Liên kết giữa các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long

NDO - Trong thời gian qua, các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long đã dần mở rộng và đa dạng hóa các loại hình hợp tác, liên kết sản xuất-kinh doanh, tiêu thụ; gắn sản xuất nông nghiệp với chế biến, tiêu thụ sản phẩm; gắn sản xuất với phát triển dịch vụ du lịch sinh thái thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, bảo đảm tính liên kết giữa các địa phương với nhau.
Lúa là nông sản chủ lực và các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long cần liên kết lại với nhau.
Lúa là nông sản chủ lực và các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long cần liên kết lại với nhau.

Tuy nhiên, việc liên kết này cũng còn khá lỏng lẻo, mạnh ai nấy làm, thiếu tính bền vững. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định số 974/QĐ-TTg ngày 19/8/2023 thành lập Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Cửu Long nhằm đổi mới cơ chế điều phối vùng, thúc đẩy phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu.

Hướng mở từ Tiền Giang

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng sản xuất và xuất khẩu lương thực, thực phẩm, thủy hải sản và trái cây lớn nhất của cả nước; đóng góp khoảng 50% sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu, gần 65% sản lượng thủy sản nuôi trồng, 60% lượng cá xuất khẩu và gần 70% các loại trái cây của cả nước; là khu vực có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt và nhiều vườn cây, rừng cây rộng lớn; nhiều khu dự trữ sinh quyển, vườn quốc gia, khu bảo tồn tự nhiên được công nhận là khu Ramsar của thế giới.

Nắm bắt được lợi thế của mình, Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Tiền Giang nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định các khâu đột phá như: “Tập trung đầu tư, hình thành hệ thống các sản phẩm chủ lực, vùng động lực; nâng cao chất lượng, hiệu quả, ứng dụng khoa học và công nghệ vào khâu sản xuất-chế biến-tiêu thụ trái cây”. Trên cơ sở đó, Tiền Giang luôn quan tâm và tạo điều kiện để các doanh nghiệp chú trọng đầu tư mạnh vào khai thác công nghiệp chế biến, đặc biệt là công nghiệp chế biến sâu vào các mặt hàng nông sản; quan tâm mời gọi đầu tư, cấp mới và điều chỉnh một số dự án đầu tư trong đó có các dự án chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Liên kết giữa các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long ảnh 1

Trồng và chăm sóc thanh long tại huyện Chợ Gạo (Tiền Giang).

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh cho biết, địa phương cũng đã ban hành các chính sách đặc thù và một số giải pháp phát triển công nghiệp chế biến sâu, ứng dụng công nghệ cao để gia tăng giá trị cho các sản phẩm nông sản như: quy định chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang; chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; quy định nội dung chi, mức chi hỗ trợ cho các hoạt động khuyến nông trên địa bàn tỉnh Tiền Giang; phân bổ nguồn kinh phí hỗ trợ bảo vệ, phát triển đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Trên địa bàn tỉnh Tiền Giang hiện có 37 doanh nghiệp chế biến nông, thủy sản xuất khẩu trực tiếp, trong đó, có 23 doanh nghiệp chế biến thủy sản tham gia xuất khẩu, 7 doanh nghiệp chế biến rau quả xuất khẩu và 7 doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Ngoài ra, địa phương có 195 cơ sở chế biến lương thực, chủ yếu chế biến về gạo, tổng công suất trên 2,5 triệu tấn/năm.

Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của tỉnh Tiền Giang đang tập trung mạnh vào sự chuyển hướng từ lượng sang chất, từ các thị trường truyền thống sang thị trường chất lượng cao, giá bán cao trên cơ sở đáp ứng đầy đủ các yêu cầu, tiêu chí về chất lượng, mẫu mã sản phẩm, có hệ thống quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo đảm truy xuất nguồn gốc, gạo đạt các chỉ tiêu cơ lý, bảo đảm độ thuần chủng.

Liên kết giữa các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long ảnh 2

Thu hoạch tại vùng nguyên liệu lúa ở xã Hậu Mỹ Trinh, huyện Cái Bè (Tiền Giang).

Bên cạnh đó, Tiền Giang hiện có 6 nhà máy chế biến hàng rau quả được đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao giá trị, đa dạng hóa sản phẩm để phục vụ nhu cầu xuất khẩu trực tiếp và góp phần thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp chế biến của tỉnh.

Một số doanh nghiệp đã đầu tư công nghệ bảo quản lạnh, năng suất cao để bảo quản nông sản với công suất trên 9.000 tấn như: Công ty cổ phần công nghiệp thực phẩm Thabico, với dây chuyền chế biến rau quả cấp đông sấy thăng hoa hiện đại, công suất 150 tấn nguyên liệu/ngày; Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất trái cây Hùng Phát thuộc Tập đoàn Andros Pháp, với công suất chế biến 16.000 tấn/năm; Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Long Uyên, với công suất 10.000 tấn nguyên liệu/năm; Công ty cổ phần rau quả Tiền Giang, với công suất 11.000 tấn thành phẩm/năm; Công ty trách nhiệm hữu hạn MT, với công suất 3.000 tấn nguyên liệu/năm; Công ty trách nhiệm hữu hạn trái cây Lộc Phát, với công suất 4.500 tấn nguyên liệu/năm...

