Đắk Nông đồng hành hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Sau gần 10 năm tổ chức thi hành Luật Đất đai năm 2013, công tác quản lý đất đai đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ, khả thi cho việc khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực đất đai, phát triển các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhà ở đô thị; tạo điều kiện cho đất đai tham gia vào thị trường bất động sản; tăng đáng kể nguồn thu ngân sách, đóng góp tích cực cho việc phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước.
0:00 / 0:00
0:00
Luật Đất đai năm 2013 đã tạo hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ, khả thi cho việc khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực đất đai.
Luật Đất đai năm 2013 đã tạo hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ, khả thi cho việc khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực đất đai.

Luật Đất đai năm 2013 bứt phá với nhiều điểm mới so với Luật Đất đai 1987, Luật Đất đai 1993, Luật Đất đai 2003, cụ thể như: Phương pháp lập quy hoạch theo hướng nâng cao chất lượng và tính khả thi của phương pháp quy hoạch, làm rõ nội dung về chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất của từng cấp, tạo tính linh hoạt và chủ động của địa phương trong xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội; xác định rõ chỉ tiêu đất lúa của cả nước cần bảo vệ để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, quỹ đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, các khu bảo tồn thiên nhiên nhằm bảo vệ môi trường phục vụ phát triển bền vững.

Về công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đã ban hành thống nhất một loại giấy chứng nhận, khắc phục được những bất cập trước đây, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, thời gian giải quyết một số thủ tục được rút ngắn hơn. Đổi mới công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư, góp phần quan trọng trong việc tháo gỡ cơ bản về cơ chế, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Đắk Nông đồng hành hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) ảnh 1

Luật Đất đai góp phần phát triển các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhà ở đô thị, tạo điều kiện cho đất đai tham gia vào thị trường bất động sản, tăng đáng kể nguồn thu cho ngân sách.

Tuy nhiên, cùng với tốc độ phát triển của xã hội, hòa nhập vào thời kỳ công nghiệp 4.0 đòi hỏi công cụ quản lý nhà nước trong tất cả các lĩnh vực nói chung và lĩnh vực đất đai nói riêng phải phát triển đáp ứng yêu cầu cao hơn. Mặt khác, trong gần 10 năm đồng hành cùng với công tác quản lý nhà nước, Luật Đất đai năm 2013 đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như: Quy hoạch sử dụng đất chưa bảo đảm tính đồng bộ, tổng thể, hệ thống, chất lượng chưa cao; việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư có nơi chưa bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân; thị trường quyền sử dụng đất phát triển chưa ổn định.

Ngoài ra, cải cách hành chính trong quản lý đất đai chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn; tài chính đất đai và giá đất chưa phản ánh đúng thực tế thị trường; năng lực quản lý nhà nước về đất đai chưa đáp ứng được yêu cầu; cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin đất đai chưa được hoàn thiện. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai là một đòi hỏi tất yếu khách quan nhằm đáp ứng yêu cầu của đời sống nhân dân và chiến lược phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Đắk Nông đồng hành hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) ảnh 2

Đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai là rất cần thiết, nhằm giải quyết những điểm nghẽn, bất cập trong công tác quản lý, sử dụng đất đai và phát huy tốt hơn nữa nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế-xã hội.

Để tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai nhằm giải quyết những điểm nghẽn, bất cập trong công tác quản lý, sử dụng đất đai và phát huy tốt hơn nữa nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế-xã hội, ngày 23/12/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15 về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và ngày 31/12/2022, Chính phủ cũng đã có Nghị quyết số 170/NQ-CP về ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Việc lấy ý kiến nhằm mục tiêu là có thể huy động trí tuệ, tâm huyết của nhân dân hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi) bảo đảm chất lượng, khoa học, khả thi, đồng bộ, hiệu quả; phản ánh ý chí, nguyện vọng, vì lợi ích nhân dân cũng như tạo sự thống nhất, đồng thuận của nhân dân đối với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà Nước về đất đai.

