Chính sách-Cuộc sống

CHÍNH SÁCH PHÂN LOẠI RÁC THẢI & CHUYỂN ÐỔI XANH

Theo Luật Bảo vệ môi trường, từ ngày 1/1/2025, các hộ gia đình bắt buộc phải thực hiện phân loại rác thải trước khi giao cho đơn vị thu gom, theo ba nhóm chính: chất thải có khả năng tái chế, chất thải hữu cơ và chất thải rắn sinh hoạt khác. Chính sách lập pháp này được áp dụng nhằm tăng cường xử lý và tái chế rác thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và thúc đẩy chuyển đổi xanh, phát triển bền vững.
0:00 / 0:00
0:00
Công nghệ điện rác - WTE tại Nhà máy Cơ khí Chế tạo thiết bị môi trường của Công ty TNHH Thủy lực - Máy ở Khu công nghiệp Đồng Văn (Hà Nam). Ảnh | TRẦN HẢI
Công nghệ điện rác - WTE tại Nhà máy Cơ khí Chế tạo thiết bị môi trường của Công ty TNHH Thủy lực - Máy ở Khu công nghiệp Đồng Văn (Hà Nam). Ảnh | TRẦN HẢI

Khi các hộ gia đình phân loại rác, lượng rác tái chế sẽ được tăng cường xử lý, giảm thiểu việc chôn lấp và đốt rác - hai hoạt động gây ô nhiễm không khí, đất và nước. Việc tái chế và tái sử dụng tài nguyên giúp giảm gánh nặng cho môi trường và tiết kiệm năng lượng, tài nguyên thiên nhiên.

Rác thải, đặc biệt là chất thải hữu cơ, khi không được xử lý đúng cách có thể tạo ra khí metan (CH₄), một trong những loại khí gây hiệu ứng nhà kính mạnh mẽ hơn cả CO₂. Phân loại và xử lý rác hữu cơ giúp giảm phát thải khí nhà kính, đóng góp vào nỗ lực giảm thiểu biến đổi khí hậu, là một trụ cột của chuyển đổi xanh.

Chính sách phân loại rác tại nguồn không chỉ là một biện pháp kỹ thuật, mà còn nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của người dân về bảo vệ môi trường. Khi bắt đầu có thói quen phân loại rác, họ sẽ ý thức hơn về tác động của hoạt động hằng ngày đến môi trường, từ đó lựa chọn tiêu dùng xanh hơn.

Phân loại rác là tiền đề xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn, trong đó tài nguyên được tái sử dụng, tái chế nhiều lần thay vì bị lãng phí. Điều này không chỉ giảm thiểu sử dụng nguyên liệu thô mới, mà còn giúp phát triển các ngành công nghiệp liên quan đến tái chế, chế biến rác thải, tạo ra các cơ hội kinh tế xanh, bền vững.

Chính sách này góp phần thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam, đặc biệt là các mục tiêu trong Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu cũng như các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) của Liên hợp quốc; phù hợp với chiến lược chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp và phát triển bền vững mà Việt Nam đang theo đuổi. Để triển khai hiệu quả, cần có sự chuẩn bị và phối hợp đồng bộ từ Chính phủ, các tổ chức liên quan và người dân.

1. Cần tổ chức các chiến dịch tuyên truyền mạnh mẽ với các sản phẩm truyền thông hữu hiệu, để mỗi người dân hiểu rõ mục tiêu, lợi ích, cách phân loại rác và trách nhiệm bảo vệ môi trường. Đưa nội dung về phân loại rác vào giảng dạy tại trường học để trẻ em hình thành thói quen ngay từ nhỏ, từ đó tác động tích cực đến gia đình và xã hội.

2. Các hộ gia đình và khu vực công cộng cần được cung cấp đầy đủ thùng rác cho từng loại rác thải với hướng dẫn phân loại dễ hiểu, rõ ràng. Các đơn vị thu gom rác cần được trang bị phương tiện và công nghệ để thu gom từng loại rác riêng biệt và bảo đảm xử lý đúng theo quy trình phân loại. Đầu tư vào các cơ sở xử lý rác thải có khả năng tái chế, xử lý chất thải hữu cơ và rác không thể tái chế một cách thân thiện với môi trường.

3. Chính phủ có thể tạo ra các chính sách khuyến khích kinh tế cho những người dân và doanh nghiệp thực hiện tốt phân loại rác, như hỗ trợ vật tư hoặc ưu đãi cho những hộ gia đình tham gia vào các chương trình tái chế. Đồng thời, cũng cần có các biện pháp xử phạt hành chính bảo đảm công bằng, minh bạch và áp dụng đồng bộ trên cả nước với những trường hợp không thực hiện phân loại rác hoặc phân loại sai quy định.

4. Cần xây dựng hệ thống giám sát việc thực hiện chính sách từ cấp chính quyền địa phương đến cấp trung ương. Các cơ quan quản lý môi trường có cơ chế theo dõi việc phân loại rác, đánh giá hiệu quả sau một thời gian thực hiện, dựa trên các chỉ số như tỷ lệ rác thải được tái chế, giảm lượng rác chôn lấp, và sự tuân thủ của người dân. Từ đó có thể điều chỉnh chính sách phù hợp thực tiễn hơn, khắc phục những vấn đề phát sinh.

5. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ tái chế và xử lý rác thải. Các doanh nghiệp sản xuất cũng cần đóng góp bằng cách thiết kế các sản phẩm thân thiện với môi trường, dễ tái chế hơn. Chính phủ có thể xem xét mời gọi các doanh nghiệp tư nhân tham gia vào quản lý và xử lý rác thải, dưới hình thức hợp tác công tư (PPP), để tăng cường hiệu quả quản lý và chia sẻ gánh nặng với ngân sách nhà nước.

6. Cần cập nhật và hoàn thiện các quy định chi tiết hướng dẫn thực thi việc phân loại rác thải, bao gồm cả các tiêu chuẩn kỹ thuật, trách nhiệm của từng bên liên quan và khung xử lý vi phạm. Chính sách phân loại rác cần được đồng bộ với các chính sách liên quan khác, như chiến lược phát triển kinh tế tuần hoàn, phát triển đô thị xanh và các chính sách phát triển bền vững.