Bất cập về thủ tục hành chính
Trong 2 năm 2022 và 2023, tỉnh Đắk Nông được phân bổ tổng vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững (Chương trình) gần 548 tỷ đồng. Đến ngày 30/9, tổng vốn đã giải ngân toàn Chương trình, lũy kế giải ngân vốn 2 năm là hơn 149 tỷ đồng, đạt hơn 27,2%, trong đó, nguồn vốn năm 2022 giải ngân được gần 139 tỷ đồng, đạt hơn 63,6% trên tổng vốn được bố trí, nguồn vốn năm 2023 giải ngân được gần 11 tỷ đồng, chỉ đạt 3,15% trên tổng vốn được bố trí.
Tỉnh Đắk Nông đánh giá, nguyên nhân đạt thấp do giai đoạn đầu hệ thống cơ sở pháp lý chưa hoàn thiện, văn bản hướng dẫn chậm ban hành cho nên việc triển khai gặp nhiều khó khăn.
Chương trình giai đoạn 2021-2025 có nhiều thay đổi về đối tượng, phạm vi, nội dung hỗ trợ, cơ chế quản lý Chương trình so với giai đoạn trước; số dự án, tiểu dự án thành phần nhiều hơn; cơ chế quản lý chặt chẽ hơn, nên các cấp, các ngành cần có nhiều thời gian để được nghiên cứu, hướng dẫn triển khai bài bản, kỹ lưỡng so với giai đoạn trước.
Các nội dung hướng dẫn Chương trình được quy định tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, nội dung của các văn bản thường rất dài, trong khi năng lực chuyên môn, hiểu biết của đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp thôn, cấp xã còn hạn chế...
Mặt khác, theo quy định tại Nghị định 27/2022/NĐ-CP và Nghị định 38/2023/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của bộ, ngành Trung ương thì trong giai đoạn 2021-2025, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải ban hành rất nhiều nghị quyết, quyết định, kế hoạch để tổ chức thực hiện Chương trình, phần lớn là văn bản quy phạm pháp luật, đòi hỏi phải được xây dựng và ban hành theo trình tự chặt chẽ.
Cán bộ các cấp, các ngành dành nhiều thời gian để nghiên cứu, phối hợp tham mưu hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm tại địa phương, điều này ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ tổ chức thực hiện Chương trình. Vốn đầu tư phát triển chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu vốn toàn Chương trình, tuy nhiên trên địa bàn tỉnh, một số dự án sử dụng vốn đầu tư phát triển có tiến độ giải ngân chậm, hoặc tỷ lệ giải ngân chưa cao, do vướng quy hoạch bô-xít và quy hoạch ba loại rừng làm ảnh hưởng tới tổng tỷ lệ giải ngân của toàn Chương trình.
Chính sách hỗ trợ về lĩnh vực việc làm và giáo dục nghề nghiệp thuộc 3 chương trình giai đoạn 2021-2025 cơ bản các đối tượng, nội dung hỗ trợ là giống nhau dẫn đến các địa phương, đơn vị liên quan xây dựng chương trình, kế hoạch và triển khai thực hiện gặp khó khăn, dễ trùng lặp, chồng chéo.
Ngoài ra, một số dự án, tiểu dự án không có đối tượng đăng ký tham gia, như tiểu dự án 1 thuộc dự án 4 phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn, các đối tượng đăng ký hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng đa số là người dân tộc thiểu số, nên kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề chủ yếu sử dụng nguồn Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; dự án 2; tiểu dự án 1 thuộc dự án 3, tiểu dự án 2 thuộc dự án 3, quá trình triển khai cơ quan được giao vốn không nhận được hồ sơ đăng ký tham gia dự án; năng lực, nhân lực của đơn vị được giao vốn không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; không phát sinh nội dung chi từ dự án đã được cấp kinh phí…
Nhiều giải pháp đẩy nhanh tiến độ
Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Nông Hoàng Viết Nam cho rằng, để đẩy nhanh tiến độ và thực hiện có hiệu quả Chương trình cần nâng cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành của các đơn vị, địa phương, tập trung đi vào chiều sâu theo mục tiêu đã đề ra; tránh tình trạng thụ động, máy móc. Phát huy hơn nữa vai trò của đội ngũ cán bộ tham mưu về trách nhiệm, tránh tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, chờ đợi để làm theo; thiếu chủ động nghiên cứu, tham mưu đề xuất trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
Tại huyện Đắk Glong, việc triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững hiện rất chậm và đang gặp nhiều khó khăn, vướng quy hoạch bô-xít, nhất là tiểu dự án 1 thuộc dự án 4, tiểu dự án 1 thuộc dự án 3, vấn đề quản lý bảo vệ rừng, trồng rừng, tái tạo rừng...
