Cần nâng cấp, mở rộng giao thông nông thôn ở Thái Nguyên

NDO - Những năm qua, tỉnh Thái Nguyên đạt nhiều kết quả xây dựng nông thôn mới với tỷ lệ hơn 80% số xã đạt chuẩn, bình quân đạt khoảng 18 tiêu chí/xã, đứng đầu ở các tỉnh trung du miền núi phía bắc. Tuy nhiên, giao thông nông thôn, nhất là đường liên xóm trên địa bàn tỉnh đến nay trở nên nhỏ, hẹp, không còn đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội ngày càng nhanh.
0:00 / 0:00
0:00
Tuyến đường liên xóm Bến Đò, xã Linh Sơn, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên xuống cấp nghiêm trọng.
Tuyến đường liên xóm Bến Đò, xã Linh Sơn, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên xuống cấp nghiêm trọng.

Với diện tích tự nhiên hơn 3.500 km2, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, đường giao thông nông thôn, liên thôn đã được cứng hóa đến tất cả các thôn, xóm, bản. Đạt được kết quả này, bên cạnh sự đầu tư của Đảng, Nhà nước, hàng chục năm qua tỉnh Thái Nguyên có chính sách hỗ trợ xi-măng cho các địa phương, người dân hăng hái hiến đất, công lao động để làm đường giao thông nông thôn.

Phó Chánh Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên, Trần Nho Hưởng cho biết: “Với quan điểm xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm khởi đầu mà không có điểm kết thúc, dù đạt được nhiều thành tựu, tỉnh Thái Nguyên phấn đấu đến năm 2025 xây dựng 10% số xã nông thôn mới kiểu mẫu. Đây là những hạt nhân, mô hình để lan tỏa, nhân rộng ra toàn tỉnh”.

Cần nâng cấp, mở rộng giao thông nông thôn ở Thái Nguyên ảnh 1
Nhiều tuyến đường liên xã trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên nhỏ, hẹp, ô-tô không thể tránh nhau.

Mặc dù hệ thống đường giao thông nông thôn, trong đó có đường liên xóm, thôn, bản đã được cứng hóa, nhưng đến nay đã bộc lộ hạn chế, đó là chỉ đáp ứng nhu cầu đi lại thông thường, còn việc đi lại bằng ô-tô và vận chuyển hàng hóa đang gặp khó khăn; rất nhiều tuyến đường liên xóm nhỏ hẹp, khi có 2 ô-tô con đi ngược chiều là không thể tránh nhau, ô-tô tải không thể ra, vào vận chuyển hàng hóa.

Cụ thể, tuyến đường liên xóm Hòa Bình-Trại Điện, hoặc Hòa Bình-Mai Kha ở xã Kha Sơn, huyện Phú Bình mặc dù đã được đổ bê-tông, nhưng đường nhỏ hẹp, chỉ rộng hơn 2m nên khi có 2 ô-tô con đi ngược chiều là không thể tránh nhau được, 1 trong 2 ô-tô phải lùi đến vài trăm mét thì tìm được chỗ để tránh.

Lẽ ra, khi triển khai giải phóng mặt bằng, xây dựng các tuyến đường này, trong khi chưa thể mở rộng được, thì tối thiểu khoảng cách chừng 50m thì bố trí mặt bằng, tổ chức một điểm để 2 ô-tô con có thể tránh nhau được.

Ông Trần Văn Đông ở xóm Hòa Bình, xã Kha Sơn trăn trở: “Nhu cầu vận chuyển hàng hóa, vật tư sản xuất của người dân ngày càng lớn, nhưng ô-tô tải không thể vào được. Một số trang trại nuôi lợn ở khu vực Làng Đồng thuộc xóm Mai Kha, nhiều khu vực khác, mỗi khi xuất bán lợn với số lượng lớn, hoặc nhập thức ăn chăn nuôi, xe tải không thể vào được nên phải “tăng bo” làm tăng chi phí, mất nhiều công sức, thời gian”.

Mặt khác, nhiều tuyến đường bê-tông nông thôn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã được xây dựng từ nhiều năm, thậm chí hàng chục năm, đến nay nhiều tuyến đường đã hư hỏng, lún, gãy bê-tông, nhưng kinh phí duy tu, sửa chữa rất hạn chế, thậm chí không có nên ngày càng không đáp ứng được nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân.

Hiện nay, tất cả các xã trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã có quy hoạch cho nhiều năm tới, trong đó có quy hoạch giao thông nông thôn, xác định các tuyến đường liên xóm, thôn, bản tối thiểu rộng 5m trở lên. Tuy nhiên, ở nhiều địa phương, việc quản lý quy hoạch chưa tốt, người dân xây dựng công trình, hàng rào trùm lên quy hoạch đường giao thông.

Những năm tới đây, khi triển khai thực hiện quy hoạch, nhất là khi không có kinh phí bố trí bồi thường giải phóng mặt bằng thì việc mở rộng đường sẽ không dễ dàng như giai đoạn trước, vì việc dỡ công trình, giải tỏa hàng rào, hiến đất sẽ khó khăn hơn.

Thấy rõ bất cập của giao thông nông thôn ở một tỉnh có kinh tế-xã hội, sản xuất nông nghiệp hàng hóa và nhu cầu vận chuyển phát triển nhanh ở Thái Nguyên, các cấp, các ngành chức năng, nhất là chính quyền cấp xã cần quản lý chặt chẽ quy hoạch nông thôn, đặc biệt là quy hoạch giao thông nông thôn để đỡ tốn công sức, lãng phí khi giải phóng mặt bằng sau này.

Đồng thời, các cấp, ngành chức năng cũng ưu tiên nguồn lực của địa phương, tiếp tục huy động sự đóng góp vật chất, ngày công của người dân để nâng cấp, mở rộng giao thông liên xóm, trước mắt là ở các địa bàn trọng điểm để tạo thuận lợi trong việc vận chuyển hàng hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, tạo dấu ấn mới trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.