh nghiệp phản ánh: Theo quy định hiện nay, hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài sẽ được cơ quan chức năng xem xét, trả kết quả trong 10 ngày làm việc trong bước giải trình nhu cầu sử dụng và sau đó chỉ cần thêm 5 ngày để cấp phép kể từ khi nhận đủ hồ sơ nhưng trong thực tế, các doanh nghiệp thường phải mất hơn hai tháng mới hoàn tất thủ tục và được cấp phép lao động.

Ðáng lưu ý, có không ít trường hợp cần tới sáu tháng vì cổng thông tin điện tử của cơ quan chức năng hoạt động không hiệu quả, nhiều hồ sơ đã đăng tải lên nhưng bị thất lạc... hoặc phải làm các thủ tục bổ sung. Quy định yêu cầu có bằng đại học trở lên đối với vị trí chuyên gia cũng là một khó khăn đối với lao động nước ngoài.

Vì trong thực tế, có những chuyên gia đang làm việc nhiều năm trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhưng không còn giữ bằng đại học cho nên không thể xin được xác nhận. Một bất cập khác là theo quy định, giấy phép lao động phải được cấp chậm nhất 15 ngày trước khi người lao động nước ngoài bắt đầu làm việc tại Việt Nam.

Thủ tục cấp phép yêu cầu có bản sao công chứng hộ chiếu nhưng trong thực tế, sau khi lao động đến Việt Nam và xuất trình hộ chiếu thì doanh nghiệp mới có hộ chiếu gốc để làm thủ tục công chứng... Những bất cập nêu trên khiến cho không ít người nước ngoài đã sống, làm việc và đầu tư tại Việt Nam nhiều năm qua, từng được cấp nhiều giấy phép lao động nhưng nay bị từ chối gia hạn giấy phép chỉ vì một số vấn đề nhỏ về thủ tục.

Thu hút vốn đầu tư nước ngoài chất lượng cao là định hướng chiến lược của Việt Nam trong chặng đường phát triển phía trước. Tuy nhiên, chúng ta không thể thu hút được các nhà đầu tư chất lượng nếu không tuyển dụng và giữ chân được nhân sự giỏi.

Ðể tháo gỡ nút thắt này, Chính phủ đã giao các bộ, ngành liên quan hoàn thiện, bổ sung, sửa đổi Nghị định 152/2020/NÐ-CP/2020 theo hướng cởi mở hơn, hồ sơ đơn giản hơn và đẩy mạnh việc phân cấp trong hoạt động cấp phép lao động nước ngoài. Trong đó, các chuyên gia, nhà quản lý sẽ được ưu tiên hàng đầu khi cấp giấy phép lao động.