Tuy nhiên, cùng với việc kiến nghị các cấp có thẩm quyền tháo gỡ, có hướng dẫn thực hiện cụ thể, thì địa phương cũng chủ động đề ra nhiều giải pháp, triển khai đồng bộ trên toàn địa bàn nhằm đẩy nhanh tiến độ với quyết tâm đạt kết quả từ 70-80% vào cuối năm.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đắk Glong Trần Nam Thuần cho biết, huyện đã thành lập tổ công tác đặc biệt do Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường làm Tổ trưởng, trực tiếp giải quyết và tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện giải quyết những vấn đề về đất đai cho người dân thuộc đối tượng thụ hưởng; căn cứ vào quy hoạch để sửa chữa, nâng cấp các công trình giao thông, giáo dục, sản xuất, công trình cấp bách phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Tương tự, tại huyện Tuy Đức, đến nay kết quả giải ngân nguồn vốn 3 chương trình mục tiêu quốc gia năm 2022-2023 là gần 123/347.829 tỷ đồng, chỉ đạt 35,4% kế hoạch.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đinh Ngọc Nhân cho rằng, ngoài những vướng mắc, khó khăn chung như các địa phương khác, Tuy Đức đang gặp khó khăn về việc cấp đất ở, đất sản xuất, làm nhà cho người dân, nhất là khu vực đồng bào dân tộc thiểu số. Cụ thể, theo quy định của pháp luật muốn xây nhà ở phải có đất thổ cư, nhưng hiện nay các đối tượng thụ hưởng phần lớn sống ở khu vực nông thôn, chủ yếu đất sản xuất nông nghiệp nên không đủ điều kiện; chưa có văn bản hướng dẫn về định mức cụ thể đối với đất sản xuất cấp cho các đối tượng thụ hưởng theo quy định... nên địa phương còn gặp khó khăn. Để tháo gỡ vướng mắc, thực hiện có hiệu quả ngồn vốn của các Chương trình, Tuy Đức đã chỉ đạo các phòng, ban thành lập các tổ hỗ trợ về thủ tục, hỗ trợ vay vốn thực hiện chương trình, tập trung hỗ trợ người dân về thủ tục pháp lý liên quan, hỗ trợ tiền và chỉ đạo phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay thêm vốn để mua đất ở, làm nhà ở... quyết tâm, đến cuối năm nay giải ngân vốn toàn Chương trình đạt khoảng 85%.
Tại hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đẩy mạnh thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 mới đây, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông Tôn Thị Ngọc Hạnh đánh giá, tỷ lệ giải ngân vốn đến nay đạt rất thấp, các địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiểu dự án, phải linh hoạt lồng ghép các chương trình để đạt hiệu quả cao nhất.
Đối với những vướng mắc trong quá trình triển khai, bà Hạnh đề nghị các đơn vị, địa phương cần phối hợp, bàn bạc để tìm cách tháo gỡ. Trường hợp cần xin hướng dẫn của Trung ương thì các sở, ngành, địa phương phải chủ động tham mưu để tỉnh trình các bộ, ngành liên quan kịp thời tháo gỡ, với quyết tâm đạt kết quả cao nhất có thể.