Đẩy nhanh thi công đường liên kết Thái Nguyên-Bắc Giang-Vĩnh Phúc

NDO - Tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên-Bắc Giang-Vĩnh Phúc là dự án hạ tầng quy mô lớn được triển khai theo tinh thần Nghị quyết 11-NQ/TW, ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng trung du miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045. Tỉnh Thái Nguyên đang đốc thúc đẩy nhanh tiến độ thi công để đưa tuyến đường vào sử dụng, thúc đẩy phát triển.
0:00 / 0:00
0:00
Thi công cầu vượt đường sắt kết nối với nút giao Yên Bình.
Thi công cầu vượt đường sắt kết nối với nút giao Yên Bình.

Tuyến đường Thái Nguyên-Bắc Giang-Vĩnh Phúc được xây dựng nhằm liên kết tiểu vùng, kết nối ba tỉnh có nhiều khu, cụm công nghiệp và có vai trò đặc biệt thúc đẩy thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ đối với tỉnh Thái Nguyên. Do vậy, tỉnh Thái Nguyên xác định là dự án trọng điểm nên thường xuyên đốc thúc đẩy nhanh tiến độ thi công.

Tuyến đường dài gần 43km, được xây dựng theo tiêu chuẩn đường đô thị và đường cấp II, từng đoạn được thiết kế rộng từ 12m đến 47m, tổng mức đầu tư hơn 4.200 tỷ đồng, được khởi công xây dựng tháng 5/2022, tiến độ thi công 30 tháng, nhưng tỉnh Thái Nguyên đang phấn đấu hoàn thành trước 6 tháng.

Được tỉnh Thái Nguyên giao làm chủ đầu tư, ngay từ khi khởi công, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Thái Nguyên tích cực phối hợp với hai địa phương có tuyến đường đi qua là thành phố Phổ Yên và huyện Đại Từ để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, cử cán bộ bám sát toàn tuyến nhằm thúc đẩy tiến độ tại 16 mũi thi công và quản lý chất lượng xây dựng.

Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên thường xuyên kiểm tra thực tế, tổ chức nhiều buổi giao ban để chỉ đạo, giải quyết khó khăn, vướng mắc về mặt bằng, tiến độ, vật liệu đất đắp nhằm đẩy nhanh tiến độ.

Tại đoạn nhánh 2 Đèo Nhe dài hơn 3km tại xã Phúc Thuận, thành phố Phổ Yên thông sang tỉnh Vĩnh Phúc, Đội trưởng thi công số 1 thuộc Tổng Công ty 319 Đỗ Văn Miên cho biết: Thời gian vừa qua chúng tôi huy động tối đa nhân lực và thiết bị, gồm 8 máy xúc, 20 ô-tô vận tải, 10 máy lu liên tục làm việc trên công trường đến ngày 28 tháng Chạp, ngày mùng 6 Tết lại đồng loạt ra quân với khí thế mới.

Công trường thi công cầu vượt đường sắt dài 300m kết nối nút giao Yên Bình trên địa bàn phường Nam Tiến, thành phố Phổ Yên, ngay sau Tết Nguyên đán Quý Mão đã nhộn nhịp trở lại.

Ông Phạm Quang Mạnh, cán bộ giám sát thi công của chủ đầu tư, cho hay: Chúng tôi đang yêu cầu nhà thầu là Công ty Minh Đăng huy động tối đa nhân lực, máy móc cho công trình.

Là dự án lớn, cần lượng đất đắp nền đường rất lớn, trong khi nguồn cung từ các mỏ trên địa bàn khan hiếm ảnh hưởng đến tiến độ. Khắc phục vấn đề này, chủ đầu tư đã chỉ đạo, trước mắt các nhà thầu sử dụng nguồn đất điều phối trong dự án và tích cực tìm kiếm nguồn đất đắp để đáp ứng nhu cầu cho dự án.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là giải phóng mặt bằng chưa đáp ứng yêu cầu tiến độ thi công khẩn trương trên toàn tuyến. Cụ thể, có khu tái định cư vẫn chưa được khởi công xây dựng, nhiều khu tái định cư chưa hoàn thiện hạ tầng, chưa thể chuyển dân đến sinh sống nên chưa có mặt bằng thi công; mặt bằng nhiều đoạn trong tình trạng “xôi đỗ”, là điểm nghẽn, nút thắt nên chưa thể đưa máy móc, thiết bị vào triển khai thi công được. Di chuyển công trình hiện hữu trong phạm vi tuyến như điện, nước, thông tin còn chậm.

Tại hội nghị giao ban ngay sau Tết Quý Mão, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Thái Nguyên Ngô Mạnh Cường đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các địa phương khẩn trương giải phóng mặt bằng toàn tuyến, trước mắt giải quyết ngay mặt bằng tại các điểm nghẽn, nút thắt để đẩy nhanh tiến độ thi công toàn tuyến. Nếu không tiếp tục quyết liệt giải phóng mặt bằng, việc đưa tuyến đường vào sử dụng trước 6 tháng so với kế hoạch sẽ bị ảnh hưởng.