Trên cơ sở đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông ban ban hành Kế hoạch số 11/KH-UBND ngày 9/1/2023 về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); ban hành các văn bản đôn đốc thực hiện Kế hoạch, đồng thời tổ chức Hội nghị trực tiếp lấy ý kiến góp ý của các địa phương và cơ quan liên quan. Hội nghị đã thu hút được hơn 100 lượt người tham gia, bổ sung thêm nhiều ý kiến góp ý mang tính thực tiễn từ đó góp phần đưa Luật vào cuộc sống đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Đắk Nông đồng hành hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) ảnh 3

Việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai là một đòi hỏi tất yếu khách quan, nhằm đáp ứng yêu cầu của đời sống nhân dân và chiến lược phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Sau khi Kế hoạch được Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông ban hành, đồng loạt trên toàn địa bàn các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố đã ban hành Kế hoạch, công văn chỉ đạo, thực hiện tổ chức lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), có hơn 85 cuộc hội nghị, hội thảo và các buổi tọa đàm lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được tổ chức.

Nhờ công tác thông tin, truyền thông tốt, cũng như sự đồng thuận của các cấp chính quyền quyết tâm chung tay giải quyết những bất cập, đưa công cụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai lên tầm cao mới, đến nay trên đại bàn tỉnh Đắk Nông đã nhận được hơn 1.000 lượt ý kiến góp ý của tổ chức, cá nhân cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Các ý kiến góp ý chủ yếu tập vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; phát triển quỹ đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai; cơ chế, chính sách tài chính, giá đất; chế độ quản lý, sử dụng các loại đất; phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực; hộ gia đình sử dụng đất.

Để phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong Luật Đất đai năm 2013 chưa có những quy định đặc thù, phù hợp với văn hóa, sinh kế của đồng bào đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh,…

Đặc biệt, đối với những khó khăn, vướng mắc đã tồn tại trong nhiều năm qua trên địa tỉnh Đắk Nông, mặc dù Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức nhiều cuộc họp với các cơ quan liên quan để giải quyết, tuy nhiên vẫn chưa đến kết quả cuối cùng thì trong lần góp ý này cũng được đưa vào nội dung góp ý sửa đổi.

Cụ thể, việc xử lý diện tích đang bị lấn, chiếm trong các công ty nông, lâm nghiệp sắp xếp, đổi mới, vì phần lớn diện tích này bị người dân lấn, chiếm từ trước và đang trực tiếp sử dụng đất; việc thiếu đất sản xuất, đời sống của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, để phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong Luật Đất đai năm 2013 chưa có những quy định đặc thù, phù hợp với văn hóa, sinh kế của đồng bào đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh,…

Sở Tài nguyên và Môi trường đã tổng hợp các góp ý, những tồn tại trên tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường kịp thời, góp phần hoàn chỉnh dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) để lấy ý kiến góp ý đại biểu Quốc hội tại các kỳ họp của Quốc hội khóa XV.

Đắk Nông đồng hành hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) ảnh 4

Việc xử lý diện tích đất đang bị lấn, chiếm trong các công ty nông, lâm nghiệp sắp xếp, đổi mới còn vướng các quy định của Luật Đất đai và các Luật liên quan nên không thể xử lý dứt điểm vụ việc.

Thông qua rất nhiều lần sửa đổi, bổ sung tại các kỳ họp của Quốc hội khóa XV, đến nay cơ bản dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã đạt được những kỳ vọng mà các cấp quản lý về ngành, lĩnh vực đặt ra. Cụ thể, dự thảo Luật tiếp tục quy định bảng giá đất được ban hành hằng năm để bảo đảm giá đất phù hợp với nguyên tắc thị trường. Tuy nhiên, bổ sung quy định về chuyển tiếp thực hiện theo hướng tiếp tục sử dụng bảng giá đất hiện hành đến hết 31/12/2025 để các địa phương có đủ thời gian xây dựng, ban hành bảng giá đất mới theo quy định mới của Luật Đất đai.

Dự thảo Luật đã bổ sung quy định phân cấp thẩm quyền thu hồi đất cho Ủy ban nhân dân cấp huyện không phân biệt người sử dụng đất là tổ chức hay cá nhân, trừ trường hợp thu hồi đất quốc phòng, an ninh; quy định trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số,…

Đắk Nông đồng hành hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) ảnh 5

Việc thiếu đất sản xuất, đời sống của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn cũng là yếu tố khách quan cần được xem xét đưa vào nội dung Luật đất đai (sửa đổi).

Những đóng góp bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo vào dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) của các địa phương tại Đắk Nông và trên cả nước sẽ là thông tin khách quan, đa chiều để Quốc hội có cơ sở xem xét, thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi), làm cho nền thể chế chính sách, hiệu quả quản lý sử dụng đất được nâng lên một tầm cao mới.