Đê kết hợp đường giao thông dọc hai bên sông Đào được thực dân Pháp huy động dân công đào, đắp và đưa vào sử dụng từ năm 1920, trên địa bàn huyện Phú Bình dài 26,4km, bề mặt tuyến bên phải từ thành phố Thái Nguyên xuống rộng 6-7 mét, bên trái rộng khoảng 4 mét, được đắp bằng đất.
Theo đại diện đơn vị quản lý, nhiều năm vừa qua đê sông Đào không được duy tu bảo dưỡng vì không có kinh phí. Đặc biệt, thời gian vừa qua, do mưa lớn kéo dài, ô-tô tải lớn chở đất san lấp phục vụ các công trình giao thông, đô thị, dân cư trên địa bàn huyện Phú Bình làm nhiều đoạn đê xuống cấp, sạt lở nghiêm trọng.
Điển hình là đoạn phía bên phải từ thị thị trấn Hương Sơn xuống các xã phía đông nam huyện Phú Bình, mặt đê đồng thời là mặt đường nhựa bị hằn vệt bánh xe, lún xuống, hệ thống cọc tiêu ngả hẳn ra phía lề đê.
Đê và đường giao thông phía bên trái đoạn khu vực thị trấn Hương Sơn được đổ bê-tông, nhưng nhiều vị trí sườn đê bị lở, có điểm lở hàm ếch ăn sâu dưới mặt đường bê-tông nên rất nguy hiểm cho phương tiện và người dân qua lại, chính quyền địa phương phải cấm ô-tô đi lại trên mặt đê.
Chính quyền địa phương cấm ô-tô để bảo đảm an toàn đê và an toàn giao thông trên đê sông Đào. |
Giám đốc Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi Phú Bình (trực thuộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Nam Sông Thương-Bắc Giang) chia sẻ: "Đê kết hợp đường giao thông sông Đào được xây dựng, khai thác đã hơn 100 năm, duy tu bảo dưỡng rất hạn chế, thời gian vừa qua mưa lớn kéo dài, ô-tô tải lớn chở đất san lấp với mật độ cao phục vụ các công trình trên địa bàn huyện Phú Bình làm đê nhanh chóng xuống cấp; nhiều đoạn bị sạt lở nghiêm trọng, nguy cơ mất an toàn đê và mất an toàn giao thông".
[Ảnh] Sạt lở lớn đe dọa đê và cuộc sống người dân Vĩnh Phúc
Khi Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Nam Sông Thương không có kinh phí khắc phục sạt lở, thời gian vừa qua huyện Phú Bình huy động bộ đội đóng cọc tre, cho đất vào bao tải đắp các điểm sạt lở nghiêm trọng.
Tuy nhiên, cách khắc phục này mang tính cấp bách, tình thế tạm thời để bảo đảm an toàn đê, an toàn giao thông trước mắt. Đến nay, nhiều điểm sạt lở bờ đê, đường bên trái chưa khắc phục được, chính quyền địa phương cấm ô-tô qua lại để bảo đảm an toàn.
Ngăn ngừa tình trạng ô-tô chở đất san lấp quá tải trên địa bàn nói chung, trên đường, đê sông Đào nói riêng, Thanh giao thông tỉnh Thái Nguyên đã làm việc, yêu cầu chủ các mỏ đất trên địa bàn cam kết không chở quá khổ, quá tải. Nhưng ông Ngô Thanh Tùng, Chánh Thanh tra giao thông tỉnh Thái Nguyên, cho biết, phải cân mới xác định được ô-tô có chở quá tải trên đê hay không, nhưng từ tháng 7/2024 Thanh tra giao thông không còn thẩm quyền dừng ô-tô trên đường để cân.
Tháng 2/ 2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt dự án sửa chữa, nâng cấp hệ thống thủy lợi Thác Huống tỉnh Bắc Giang-Thái Nguyên với tổng mức đầu tư 350 tỷ đồng, do Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Nam Sông Thương làm chủ đầu tư.
Thời gian thực hiện dự án này là 4 năm kể từ ngày khởi công, trong đó có hạng mục kè mái đê bên trái và bên phải sông Đào trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên tại những đoạn sạt lở và có nguy cơ sạt lở với tổng chiều dài gần 10km, nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai thi công. Trong khi đó, đê kết hợp đường ngày càng xuống cấp, sạt lở, nguy cơ mất an toàn đê, mất an toàn giao thông ngày càng hiện hữu.
Các cấp chính quyền và người dân huyện Phú Bình mong muốn dự án sớm được khởi công để bảo đảm an toàn đê và an toàn giao thông, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Dư luận đề nghị cơ quan công an và thanh tra giao thông kiên quyết ngăn chặn việc ô-tô chở đất san lấp quá tải trên địa bàn nói chung, trên đê, đường sông Đào nói riêng để bảo vệ an toàn công trình.