Các sản phẩm được xuất khẩu sang các thị trường chủ yếu như: thị trường EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga… gồm trái cây đóng hộp, nước quả cô đặc và puree.

Đẩy mạnh liên kết vùng

Thời gian qua, tỉnh Tiền Giang tập trung đẩy mạnh liên kết vùng đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là Tiểu vùng Đồng Tháp Mười (Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp) và Tiểu vùng Duyên hải phía đông (Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long) để phát huy lợi thế về tiềm năng logistics, phát triển thị trường tiêu thụ nông sản và phát triển du lịch.

Trong đó, tỉnh Tiền Giang cũng như các địa phương trong khu vực đã và đang tổ chức lại sản xuất nhằm phát triển vùng trồng cây ăn trái tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao cho các vùng lúa, rau, cây ăn trái, dừa, vùng nuôi tôm, cá trọng điểm, đưa khu vực này trở thành trung tâm sản xuất, chế biến cung ứng một số sản phẩm nông sản đặc sản, chất lượng cao xuất khẩu, cung ứng cho thị trường trong và ngoài nước.

Liên kết giữa các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long ảnh 3

Thương lái mua lúa về cung ứng cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo tại xã Hậu Mỹ Bắc A, huyện Cái Bè (Tiền Giang).

Ngoài ra, Tiền Giang cũng như các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long đã tổ chức liên kết các tuyến điểm du lịch đường thủy giữa các địa phương: Mỹ Tho-Rạch Giá-Nam Du; Thành phố Hồ Chí Minh-Mỹ Tho-Vĩnh Long-Cần Thơ… nhằm đa dạng hóa các sản phẩm du lịch sông nước, miệt vườn, nâng cao sức cạnh tranh, tạo sự hấp dẫn để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.

Mới đây, các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long đã tập trung thảo luận, bàn giải pháp nâng cao chất lượng liên kết trên các lĩnh vực đang phối hợp, nhất là công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển qua các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre và Trà Vinh; đầu tư các tuyến giao thông thủy, bộ kết nối các địa phương như: Cầu Mỹ Thuận 2 kết nối tỉnh Tiền Giang và tỉnh Vĩnh Long, Cầu Rạch Miễu 2 kết nối tỉnh Tiền Giang và tỉnh Bến Tre, đầu tư cầu thay thế cho phà Đình Khao kết nối tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Bến Tre để giải tỏa nút thắt trên quốc lộ 57, nâng cấp cải tạo quốc lộ 53 đoạn Long Hồ-Ba Si kết nối tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Trà Vinh; liên kết quảng bá và phát triển sản phẩm du lịch, phát triển vùng trồng, vùng nuôi trong sản xuất nông nghiệp; tăng cường phòng, chống xâm nhập mặn trên sông Hàm Luông (Bến Tre)...

Để việc liên kết thêm hiệu quả, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam cho rằng: “Chúng ta cần tăng cường liên kết để tạo các vùng nguyên liệu tập trung, bảo đảm sản lượng và chất lượng nông sản, nhất là đối với các loại trái cây có thế mạnh của tiểu vùng. Cầu Đình Khao sẽ trở thành điểm nhấn để kết nối du lịch, là tiền đề để 3 tỉnh Tiền Giang-Bến Tre-Vĩnh Long liên kết tổ chức Festival hoa cảnh, cây trái”.

Nói về hướng liên kết các địa phương trong thời gian tới, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời cho biết, địa phương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn trong việc liên kết giữa các tỉnh trong tiểu vùng. Các công trình, dự án trọng điểm có tính liên kết vùng cũng được địa phương đặc biệt quan tâm nhằm đẩy nhanh tiến độ, mang lại hiệu quả tốt nhất cho các tỉnh, thành trong khu vực cũng như của đồng bằng sông Cửu Long.

Trong một hội nghị liên kết vùng mới đây được tổ chức tại tỉnh Tiền Giang, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh cho rằng, nội dung liên kết giữa 4 tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh và Vĩnh Long trong thời gian tới cần cụ thể, bám sát tinh thần Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 287/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và 8 định hướng liên kết trong Biên bản ghi nhớ số 166 của Tỉnh ủy Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh và Vĩnh Long.

Song song với việc tăng cường liên kết trong các lĩnh vực đầu tư hạ tầng giao thông kết nối, đầu tư hệ thống cấp nước sinh hoạt; phòng, chống hạn, mặn, trữ ngọt, nạo vét luồng lạch; tăng cường đấu tranh với tội phạm khai thác cát trái phép, đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh mong rằng các tỉnh cần phối hợp, đồng thuận trong giải quyết những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc giữa các địa phương.