Hướng tới phân loại rác tại nguồn

Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, từ ngày 1/1/2025, chất thải rắn sinh hoạt sẽ được phân loại tại nguồn (từng hộ gia đình) sau đó được thu gom, tập kết, vận chuyển. Chỉ khoảng 3 tháng nữa là Luật sẽ có hiệu lực, đã có nhiều đợt tuyên truyền vận động được tổ chức nhưng thực tế hiện nay công tác phân loại rác tại nguồn vẫn gặp nhiều khó khăn.
Phần lớn rác thải được thu gom đều trong tình trạng rác thải lẫn. Ảnh: Bắc SơnPhần lớn rác thải được thu gom đều trong tình trạng rác thải lẫn. Ảnh: BẮC SƠN
Phần lớn rác thải được thu gom đều trong tình trạng rác thải lẫn. Ảnh: Bắc SơnPhần lớn rác thải được thu gom đều trong tình trạng rác thải lẫn. Ảnh: BẮC SƠN

Nỗ lực tuyên truyền bị thờ ơ

17 giờ chiều, dọc phố Lương Định Của (phường Kim Liên, quận Đống Đa, Hà Nội) là giờ tan làm, cũng là thời điểm các công nhân vệ sinh môi trường đẩy những chiếc xe dọc các con phố, gõ kẻng để người dân đổ rác. Phần lớn người dân đều túi lớn, túi nhỏ nhanh chóng chất đầy xe mọi loại rác thải sinh hoạt, từ túi bóng, chai nhựa cho đến hộp giấy, cây lá lẫn lộn.

Chị Nguyễn Khánh Chi ở Khu tập thể C6 Kim Liên cho biết, thường ngày rác thải sinh hoạt của gia đình sẽ được gom lại và đưa đi đổ. Một số loại hộp nhựa, bìa cứng, giấy loại thì sẽ để riêng bán phế liệu. Khi được hỏi về quy định phân loại rác tại nguồn, chị Chi cũng như nhiều người dân khác cho hay, có biết quy định này. Nhưng quy định dài và “phức tạp” nên chưa hiểu rõ phải phân loại rác như thế nào, trả tiền theo lượng rác ra sao.

Gần 19 giờ, đối diện trường THCS Đống Đa, cách không xa UBND phường Kim Liên, hàng dài xe rác đã được tập kết, rác thải chất cao, lẫn lộn. Cách đó không xa, tấm biển kêu gọi phân loại rác tại nguồn vẫn sừng sững trong ánh sáng điện đường. Dạo quanh các quận nội thành Hà Nội, tình trạng rác thải sinh hoạt lẫn lộn, không được phân loại rất phổ biến. Chị Minh Tâm (Yên Hòa, Cầu Giấy) cho biết, tuy gia đình có biết về quy định phân loại rác, tuy nhiên khi thu gom, rác đều được để chung, nên việc phân loại không còn có ý nghĩa.

Được biết, kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường ban hành, Công ty TNHH MTV Môi trường và Đô thị Hà Nội (Urenco) đã phối hợp các quận, huyện phát động chương trình thúc đẩy phân loại rác tại nguồn. Tuy nhiên sau một thời gian triển khai, các chương trình này gần như ở trong tình trạng “lãng quên”. Thậm chí, ngay tại khu vực hồ Gươm, nhiều thùng rác được thiết kế theo mô hình 3R đã được lắp đặt để người dân nhận biết nhưng các loại rác vẫn bị bỏ lẫn vào nhau.

Ông Nguyễn Thành Lam (Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt ở nước ta gặp còn không ít khó khăn, hạn chế như: Chưa triển khai phân loại tại nguồn đồng bộ tại các địa phương, chưa cung cấp đủ dịch vụ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nhiều khu vực nông thôn, miền núi. Thiếu thiết bị thu gom, phương tiện vận chuyển chuyên dụng chưa đáp ứng yêu cầu, thiếu địa điểm tập kết, trạm trung chuyển chưa đáp ứng quy định..., những nguyên nhân này làm tồn đọng chất thải rắn sinh hoạt kéo dài gây ô nhiễm môi trường.

Mưa dầm thấm lâu

Theo số liệu của Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), mỗi ngày cả nước thải ra khoảng 68 nghìn tấn rác thải, trong đó khu vực đô thị thải ra hơn 38 nghìn tấn rác. Tỷ lệ thu gom toàn quốc đạt hơn 88%. Phần lớn rác thải được thu gom đều trong tình trạng rác thải lẫn và được xử lý bằng phương pháp chôn lấp với khoảng hơn 76%.

Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã coi chất thải là tài nguyên với mục tiêu tận dụng tối đa giá trị của các sản phẩm thải bỏ và thúc đẩy một nền kinh tế tuần hoàn cho sự phát triển bền vững. Do đó, thay vì xử lý bằng cách đốt hoặc chôn lấp như hiện nay, Luật Bảo vệ môi trường 2020 hướng tới xu hướng tái chế rác thải. Tuy nhiên muốn tái chế rác thải sinh hoạt hiệu quả, cần phải được phân loại từ nguồn. Trong khi chất thải rắn sinh hoạt ở Việt Nam hiện không được phân loại từ đầu nguồn, một phần do thói quen sinh hoạt của cộng đồng. Muốn thay đổi thói quen cần có thời gian, đồng thời phải thay đổi cả hệ thống thu gom, tập kết rác.

Tổng Thư ký Hội Kinh tế môi trường Việt Nam, GS, TS Hoàng Xuân Cơ cho rằng, cần có những chính sách, ưu đãi về nguồn vốn với các dự án về môi trường. Cần tạo điều kiện hơn nữa để các chuyên gia, các nhà khoa học trong nước nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ xử lý rác thải thành điện năng hay tái chế rác thành các vật liệu thân thiện với môi trường. Đồng thời, có hướng dẫn cụ thể để các địa phương có thể thực hiện thành công các dự án, nhà máy xử lý, tái chế rác, góp phần vào công cuộc bảo vệ môi trường.

Lần đầu tiên ghi nhận rác thải được phân loại là vào ngày 7/3/1884. Thị trưởng Paris lúc đó là Eugène-Rene Poubelle đã ban hành sắc lệnh bắt buộc chủ nhà phải đặt ba thùng rác trước nhà. Vải vụn và giấy được đưa vào thùng rác thứ nhất và rác thải có thể phân hủy được ném vào thùng rác thứ hai. Loại kính và sứ vứt vào thùng thứ ba. Ban đầu sắc lệnh của Poubelle đã gặp phải sự kháng cự. Người dân Paris không hào hứng với ý tưởng này. Tuy nhiên, sau một vài thay đổi nhỏ, cách xử lý chất thải mới cuối cùng đã được chấp nhận.