Long An tập trung kết nối liên vùng

Long An nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam, là cửa ngõ của vùng Đông Nam Bộ và vùng đồng bằng sông Cửu Long. Những năm qua tỉnh đã đạt được những thành tựu lớn trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trở thành điểm sáng về phát triển công nghiệp và thu hút đầu tư của vùng kinh tế trọng điểm phía nam.
0:00 / 0:00
0:00
Đồng chí Nguyễn Văn Được (thứ hai từ phải sang) kiểm tra, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện công trình đường vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh qua địa bàn tỉnh Long An.
Đồng chí Nguyễn Văn Được (thứ hai từ phải sang) kiểm tra, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện công trình đường vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh qua địa bàn tỉnh Long An.

Để phát huy lợi thế này, Long An đặt ra mục tiêu đến năm 2025 trở thành tỉnh công nghiệp, là cửa ngõ trên tuyến hành lang kinh tế đô thị-công nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ; là đầu mối giao thương quan trọng hợp tác với Campuchia để phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững.

Phóng viên Báo Nhân Dân có cuộc phỏng vấn đồng chí NGUYỄN VĂN ĐƯỢC, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Long An về nội dung này.

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết những kết quả nổi bật của tỉnh Long An trong thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ 11 trong thời gian qua?

Đồng chí Nguyễn Văn Được: Thời gian qua, trước những khó khăn, thách thức của đại dịch Covid-19, tình hình kinh tế-xã hội thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu và trong nước, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Long An đã nỗ lực, phấn đấu thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ 11 đạt được một số kết quả nổi bật trên các lĩnh vực.

Tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt mức cao (năm 2022 đạt 8,46%); quy mô kinh tế đứng đầu vùng đồng bằng sông Cửu Long và đứng thứ 12/63 tỉnh, thành phố. Năm 2020, quy mô kinh tế đạt hơn 130.000 tỷ đồng, chiếm hơn 13% tổng quy mô của vùng.

Đặc biệt, đã hoàn thành việc lập Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để định hướng cho sự phát triển, thu hút đầu tư; là địa phương thứ 10 trên cả nước và địa phương đầu tiên của khu vực phía nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch.

Cơ cấu kinh tế của tỉnh tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tăng dần tỷ trọng công nghiệp, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp. Thu nhập người dân đạt mức cao so với vùng đồng bằng sông Cửu Long, sau Cần Thơ. Công nghiệp, xây dựng tiếp tục phát triển khá cao, quy mô sản xuất công nghiệp đứng đầu vùng, là động lực tăng trưởng của tỉnh. Thu hút đầu tư trong nước, nước ngoài đứng đầu vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Các hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, môi trường đầu tư không ngừng được cải thiện. Các chỉ số cải cách hành chính, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh luôn nằm trong nhóm tốt, đứng thứ 10/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Hệ thống hạ tầng kinh tế-xã hội ngày càng đồng bộ; nhất là hạ tầng giao thông, cấp điện, cấp nước... cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển. Thương mại-dịch vụ phát triển ổn định, kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng khá, chiếm tỷ trọng cao trong vùng. Thu ngân sách hằng năm vượt dự toán, năm 2020 thu ngân sách đứng đầu vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Chương trình xây dựng nông thôn mới được tập trung thực hiện, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, hiện đại, văn minh hơn, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân tiếp tục được cải thiện. Văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ, đạt, vượt kế hoạch đề ra; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội; quốc phòng, an ninh nội chính luôn được giữ vững.

Công tác đối ngoại đạt được nhiều kết quả tích cực. Hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố, kiện toàn, nâng chất lượng, hiệu quả hoạt động.

Phóng viên: Xin đồng chí chia sẻ những kinh nghiệm, bài học thực tiễn trong công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trong thời gian qua?

Đồng chí Nguyễn Văn Được: Đảng bộ tỉnh luôn kiên định, nhất quán những kinh nghiệm, phương châm được rút ra từ thực tiễn, đó là: Đoàn kết thống nhất nội bộ, giữ vững kỷ cương, thực hiện đúng các nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Đảng, Quy chế làm việc của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa 11.

Tính quyết liệt, quyết đoán, quyết tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đặc biệt là tính tiên phong của người đứng đầu cấp ủy các cấp; từ đó, tạo thành sức mạnh để lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, yếu kém trong quá trình triển khai.

Đổi mới tư duy, thay đổi tác phong, lề lối làm việc, phát huy tính năng động, sáng tạo và nhất quán quan điểm "xem người dân là đối tượng phải phục vụ, xem doanh nghiệp là động lực, nguồn lực cho quá trình phát triển".

Phát huy tối đa sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, thống nhất ý chí và hành động trong toàn Đảng bộ, tạo sự đồng thuận trong nhân dân với tinh thần "nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân". Phát triển kinh tế phải đi đôi với ổn định xã hội và bảo vệ môi trường bền vững, xem bảo vệ môi trường là vấn đề hết sức quan trọng, không thể đánh đổi trong quá trình phát triển kinh tế.

Phóng viên: Với tầm nhìn chiến lược của tỉnh đến 2050 sẽ trở thành đại công trường với hàng loạt các công trình trọng điểm quốc gia và công trình trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ 11; xin đồng chí cho biết thêm về những khó khăn mà tỉnh phải đối mặt trong quá trình triển khai thực hiện?

