Theo đánh giá, năm 2022 và 9 tháng năm 2023, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, chịu ảnh hưởng rất lớn của biến động địa chính trị, biến động kinh tế khó dự báo, nhưng ngành Công Thương 15 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung-Tây Nguyên vẫn đạt được một số thành tựu nổi bật.
Cụ thể, 12/15 tỉnh, thành phố trong Khu vực có chỉ số sản xuất công nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn bình quân cả nước (+7,8%). Trong 9 tháng của năm 2023 có12/15 tỉnh, thành phố có chỉ số sản xuất công nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn bình quân cả nước (+0,3%).
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ năm 2022 của Khu vực tăng 27,1% so với năm 2021, cao hơn mức bình quân của cả nước. Trong 9 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 12,9% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng bình quân chung của cả nước.
Nguồn cung hàng hóa tại thị trường trong nước, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, nguyên nhiên liệu thiết yếu phục vụ sản xuất luôn được bảo đảm, đáp ứng tốt nhu cầu phục vụ sản xuất của doanh nghiệp và đời sống của người dân. Kim ngạch xuất khẩu các tỉnh, thành phố Khu vực năm 2022 đạt 16,224 tỷ USD, tăng 4,9% so với cùng kỳ.
Kim ngạch xuất khẩu các tỉnh, thành phố Khu vực 9 tháng năm 2023 đạt 11,609 tỷ USD phục hồi 96,6% so với cùng kỳ, cao hơn mức phục hồi của cả nước, có 7/15 tỉnh, thành phố có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ…
Tặng Bằng khen của Bộ Công thương cho 9 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong năm 2022. |
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, các đại biểu dự hội nghị cũng chỉ ra những hạn chế đó là, lĩnh vực sản xuất công nghiệp của một số tỉnh, thành phố trong khu vực còn chậm phục hồi, tăng trưởng còn thấp, thiếu tính bền vững, khả năng cạnh tranh còn hạn chế.
Công tác xây dựng quy hoạch ngành kéo dài, các quy hoạch có nội dung đan xen, phụ thuộc lẫn nhau khiến quy trình xây dựng, thẩm định và ban hành bị chậm.
Liên kết phát triển giữa các địa phương còn hạn chế, chưa có sự phối hợp đồng bộ, hợp tác liên kết liên doanh giữa các doanh nghiệp trong khu vực để hình thành các trung tâm sản xuất, chuỗi cung ứng hàng hóa dịch vụ nhằm khai thác tốt tiềm năng lợi thế phát triển của toàn vùng.
Trao cờ đăng cai Hội nghị ngành Công thương khu vực miền Trung-Tây Nguyên năm 2024 cho Sở Công thương tỉnh Quảng Trị. |
Để đạt được mục tiêu kế hoạch năm 2023, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành kế hoạch 5 năm 2021-2025 và thực hiện thắng lợi các mục tiêu chung của toàn ngành Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân đề nghị, các địa phương, đặc biệt là các Sở Công Thương tiếp tục tập trung đẩy mạnh triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 01 của Chính phủ.
Tập trung cao để hoàn thành có chất lượng và đúng thời hạn các nhiệm vụ được giao tại Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của ngành Công Thương năm 2023, các dự án sửa đổi, bổ sung các Luật và các chiến lược, quy hoạch phát triển ngành.
Khẩn trương hoàn thiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 trên cơ sở phù hợp với các định hướng phát triển 2 vùng chiến lược đã được Bộ Chính trị thông qua (Tây Nguyên; Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ), Quy hoạch Tổng thể Quốc gia, các Quy hoạch ngành Công thương làm cơ sở xây dựng Chiến lược, Chương trình hành động và các Đề án phát triển công nghiệp, thương mại trên địa bàn đến năm 2030; Bố trí nguồn lực phù hợp để thúc đẩy phát triển công nghiệp và thương mại của địa phương...