Nhà thầu tập trung máy móc, nhân lực thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường 112 (đoạn xã Làng Chếu-Xím Vàng, huyện Bắc Yên), tỉnh Sơn La.
Nhà thầu tập trung máy móc, nhân lực thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường 112 (đoạn xã Làng Chếu-Xím Vàng, huyện Bắc Yên), tỉnh Sơn La.

Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tại các tỉnh Tây Bắc

Năm 2023, các tỉnh Hòa Bình, Sơn La và Điện Biên được giao hơn 20.000 tỷ đồng vốn đầu tư công. Trong đó, kế hoạch vốn kéo dài từ năm 2022 sang gần 1.000 tỷ đồng. Tại thời điểm này, dù chỉ còn gần 3 tháng nữa là kết thúc năm 2023, nhưng tiến độ giải ngân theo kế hoạch vốn đầu tư công tại các tỉnh Tây Bắc này vẫn đạt thấp. Do vậy, các tỉnh đang tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt các giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn và tăng tốc giải ngân…

Tổ chức nhiều cuộc họp, đối thoại cấp tỉnh, cấp ngành giải quyết khó khăn, vướng mắc trong việc giải ngân vốn đầu tư công, Ủy ban nhân dân các tỉnh: Hòa Bình, Sơn La và Điện Biên còn ban hành nhiều văn bản yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, chủ đầu tư thực hiện các dự án đầu tư công và các đơn vị liên quan nghiêm túc, quyết liệt triển khai thực hiện và chịu trách nhiệm toàn diện trước Chủ tịch và Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm…

Nhiều khó khăn, vướng mắc

Do khó khăn, vướng mắc liên quan giải phóng mặt bằng, khan hiếm vật liệu xây dựng thông thường, nên tiến độ triển khai thực hiện các chương trình, dự án và việc giải ngân vốn đầu tư công của ba tỉnh này đạt chưa cao.

Tại nhiều địa bàn, cùng với khan hiếm vật liệu xây dựng thông thường, thì nguyên nhân chủ yếu vẫn là do vướng mắc trong đền bù, giải phóng mặt bằng. Như dự án kè suối Nặm La giai đoạn II, đoạn hồ Tuổi Trẻ-cầu Tông Panh tại thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La thuộc kế hoạch vốn năm 2022 được phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2023.

Dự án khởi công tháng 3/2021, theo hợp đồng đến tháng 11/2023 hoàn thành. Tiến độ thi công bị gián đoạn, vì vướng mắc trong đền bù, giải phóng mặt bằng đối với 2 tập thể, 6 tổ chức, doanh nghiệp, 2 hộ gia đình.

Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tại các tỉnh Tây Bắc ảnh 1

Ban quản lý dự án các công trình giao thông tỉnh Hòa Bình thực hiện công tác giải phóng mặt bằng dự án đường liên kết vùng Lương Sơn-Kim Bôi.

Cũng gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, dự án đường kết nối thị trấn Lương Sơn-Xuân Mai, Hà Nội (giai đoạn 1) đang trong tình trạng phải thi công cầm chừng.

Tổng vốn đầu tư công năm 2023 tỉnh Điện Biên được giao hơn là 4.600 tỷ đồng. Đến giữa tháng 8/2023 mới giải ngân được gần 40% kế hoạch.

Ông Nguyễn Phi Sông, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Điện Biên

Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hòa Bình, cho biết, tổng vốn đầu tư công năm 2023 được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua là 10.220 tỷ đồng, đã giải ngân hơn 20% theo kế hoạch. Cũng bởi gặp các khó khăn, vướng mắc do liên quan giải phóng mặt bằng, một số nơi chưa nhận được sự đồng thuận của người dân; chậm hoàn thiện đầu tư xây dựng các khu tái định cư.

Khó khăn về việc khai thác đất sử dụng cho các dự án đầu tư công, đặc biệt là nguồn cung cấp đất đắp cho các công trình giao thông. Việc thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, đất lúa đối với các dự án có diện tích hơn 50ha trở lên mất nhiều thời gian; trình tự, thủ tục phức tạp, nhiều bộ ngành thẩm định, cho ý kiến.

Chia sẻ thêm về những khó khăn ảnh hưởng tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tại địa phương, ông Nguyễn Phi Sông, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Điện Biên cho biết, tổng vốn đầu tư công năm 2023 tỉnh Điện Biên được giao hơn là 4.600 tỷ đồng. Đến giữa tháng 8/2023 mới giải ngân được gần 40% kế hoạch.

Ngoài nguyên nhân khách quan do một số dự án được Trung ương giao vốn chậm thì công tác nghiệm thu, thanh toán khối lượng hoàn thành một số dự án chưa được chủ đầu tư, đơn vị thi công quan tâm; sự phối hợp giữa các đơn vị được giao chủ đầu tư với các cơ quan quản lý nhà nước, địa phương chưa nhịp nhàng, hiệu quả, nhất là trong việc giải phóng mặt bằng và đôn đốc nhà thầu thi công.

Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tại các tỉnh Tây Bắc ảnh 2
Sau nhiều năm tiến hành thỏa thuận hỗ trợ, đền bù, đến nay dự án chỉnh trang đô thị dọc tuyến đường Điện Biên, thành phố Sơn La đã hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng.

Ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Sơn La cho biết, năm 2023, Sơn La được giao 6.171 tỷ đồng vốn đầu tư công. Trong đó, kế hoạch vốn kéo dài từ năm trước hơn 713 tỷ đồng. Đến đầu tháng 9, vốn đầu tư công đã phân bổ, giao chi tiết cho các dự án 5.487 tỷ đồng, tuy nhiên tỉnh mới giải ngân được gần 37% kế hoạch vốn được giao.