Đồng chí Nguyễn Văn Được: Như chúng ta thấy, giao thông luôn là "điểm nghẽn" lớn cho sự phát triển của các địa phương. Để đưa đồng bằng sông Cửu Long nói chung, tỉnh Long An nói riêng "cất cánh", phát triển bền vững cùng cả nước, cần phải khai thông điểm nghẽn này và tạo thành những kết nối giao thông mang tính liên kết nội vùng, liên vùng.

Trong quá trình giải quyết bài toán khó nêu trên, có hai vấn đề luôn đặt ra nhiều khó khăn, thách thức nhất, đó là nguồn vốn đầu tư và công tác giải phóng mặt bằng.

Giai đoạn 2021-2030, tổng nhu cầu nguồn vốn triển khai, thực hiện các công trình giao thông trọng điểm, đột phá của tỉnh ước tính hơn 78.000 tỷ đồng; trong đó, tổng vốn đầu tư đường vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Long An là hơn 48.000 tỷ đồng; Quốc lộ 50B hơn 18.600 tỷ đồng... Những con số trên cho thấy, tỉnh cần nguồn lực rất lớn để phá vỡ những "ách tắc", phát triển hạ tầng giao thông.

Do đó, việc huy động tối đa và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế để cùng ngân sách nhà nước đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ phục vụ phát triển công nghiệp, đô thị vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh là vô cùng quan trọng.

Trong đó, sự hỗ trợ từ ngân sách trung ương là một nguồn lực quan trọng, giúp tỉnh giảm bớt áp lực về nguồn vốn nhằm tăng cường năng lực cải tạo kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, tăng cường kết nối với các tỉnh lân cận, đặc biệt là kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh.

Công tác giải phóng mặt bằng luôn là vấn đề trăn trở cho sự phát triển của tỉnh. Tỉnh đã yêu cầu người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị phải trực tiếp giải quyết những việc khó, phức tạp trong bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, không "khoán trắng" cho cấp dưới.

Để đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm, các ban, ngành, địa phương cũng như người dân sống trong khu vực có dự án đi qua cần chung tay, góp sức vào công cuộc xây dựng hạ tầng theo tinh thần tự nguyện; lấy quan điểm "lộ thông tài thông" làm kim chỉ nam trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế tỉnh nhà. Lãnh đạo tỉnh khuyến khích biểu dương đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo trong công tác, dám nghĩ, dám làm, tự chịu trách nhiệm.

Từ những quan điểm đổi mới nêu trên, Tỉnh ủy Long An đã ban hành Nghị quyết về "Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh". Điểm sáng của Nghị quyết lần này là cải tiến công tác tái định cư cho người dân, quán triệt tư tưởng "được tái định cư" thay vì "bị tái định cư", "nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ"; đặt quyền, lợi ích chính đáng và ổn định cuộc sống cho người dân bị thu hồi đất lên trên hết, trước hết.

Phóng viên: Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và hiện thực hóa các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 11 đã đề ra, Đảng bộ tỉnh Long An đã có những giải pháp đột phá nào?

Đồng chí Nguyễn Văn Được: Nhằm phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh, với khát vọng đưa Long An trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam, Đảng bộ tỉnh Long An đã, đang tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm như sau:

Nâng cao chất lượng tăng trưởng, tăng sức cạnh tranh. Tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp tái cơ cấu ngành công nghiệp. Tập trung phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng, công nghiệp sạch, trong đó chú trọng thu hút đầu tư nhất là các tập đoàn quốc tế, có sản phẩm thương hiệu mạnh để tạo điều kiện thúc đẩy liên kết phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm công nghiệp hỗ trợ hình thành chuỗi sản xuất cung ứng ổn định bền vững; nâng cao sức cạnh tranh các sản phẩm của vùng, tham gia nhiều hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Huy động hiệu quả các nguồn lực cải thiện hệ thống hạ tầng, trọng tâm là hạ tầng giao thông liên kết vùng. Phát huy vai trò là cửa ngõ vùng đồng bằng sông Cửu Long và vùng Đông Nam Bộ, tăng cường đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ với các tỉnh nội vùng, liên vùng, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế toàn vùng, đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư trong và ngoài nước; đặc biệt là hoàn thiện các trục giao thông động lực, gồm: Đường vành đai 3, vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh; Quốc lộ 50B (trục kết nối Long An-Tiền Giang-Thành phố Hồ Chí Minh); đường song song Quốc lộ 62; Quốc lộ N1...

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế cho vùng và cho cả nước. Long An cũng xác định nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố quan trọng để tỉnh bứt phá. Tỉnh cũng sẽ tăng cường kỹ năng cho lực lượng lao động bằng cách cung cấp chương trình đào tạo nghề, hợp tác với các trường đại học và doanh nghiệp.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng, giảm đến mức thấp nhất chi phí, thời gian cho người dân và doanh nghiệp, nỗ lực duy trì xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số cải cách hành chính với thứ hạng cao trong nhóm "Tốt đến rất tốt" và bảo đảm tính bền vững. Góp phần tạo môi trường hành chính lành mạnh, minh bạch, khơi thông các nguồn lực đầu tư nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nhanh, bền vững trong những năm tiếp theo.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!