1/Quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa đã mang lại nhiều thay đổi cho đời sống người dân ở cả đô thị và nông thôn tỉnh Bình Định. Mặc dù đời sống sinh hoạt nâng cao nhưng những thói quen tiêu dùng mới cũng khiến lượng rác thải sinh hoạt ngày càng tăng, gây áp lực lớn cho công tác quản lý và xử lý rác thải. Hiện nay hầu hết chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn sau khi thu gom đều được xử lý bằng hình thức chôn lấp. Phương pháp xử lý này dù có chi phí đầu tư thấp nhưng bộc lộ nhiều nhược điểm như chiếm diện tích lớn, kéo dài thời gian phân hủy và gây ô nhiễm môi trường.
Tỉnh Bình Định đặt mục tiêu đến năm 2030, 95% chất thải rắn sinh hoạt đô thị và 90% chất thải rắn sinh hoạt nông thôn sẽ được thu gom và xử lý theo quy định. Tỉnh cũng hướng đến việc hiện đại hóa công nghệ xử lý chất thải rắn, giảm tỷ lệ chôn lấp, xử lý rác gắn với thu hồi năng lượng để phát điện. Đồng thời, tăng cường phân loại rác, tái chế, tái sử dụng, lồng ghép với các mô hình xử lý rác quy mô nhỏ nhằm hướng đến công tác bảo vệ môi trường bền vững.
Mới đây, Cơ sở thu hồi vật liệu (MRF) có diện tích 1.000 m2 đã được khánh thành tại Khu liên hợp xử lý chất thải Long Mỹ (xã Phước Mỹ, TP Quy Nhơn). Mục tiêu trước mắt sẽ thu hồi khoảng 4 tấn rác thải nhựa mỗi ngày, góp phần ngăn chặn tình trạng rác thải nhựa bị chôn lấp hoặc rò rỉ ra môi trường. Không những thế, cơ sở này còn tạo việc làm cho 20 lao động chính thức và hơn 200 lao động phi chính thức tham gia vào mạng lưới thu gom. Tại cơ sở thu hồi vật liệu, rác thải nhựa sẽ được phân loại, tách nhãn và ép kiện, sau đó vận chuyển đến nhà máy tái chế thành hạt nhựa tái sinh tạo nên một quy trình khép kín trong thu gom và tái chế nguồn nguyên liệu sạch đạt chuẩn. Cơ sở thu hồi vật liệu không chỉ đơn thuần là một dự án mà còn là biểu tượng cho nỗ lực chung của Chính phủ Việt Nam và các đối tác trong việc giảm thiểu rác thải, tối ưu hóa nguồn tài nguyên và tạo ra một tương lai xanh hơn.
2/Quy Nhơn là trung tâm phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Bình Định, thu hút nhiều nhà đầu tư và khách du lịch. Tại diễn đàn Du lịch Đông Nam Á năm 2020, lần đầu tiên Quy Nhơn được trao giải thưởng “Thành phố du lịch sạch ASEAN” và tiếp tục đoạt giải thưởng này giai đoạn 2024-2026. Vì thế, việc triển khai phân loại rác thải tại nguồn sẽ cải thiện đáng kể thực tiễn quản lý rác thải tại thành phố, góp phần bảo vệ môi trường, giữ vững danh hiệu thành phố du lịch sạch ASEAN.
Bà Mette Møglestue, Phó Đại sứ Na Uy tại Việt Nam nhận định, phân loại rác thải tại nguồn đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động quản lý rác thải nói chung và tái chế nói riêng. Đây là nền tảng cho mọi can thiệp có hệ thống dọc theo chuỗi giá trị rác thải. Việc thành phố Quy Nhơn triển khai phân loại rác thải tại nguồn đánh dấu mốc quan trọng trong quản lý chất thải rắn bền vững, thúc đẩy tái chế và hướng đến kinh tế tuần hoàn. Chính phủ Na Uy sẽ tiếp tục hỗ trợ các nỗ lực xây dựng kinh tế tuần hoàn và quản lý rác thải của Việt Nam, đặc biệt là tại các tỉnh, thành phố ven biển có ngành dịch vụ du lịch phát triển.
Để việc phân loại rác tại nguồn hiệu quả, UBND thành phố Quy Nhơn lựa chọn triển khai thí điểm trên địa bàn hai phường Ngô Mây và phường Nguyễn Văn Cừ từ ngày 1/10, với sự tham gia của 8.000 hộ gia đình và 200 lao động thu gom rác thải từ Câu lạc bộ thu gom phế liệu Quy Nhơn. Dự kiến sau thời gian thí điểm 6 tháng, chương trình phân loại rác thải nguồn sẽ được triển khai trên toàn thành phố.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tự Công Hoàng, việc triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt sẽ xây dựng một TP Quy Nhơn xanh, sạch, đẹp, giúp địa phương đánh giá mức độ phù hợp, từ đó phát triển một mô hình khả thi, có thể áp dụng rộng rãi. Điều này còn góp phần hoàn thành mục tiêu đưa mức phát thải ròng về zero vào năm 2050 theo cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị LHQ về biến đổi khí hậu lần thứ 26.