Cùng với khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng ảnh hưởng tới tiến độ giải ngân vốn đầu tư công thì tình trạng khan hiếm cát, đá xây dựng trên địa các huyện đã ảnh hưởng tiến độ thi công các công trình, dự án.

Một số chủ đầu tư chưa thật sự quyết liệt trong chỉ đạo, đôn đốc thực hiện dự án. Một số dự án khởi công mới đang triển khai đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, chưa có khối lượng để nghiệm thu thanh toán…

Các tỉnh đã có văn bản yêu cầu tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công; có chế tài xử lý nghiêm theo quy định pháp luật các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công…

Chỉ đạo quyết liệt

Tại các cuộc họp đối thoại nhằm giải quyết khó khăn, vướng mắc do trực tiếp Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh: Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên chủ trì đã xác định rõ, giải ngân đầu tư công là một trong các nhiệm vụ chính trị trọng tâm, tập trung ưu tiên trong chỉ đạo, điều hành gắn với trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ban, ngành, địa phương.

Trong đó, yêu cầu các sở, ngành, huyện, thành phố tại các tỉnh này tiếp tục tham mưu, đề xuất, nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổ công tác đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.

Các tỉnh cũng có văn bản yêu cầu tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công; có chế tài xử lý nghiêm theo quy định pháp luật các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công…

Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tại các tỉnh Tây Bắc ảnh 3

Các nhà thầu tập trung máy móc, phương tiện đẩy nhanh tiến độ thi công dự án nâng cấp, mở rộng sân bay Điện Biên Phủ.

Ông Lê Thành Đô, Chủ tịch Ủy ban nhân tỉnh Điện Biên cho biết, để triển khai có hiệu quả và thực hiện thành công kế hoạch đầu tư công trong những tháng cuối năm 2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo cụ thể từng nhóm nguồn vốn, gồm: nguồn vốn ngân sách nhà nước đã được giao từ đầu năm; Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và nhóm nguồn vốn thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Hiện tại, tỉnh đã thực hiện rà soát, cắt giảm, điều chuyển vốn của các đơn vị, địa phương và các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp sang các đơn vị, địa phương và các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn. Phân công cụ thể lãnh đạo phụ trách các chương trình, dự án, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu lãnh đạo phụ trách phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tiến độ; lấy kết quả giải ngân từng chương trình, dự án làm căn cứ đánh giá xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ được giao đảm nhiệm.

Lê Thành Đô, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên

Cũng với quyết tâm hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La đã giao các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố lập kế hoạch, tiến độ giải ngân chi tiết của từng dự án; phân công cụ thể lãnh đạo phụ trách trực tiếp, thường xuyên giám sát, kiểm tra hiện trường, kịp thời chấn chỉnh tồn tại, bất cập, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải ngân của từng nhiệm vụ, dự án. Yêu cầu Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố báo cáo Ban Thường vụ huyện ủy, thành ủy trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng phục vụ thi công các dự án.

Ông Lê Văn Thanh, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn xây dựng và thương mại Thanh Thi, huyện Mộc Châu (tỉnh Sơn La), cho biết, địa bàn huyện Mộc Châu, Vân Hồ và nhiều huyện khác của tỉnh đang trong tình trạng thiếu đá phục vụ công trình xây dựng; giá vật liệu xây dựng thông thường của nhiều công trình đã vượt nhiều so dự toán do phải vận chuyển xa từ các huyện khác. Tuy nhiên, với trách nhiệm của đơn vị thi công, công ty vẫn cố gắng hoàn thành đúng kế hoạch mặc dù gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Phùng Kim Sơn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Sơn La cho biết, để khắc phục tình trạng khan hiếm vật liệu xây dựng trên địa bàn các huyện, trước mắt Sở sẽ rà soát, xem xét đến phương án cấp phép khai thác trong phạm vi khu vực có dự án đầu tư xây dựng công trình (đối với các công trình có khối lượng đào đá, đất lớn) để cấp phép khai thác theo quy định pháp luật.

Về lâu dài, tiếp tục phối hợp các sở, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổng rà soát 106 mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nhưng chưa cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản; rà soát, tháo gỡ 38/68 mỏ khoáng sản được quy hoạch còn lại, dự kiến tiếp tục đưa ra đấu giá các mỏ đủ điều kiện trong năm 2024.

Ngoài việc tiếp tục duy trì Tổ công tác thúc đẩy giải ngân, các tỉnh: Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên còn tổ chức họp định kỳ với các chủ đầu tư để rà soát, nắm bắt và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Sơn La Phùng Kim Sơn

Phấn đấu giải ngân theo kế hoạch vốn đầu tư công được giao, ngoài việc tiếp tục duy trì Tổ công tác thúc đẩy giải ngân, các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên còn tổ chức họp định kỳ với các chủ đầu tư để rà soát, nắm bắt và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Căn cứ quy định, thẩm quyền Ủy ban nhân dân các tỉnh chỉ đạo giải quyết ngay; công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư được chỉ đạo bảo đảm đúng pháp luật và hài hòa lợi ích của nhà nước và người dân.

Đặc biệt các tỉnh khu vực Tây Bắc coi trọng nâng cao chất lượng công vụ, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các cá nhân gây chậm trễ trong việc giao vốn, thanh toán vốn.

back to top